Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 14:01
Thứ hai, 28/10/2024 06:10
TMO - Chỉ dẫn địa lý có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân. Vì vậy, việc sản phẩm xoài Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý là cơ sở quan trọng để khẳng định thương hiệu nông sản xoài, góp phần nâng tầm giá trị của ngành hàng này.
Xoài là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp với 3 giống chính: xoài cát, xoài cát chu và xoài tượng da xanh. Đối với riêng huyện Cao Lãnh, hiện huyện Cao Lãnh có hơn 4.200/14.000ha diện tích trồng xoài toàn tỉnh Đồng Tháp, đây cũng là nơi tập trung phần lớn diện tích trồng xoài của tỉnh.
Do đó, tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều hướng tích cực trong việc giữ gìn và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xoài Cao Lãnh. Chỉ dẫn địa lý xoài Cao Lãnh không chỉ khẳng định giá trị sản phẩm nông nghiệp của Đồng Tháp mà còn là cơ hội lớn để đưa sản phẩm này vươn ra thế giới.
Để bảo vệ và nâng cao giá trị thương hiệu xoài Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai nhiều hoạt động nhằm giữ gìn và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm đặc trưng này. Được biết, xoài Cao Lãnh, chủ yếu là giống xoài cát Hòa Lộc và xoài cát Chu, đã được trồng từ rất lâu trên vùng đất Đồng Tháp.
Với điều kiện thổ nhưỡng giàu dinh dưỡng từ phù sa sông Tiền cùng khí hậu thuận lợi, xoài Cao Lãnh phát triển vượt trội về cả chất lượng và năng suất. Đặc biệt, vị ngọt thanh, thịt xoài mềm và mùi thơm đặc trưng đã tạo nên sự khác biệt mà ít có loại xoài nào sánh kịp. Không chỉ là một sản phẩm nông nghiệp thông thường, xoài Cao Lãnh còn mang giá trị văn hóa và kinh tế to lớn. Những vườn xoài bạt ngàn không chỉ cung cấp nguồn thu nhập ổn định cho người dân mà còn góp phần quảng bá hình ảnh của địa phương ra toàn cầu.
Với hương vị thơm ngon, giá trị kinh tế cao, ngay từ năm 2012, xoài Cao Lãnh đã chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xoài cát chu và xoài cát, đối với khu vực địa lý các vùng xoài trên địa bàn TP Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh. Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng “Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030” bắt đầu thực hiện từ năm 2022, trong đó có nhiệm vụ “Quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài của tỉnh Đồng Tháp gắn với kiểm soát chất lượng, mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu”.
Xoài Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) được người tiêu dùng ưa chuộng bởi hương vị thơm ngon. (Ảnh minh hoạ: LT).
Đây là bước ngoặt quan trọng trong quá trình khẳng định giá trị và chất lượng của loại trái cây này. Chỉ dẫn địa lý không chỉ là công cụ bảo vệ quyền lợi cho người trồng xoài mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh khi sản phẩm tham gia vào thị trường quốc tế. Điều đó không chỉ giúp bảo vệ nguồn gốc và uy tín của sản phẩm, mà còn là bước đệm quan trọng để đưa xoài Đồng Tháp vươn xa trên các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.
Để làm được điều đó, ngành nông nghiệp Đồng Tháp luôn chú trọng việc hỗ trợ người nông dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Hiện tại, với sự hỗ trợ của các chính sách từ Trung ương và địa phương, ngành hàng xoài Cao Lãnh đã có những bước tiến vững chắc trong việc cải thiện chuỗi giá trị.
Các hoạt động tập huấn kỹ thuật canh tác tiên tiến, nâng cao nhận thức về sản xuất sạch và xây dựng thương hiệu đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong và ngoài nước. Dù đã đạt được nhiều thành công trong việc giữ gìn và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhưng ngành hàng xoài Cao Lãnh vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn như biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên cây trồng hay sự cạnh tranh khốc liệt từ các sản phẩm xoài ở các nước khác đều là những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ làm suy giảm chất lượng và uy tín của xoài Cao Lãnh.
Thông tin từ Lãnh đạo UBND huyện Cao Lãnh, huyện xác định việc giữ gìn Chỉ dẫn địa lý xoài Cao Lãnh không chỉ là bảo vệ giá trị truyền thống mà còn là thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. Huyện đã phối hợp chặt chẽ với các HTX, doanh nghiệp và nông dân để xây dựng kế hoạch sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nhằm đảm bảo xoài Cao Lãnh luôn đạt chất lượng cao nhất nhằm phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Huyện Cao Lãnh đã triển khai các chương trình hỗ trợ người trồng xoài, từ việc cung cấp giống xoài chất lượng cao.
Đồng thời tư vấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây xoài, đến việc kết nối với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu. Những chính sách này không chỉ giúp người nông dân nâng cao năng suất mà còn ổn định được giá cả, tránh tình trạng “được mùa, mất giá” một trong những thách thức lớn của ngành nông nghiệp Đồng Tháp. Sự tham gia của các HTX trồng xoài trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển chỉ dẫn địa lý.
Xoài Cao Lãnh từ lâu đã trở thành một thương hiệu quen thuộc, uy tín đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) đã thành công trong việc canh tác xoài với hương vị thơm ngon và đạt năng suất cao. Bên cạnh đó, chỉ dẫn địa lý xoài Cao Lãnh đã mở ra những kỳ vọng mới trong công cuộc nâng cao giá trị kinh tế, tạo sức cạnh tranh trên thị trường, hướng tới xuất khẩu sản phẩm xoài đặc sản.
Mỹ Hạnh
Bình luận