Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 17:11
Thứ bảy, 11/03/2023 11:03
TMO - Trong bối cảnh chăn nuôi gặp nhiều tiềm ẩn rủi ro do dịch bệnh, tỉnh Đồng Nai chú trọng tới việc nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Đồng Nai là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước khi thuộc top đầu về tổng đàn gia súc, gia cầm. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, chăn nuôi vẫn là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh (chiếm 62%) và đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của ngành. Chăn nuôi của tỉnh có 2 loại vật nuôi chủ lực là lợn và gà. Tổng đàn lợn khoảng 2,64 triệu con, với chăn nuôi trang trại chiếm hơn 90% tổng đàn (1.121 trang trại); tổng đàn gà khoảng 25,9 triệu con, với chăn nuôi trang trại chiếm khoảng 91% tổng đàn (306 trang trại).
Những năm gần đây, các trang trại áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, không thuốc kháng sinh, không chất cấm để tạo ra sản phẩm sạch cung ứng cho thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu. Bên cạnh chăn nuôi không thuốc kháng sinh, nhiều trang trại gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đã áp dụng các mô hình như: VietGAP, an toàn sinh học, truy xuất nguồn gốc nhằm giảm rủi ro về dịch bệnh, giảm phát sinh chất thải, đồng thời tạo ra sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Các trang trại lợn trên địa bàn tỉnh hướng tới sản xuất theo quy trình khép kín, an toàn sinh học, dịch bệnh.
Đối với chăn nuôi lợn, toàn tỉnh đã hình thành được 3 vùng GAHP (Quy trình thực hành chăn nuôi tốt) tại các huyện Thống Nhất, Xuân Lộc và thành phố Long Khánh. Toàn tỉnh đã triển khai xây dựng được 42 cơ sở giết mổ theo quy hoạch giết mổ tập trung được đầu tư dây chuyền giết mổ hiện đại, an toàn.
Hiện nay, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đang ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng thông qua việc hình thành các chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn. Trong đó, đã hình thành được 4 chuỗi trứng gà, 13 chuỗi thịt gà, 29 chuỗi thịt heo, 3 chuỗi sản phẩm chế biến từ thịt heo, 2 chuỗi thịt bò, 1 chuỗi yến. Đặc biệt là chuỗi thịt gà chế biến xuất khẩu, bình quân mỗi tháng xuất khẩu 180 tấn thịt gà chế biến sang thị trường Nhật Bản. Ngoài ra, còn có các chuỗi chăn nuôi khép kín của các doanh nghiệp trên địa bàn; hằng năm các chuỗi này cung cấp cho thị trường 262.262 tấn thịt heo, 67.816 tấn thịt gà, 1.888 tấn thịt bò.
Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững trong giai đoạn hội nhập, định hướng của tỉnh tiếp tục phát triển theo hướng trang trại quy mô lớn gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín có nhiều chuyển biến tích cực. Để thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển, gắn với công tác bảo vệ môi trường, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ di dời chăn nuôi, quy định vùng cấm nuôi, vùng nuôi chim yến; quy định mật độ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2025.
Hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường. Ảnh: LT.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có 1.748 trang trại chăn nuôi có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi, đạt tỷ lệ gần 91%. Trong đó, tại các trang trại có quy mô lớn, chất thải rắn được thu gom và xử lý bằng các hình thức như: ủ phân, ủ compost, sơ chế phân, sử dụng máy ép phân. Về nước thải được xử lý bằng phương pháp lý - sinh – hóa kết hợp. Khí thải, nhất là mùi hôi được các trang trại giảm thiểu bằng sử dụng chế phẩm sinh học, trồng cây xanh quanh trại,… đáp ứng các quy định trước khi thải ra môi trường.
Các trang trại có quy mô nhỏ, chất thải được xử lý chủ yếu bằng biogas hoặc đệm lót sinh học. Công tác quản lý môi trường được thực hiện thông qua một số hình thức như: xây dựng, giám sát các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, quy trình thực hành sản xuất tốt. Về thu gom và xử lý mùi hôi, khí thải hầu hết các trại chăn nuôi có lắp đặt các quạt hút tại các dãy chuồng trại để hút khí thải (mùi hôi) trong chuồng trại thải ra môi trường, đồng thời trồng cây xanh cách ly sau các dãy quạt hút, hạn chế mùi hôi phát sinh.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, để khắc phục những khó khăn, phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, sắp tới địa phương sẽ tập trung thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thông qua việc bố trí kinh phí và xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh. Khống chế và kiểm soát tốt một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; chủ động giám sát các dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm, tiếp tục xây dựng mới và duy trì các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Nguyên Bình
Bình luận