Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 18:01
Thứ sáu, 03/11/2023 08:11
TMO - Chi phí logistics cao, phụ thuộc lớn vào các hãng vận chuyển nước ngoài khiến nông sản Việt Nam xuất khẩu dù có nhiều lợi thế nhưng không cạnh tranh lại với các nước.
Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cho biết, ngành logistics ngày càng đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ quá trình hoạt động của xã hội, đặc biệt là trong sản xuất, lưu thông và phân phối các sản phẩm và dịch vụ. Dịch vụ logistics phục vụ sản xuất kinh doanh nông sản là một phân ngành dịch vụ lớn trong chuỗi dịch vụ cung ứng logistics. Trong thời gian qua, dịch vụ logistics nói chung và logistics phục vụ sản xuất kinh doanh nông sản của Việt Nam nói riêng đã có sự phát triển quan trọng. Cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistics, các nhà cung cấp đã không ngừng phát triển lớn mạnh hỗ trợ tốt cho việc cung cấp đầu vào đảm bảo sản xuất, cho sản xuất và thương mại nông sản.
Thực tế, theo thống kê từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), chi phí logistics so sánh với tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam đang ở mức 16,8%, so với bình quân thế giới là 10,7%. Tính trong ASEAN, chi phí logistics Việt Nam cao hơn các nước Singapore (đang ở mức 8,5%), Malaysia (13%) và Thái Lan (15,5%). Chi phí logistics cao, phụ thuộc lớn vào các hãng vận chuyển nước ngoài khiến nông sản Việt Nam xuất khẩu dù có nhiều lợi thế nhưng không cạnh tranh lại với các nước, đặc biệt là Thái Lan.
Tỷ lệ hao hụt và thất thoát trong chuỗi nông sản cao từ 25 - 30%, trong đó thủy hải sản 35%, rau quả và trái cây có thể lên đến 45%. Chi phí logistics chiếm 12% giá thành sản phẩm ngành thủy sản, chiếm 23% giá thành đồ gỗ, chiếm 29% giá thành rau quả, chiếm 30% giá thành gạo. Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, mặc dù rau quả Việt Nam có sản lượng lớn, hơn 34,7 triệu tấn (trong đó, rau các loại hơn 16,1 triệu tấn; quả các loại 18,6 triệu tấn) nhưng tỉ lệ sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thấp, nhiều loại sản phẩm sản xuất chưa đáp ứng đúng nhu cầu thị trường. Hạ tầng cơ sở vừa thiếu vừa không thích hợp, tổn thất sau thu hoạch rất cao, khoảng 30-35%.
Chi phí logistics cao làm giảm sức cạnh tranh nông sản xuất khẩu của nước ta.
Theo các doanh nghiệp, hạ tầng logistics đang là rào cản ảnh hưởng đến tiến độ xuất khẩu, khả năng tận dụng cơ hội kinh doanh. Việt Nam nằm sát thị trường lớn Trung Quốc nhưng hạ tầng logistics chưa khai thác được lợi thế này. Hiện nay, một xe sầu riêng đi từ Đắk Lắk đến Lạng Sơn để xuất khẩu sang Trung Quốc mất 7 ngày nếu cửa khẩu thông thoáng. Nếu ùn tắc, xe phải nằm chờ, riêng tiền dầu chạy xe tốn thêm 2,5 triệu đồng/ngày. Nếu Lạng Sơn hay các cửa khẩu lớn có đủ bến bãi tập trung, xe hàng đưa lên vào đó nằm chờ xuất khẩu thì không có chuyện ùn tắc.
Ngoài ra, chi phí tại cảng và các khoản phụ phí vẫn còn cao. Không có hàng không với đội bay chuyên chở hàng hóa riêng biệt phục vụ cho các sản phẩm nông nghiệp, nên chi phí vận chuyển bằng đường hàng không cao hơn nhiều so với các nước lân cận như Campuchia, Thái Lan... Thời gian xử lý tại cảng hoặc vận chuyển dài. xuất khẩu trái cây phải trải qua nhiều công đoạn nhưng cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ của chúng ta phát triển chưa đồng bộ, chưa thật sự kết nối nên phát sinh nhiều thời gian, chi phí, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, giá thành của nông sản. Hệ thống cao tốc vẫn bị kẹt xe tại các nút giao, điểm nghẽn. Hệ thống kho bãi manh mún, cơ sở chế biến nông sản còn thiếu, quy mô nhỏ. Chuỗi kho mát, kho lạnh phục vụ cho nông sản còn thiếu.
