Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 14:11
Thứ sáu, 08/09/2023 08:09
TMO - Phát triển chăn nuôi tuần hoàn là việc triển khai phương thức, công nghệ chăn nuôi gắn với giảm tiêu hao nguyên liệu, hạn chế phát thải đầu ra và xử lý tối ưu chất thải làm đầu vào cho trồng trọt, thủy sản và lâm nghiệp.
Phát triển chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn là một trong những chủ trương, định hướng chung của nhà nước về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, phù hợp với mục tiêu “Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045” tại Quyết định số 1520/QĐ-TTg, ngày 6/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong những năm gần đây, ở Việt Nam, việc áp dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi tuần hoàn đã giúp nâng cao giá trị, gia tăng sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chăn nuôi, tận dụng đầu ra của chăn nuôi tạo nguồn phân bón hữu cơ chất lượng cao phục vụ trồng trọt (như trồng cỏ, trồng ngô sinh khối,...) làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc, trồng lúa, rau hữu cơ…
Việc áp dụng mô hình chăn nuôi tuần hoàn trong thời gian qua trên cả nước đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Điển hình như triển khai mô hình chăn nuôi lợn, trồng trọt theo hướng hữu cơ trên địa bàn 6 tỉnh: Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Nam Định, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai với quy mô 2.700 lợn thịt. Mô hình này đã áp dụng kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng hữu cơ, nhờ vậy đàn lợn có sức đề kháng tốt, không bị nhiễm bệnh, tỷ lệ nuôi sống 100%, trong khi đàn lợn của các hộ xung quanh bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi với tỷ lệ cao.
Việc xử lý chất thải từ chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học đã tiết kiệm được 1.387 lít nước/con lợn, còn chất thải chăn nuôi được xử lý bằng chế phẩm sinh học đã tạo nguồn phân hữu cơ để bón cho cây trồng (lúa, ngô, đậu tương) rồi quay trở lại làm nguồn thức ăn cung cấp cho lợn, tạo ra vòng tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp. Do kiểm soát được con giống, thức ăn và thực hiện đúng quy trình chăn nuôi theo hướng hữu cơ nên chất lượng thịt lợn trong mô hình thơm ngon, được thị trường chấp nhận. Sản phẩm chăn nuôi của mô hình một phần được các doanh nghiệp trực tiếp thu mua, chế biến tiêu thụ, phần còn lại đều được các HTX, hộ dân trực tiếp tiêu thụ với giá bán cao hơn thịt lợn chăn nuôi đại trà từ 25 - 30% tùy từng thời điểm.
Chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn không những hạn chế ô nhiễm môi trường mà còn thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm thuận lợi.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc, với mục tiêu hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững, thân thiện môi trường, sử dụng chất thải, phế phẩm, phụ phẩm… làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất khác thông qua việc áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý, biện pháp kỹ thuật, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo ngành chuyên môn, các địa phương khuyến khích người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp nói chung và lĩnh vực chăn nuôi nói riêng.
Các địa phương quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, tạo điều kiện cho người dân đầu tư chăn nuôi khép kín, quy mô lớn, xây dựng hệ thống xử lý chất thải, chứa chất thải để sử dụng trong nông nghiệp. Cùng với đó, ý thức và tư duy chăn nuôi của người dân chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang đầu tư chăn nuôi khép kín, quan tâm xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải, áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh…
Giai đoạn 2015 - 2023, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã hỗ trợ các hộ chăn nuôi xây dựng trên 14.000 công trình xử lý chất thải bằng bể biogas, hỗ trợ đệm lót sinh học để xử lý chất thải cho 6.000 hộ chăn nuôi gà, hỗ trợ máy ép phân, bể trước và sau biogas. Đến nay, tỷ lệ trang trại đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, quan tâm xây dựng hầm biogas, công trình sau biogas chiếm khoảng 70%. Phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn trên địa bàn tỉnh đã khẳng định được hiệu quả cao trên các lĩnh vực kinh tế, môi trường, xã hội. Quá trình chăn nuôi theo chu trình khép kín, tuần hoàn giúp chất thải được xử lý và dùng làm nguyên liệu cho trồng trọt, nuôi thủy sản, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát trong sản xuất và lượng chất thải ra môi trường.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên, hiện toàn tỉnh có tổng đàn hợn hơn 650.000 con; 15,8 triệu con gia cầm; trên 90.000 con trâu, bò với tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 212.000 tấn/năm. Chăn nuôi chiếm 44,5% giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản và hơn 50% giá trị sản xuất nội ngành nông nghiệp. Thái Nguyên hiện có hơn 1.100 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; trong đó có 57 trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn, 723 trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm quy mô vừa và hơn 300 trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ.