Hãng tàu, hãng hàng không đang hoạt động tại Việt Nam hầu hết đều của nước ngoài, nên doanh nghiệp bị phụ thuộc vào giá cước vận chuyển, thời gian transit, lịch vận chuyển… hạ tầng cơ ở sản xuất, chế biến, bảo quản tại Việt Nam còn yếu khiến tình trạng hao hụt ở mức cao. Rau quả xuất khẩu phải có những kho riêng, phương tiện vận chuyển riêng nhưng hiện chúng ta vẫn chưa có, vẫn thực hiện cùng với các loại nông sản khác. Chính vì vậy, hao hụt, tổn thất sau thu hoạch rất cao, lên tới 30-35%.
Mặc dù, các chủ trương, quy định chính sách đã được ban hành để tạo hành lang pháp lý và môi trường kinh doanh thông thoáng, lành mạnh thúc đẩy hoạt động logistics phát triển bền vững. Việt Nam ngày càng quan tâm hơn đến việc hình thành các trung tâm logistics/trung tâm đầu mối nông nghiệp và cả trung tâm thu gom nông sản. Tuy nhiên, chưa có chiến lược đề án tổng thể tích hợp về phát triển logistics nông nghiệp, cũng như chưa có chiến lược, quy hoạch phát triển logistics nông nghiệp tầm nhìn dài hạn. Chính sách hỗ trợ cho phát triển logistics phục vụ các vùng sản xuất kinh doanh nông nghiệp còn thiếu, chưa có những ưu tiên cho các nhà đầu tư vào dịch vụ logistics. Chính sách phát triển các trung tâm liên kết nông sản, trung tâm đầu mối nông nghiệp mới chỉ trong giai đoạn thí điểm hoặc đề xuất xây dựng chưa có hướng dẫn.
Hoàn thiện hệ thống hạ tầng logistics phục vụ sản xuất kinh doanh nông sản là nhiệm vụ quan trọng.
Nông sản là một trong những ngành hàng quan trọng, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Trong bối cảnh ngành nông nghiệp sẽ phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp; tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Hệ thống logistics phục vụ sản xuất kinh doanh nông sản trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Phát triển hệ thống dịch vụ logistics nông sản nhằm xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh và uy tín của nông sản Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế.
Hiện Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đang xây dựng dự thảo Đề án phát triển logistics gắn với vùng sản xuất, kinh doanh nông nghiệp của cả nước giai đoạn 2023 - 2030. Dự thảo đề án đặt ra mục tiêu giảm trung bình 0,5 - 1%/năm tổn thất sau thu hoạch và 30% chi phí logistics nông sản khi phân phối qua hệ thống trung tâm dịch vụ logistics nông sản. Đảm bảo 100% nông sản qua hệ thống trung tâm logistics nông sản được truy xuất nguồn gốc và đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.
Tại các vùng sản xuất nguyên liệu có các trung tâm dịch vụ logistics nông sản, 70% số hợp tác xã, thương nhân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics và 100% hợp tác xã, thương nhân, doanh nghiệp được đào tạo tập huấn nâng cao năng lực các kỹ năng liên quan đến dịch vụ logistics nông sản. Cơ bản hình thành hệ thống trung tâm dịch vụ logistics nông sản tại các vùng sản xuất kinh doanh trọng điểm và một số chuỗi cung ứng nông sản chủ lực ra thị trường quốc tế.
Dự thảo Đề án cũng đưa ra các nhiệm vụ như: Xây dựng và hình thành hệ thống dịch vụ logistics nông sản ở các vùng trọng điểm; xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng của các trung tâm dịch vụ logistics nông sản và hạ tầng giao thông kết nối giữa các trung tâm;… Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối điện tử trong hệ thống Trung tâm dịch vụ logistics nông sản. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại và hợp tác quốc tế. Đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống logistics nông sản. Triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách phục vụ hệ thống logistics nông sản.
Hải Nam
Bình luận