Hiện hầu hết các trang trại chăn nuôi ở Thái Nguyên đã sản xuất theo chuỗi liên kết kép kín, tuần hoàn trong cung cấp thức ăn, giống, thuốc thú y, xử lý môi trường và tiêu thụ sản phẩm; đồng thời ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất như: sử dụng 100% giống ngoại năng suất, chất lượng cao, hệ thống chuồng kín, trang bị đèn sưởi, silo, máng ăn tự động, máy tiêm, máy bấm răng nanh, gắn chíp điện tử thẻ tai, đầu tư hệ thống quạt làm mát, phun tắm tự động...
Bước đầu, một số trang trại chăn nuôi đã áp dụng hệ thống dọn chất thải tự động, hệ thống quạt hút giảm nhiệt độ bằng bộ phận cảm ứng, áp dụng các biện pháp xử lý môi trường chăn nuôi như: công nghệ phủ bạt, Saibon, đệm lót sinh học, máy ép tách phân sản xuất phân hữu cơ, máy lọc sục khí, công nghệ vi sinh hữu hiệu, chế phẩm sinh học để xử lý chất thải... Qua đó, 116 trang trại, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn đã được cấp chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, 42 cơ sở được chứng nhận chăn nuôi an toàn dịch bệnh...
Để phát triển chăn nuôi tuần hoàn, các huyện, thành phố đã quy hoạch, bố trí đất đai dành cho phát triển chăn nuôi, quy hoạch địa điểm để thu hút đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Toàn tỉnh đã có 75 hợp tác xã chăn nuôi hoạt động sản xuất theo chuỗi từ tổ chức sản xuất đến giết mổ, tiêu thụ sản phẩm, hình thành các vùng chăn nuôi gà thả vườn có thương hiệu tại huyện Phú Bình, Định Hóa, vùng chăn nuôi lợn tại thành phố Phổ Yên, huyện Phú Bình, vùng chăn nuôi bò tại huyện Định Hóa, Phú Bình, thành phố Phổ Yên.
Đến nay, Thái Nguyên đã xây dựng được 22 chuỗi sản xuất chăn nuôi gắn với giết mổ, tiêu thụ sản phẩm, chế biến. Tuy nhiên, việc phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm ở Thái Nguyên vẫn còn một số hạn chế. Các mô hình chăn nuôi tuần hoàn được áp dụng nhưng chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả chưa cao, phương thức chăn nuôi tuần hoàn hiện mới chỉ áp dụng đồng bộ tại mô hình trang trại tổng hợp; việc quy hoạch, bố trí đất đai cho phát triển chăn nuôi trang trại, cơ sở giết mổ còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc chuyển đổi, bố trí đất đai để thu hút đầu tư các dự án chăn nuôi có quy mô lớn; chăn nuôi quy mô nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ cao (trên 60%), hệ thống chuồng trại tận dụng, không đồng bộ, hạn chế về kiến thức khoa học để áp dụng vào thực tiễn nên việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi tuần hoàn, VietGAP khó thực hiện đồng bộ..
Chăn nuôi tuần hoàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm được triển khai rộng khắp tại nhiều địa phương trên cả nước. Ảnh: TTX.
Hà Nội có diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 197 nghìn ha, chiếm 58,9% tổng diện tích đất tự nhiên; tổng đàn trâu hiện có 28,7 nghìn con, đàn bò 128,4 nghìn con, đàn lợn 1,5 triệu con, đàn gia cầm 38,7 triệu con, đàn chó mèo 438 ngàn con; có 6515 trang trại chăn nuôi và 730 cơ sở, điểm, hộ giết mổ. Chính từ số lượng, quy mô này đã tạo một lượng chất thải lớn (chất thải rắn (phân, chất độn chuồng, thức ăn thừa…) ước khoảng 4,35 triệu tấn/năm; chất thải lỏng (nước tiểu, nước rửa chuồng, sân chơi….) ước khoảng 2640,05 triệu lít/năm. Chất thải từ các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, tiêu huỷ gia súc mắc bệnh, từ các dụng cụ hoá chất sử dụng trong chăn nuôi, phòng trị bệnh.
Trong những năm qua, trên địa bàn thành phố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trên 41.000 hệ thống biogas, theo chương trình sử dụng khí sinh học theo nhiều công nghệ khác nhau xây gạch và composite, có 4 công trình xử lý công nghệ CDM, sử dụng hệ thống bạt HDPE góp phần vào giảm bớt được 80 - 90% mùi hôi của chuồng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chăn nuôi tại các vùng nông thôn, cải thiện chỉ số chất lượng không khí.
Ngành chăn nuôi thành phố cũng đã sử dụng công nghệ làm hầm biogas bằng nhựa composite, nhựa HDPE và máy ép phân vừa xử lý chất thải, vừa tạo ra khí đốt phục vụ sinh hoạt vừa là nguyên liệu để làm phân bón. Theo đó, chăn nuôi bò sữa có 155 hệ thống biogas chiếm 75% số trại bò sữa, chăn nuôi bò thịt có 278 hệ thống biogas chiếm 44% số trại chăn nuôi bò thịt, chăn nuôi lợn có hơn 1.100 hệ thống biogas chiếm 95% số trại chăn nuôi lợn và 34% số trại chăn nuôi gà sử dụng chế phẩm xử lý môi trường trong chăn nuôi. Có trên 70% cơ sở chăn nuôi sử dụng khí biogas để phục vụ sinh hoạt (chủ yếu đun, nấu) và nước thải, chất thải sau xử lý sử dụng vào lĩnh vực trồng trọt.
Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng cần có những giải pháp về cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính, đất đai, nguồn lực cho các trang trại xây dựng hệ thống xử lý chất thải, đáp ứng quy định pháp luật về môi trường; hoặc có chính sách về giá điện từ khí sinh học để khuyến khích các cơ sở chăn nuôi lớn khai thác hết lượng khí sinh học dư thừa; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Bộ tài liệu kỹ thuật hướng dẫn quy trình thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp cho mục đích khác.
Bên cạnh đó, cần phải có các dự án ưu tiên trong lĩnh vực này như: dự án sản xuất phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi lợn, gà; dự án nuôi côn trùng để xử lý chất thải chăn nuôi làm thức ăn chăn nuôi hoặc phân bón cho cây trồng; dự án sản xuất khí sinh học quy mô lớn từ chất thải chăn nuôi lợn. để phát triển chăn nuôi tuần hoàn trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp.
Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến để phát triển kinh tế tuần hoàn, chăn nuôi tuần hoàn, ứng dụng công nghệ thông tin, thu thập, tổng hợp, phân tích, đánh giá, đề xuất quy trình, quy chuẩn phù hợp từng đối tượng, lĩnh vực và vùng miền. Ngoài ra, cũng cần thực hiện việc tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và người sản xuất nông nghiệp(chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản), chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Khuyến khích áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt, hữu cơ, theo hướng hữu cơ, an toàn… quản lý và tái tạo tài nguyên theo một chu trình khép kín, hạn chế tối đa lượng phế thải, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh về giá trị sản phẩm; giảm tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe của con người.
Minh Hòa
Bình luận