Hotline: 0941068156

Thứ bảy, 18/01/2025 14:01

Tin nóng

Đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân 2025

Thêm 15 cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Bến Tre: Thiên tuế hơn 200 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Việt Nam – Lào: Thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế theo hướng bền vững

Dấu ấn VACNE năm 2024

Thủ tướng: Đổi mới, sáng tạo, bứt phá, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình

TP. HCM: 8 cổ thụ tại Thảo Cầm viên được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Mù Cang Chải (Yên Bái): 4 cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Năm 2024 đánh dấu nhiều thành tựu quan trọng về chính sách, pháp luật ngành tài nguyên, môi trường

Đồng Tháp: Ghi nhận 7 cá thể sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim

Tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số

Quảng Ninh: 156 cây cổ thụ tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long được công nhận Cây Di sản

Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố loạt sự kiện nổi bật của ngành năm 2024

Nhiều ý nghĩa trong việc sớm hoàn thành tái thiết các khu dân cư

Nam Định: Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Giai đoạn 2021-2030 Hà Nội đặt mục tiêu GRDP bình quân từ 8,5 - 9,5%

Hải Phòng: Thêm 4 cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Thêm 49 cây cổ thụ đủ điều kiện công nhận Cây Di sản Việt Nam

8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội năm 2025

Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt khoảng 8%, tạo đà năm 2026

Thứ bảy, 18/01/2025

Cây thuốc trong rừng ngập mặn

Thứ năm, 02/12/2021 21:12

Khác với những khu rừng mà chúng ta thường thấy trên đất liền, vì các loài cây trong rừng ngập mặn (RNM) đều sống trên nền đất bùn, luôn ngập nước mặn và có thuỷ triều.

Theo thống kê năm 2000, RNM phổ biến ở 118 quốc gia trên thế giới, với diện tích 137.760 km².  Kiểu rừng này ở Việt Nam nằm dọc theo vùng đất lầy ven biển, cửa sông, từ Trà Cổ ở Đông Bắc, vòng xuống phía Nam qua mũi Cà Mau đến Hà Tiên, giáp với bờ biển của Campuchia, với diện tích khoảng 156.608 ha (bằng 2,2% tổng diện tích rừng trong cả nước). So với các kiểu rừng trên đất liền, tính đa dạng thực vật của RNM kém phong phú hơn nhiều. Điều đặc biệt, RNM còn có khả năng tích lũy một lượng lớn cacbon, tạo bể chứa cacbon, để làm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, ứng phó với những biến đổi khí hậu toàn cầu.

Rừng ngập mặn đã tạo nên một hệ sinh thái ven biển hết sức quan trọng, không chỉ về mặt môi trường, bảo vệ đê biển, hạn chế xói lở, mở rộng đất liền ra biển, mà còn là một nguồn lợi về kinh tế, góp phần nâng cao mức sống cho người dân địa phương. Đó là nơi cung cấp thức ăn gia súc, nơi cư trú cho nhiều loài hải sản, chim, thú và cũng là nơi cung cấp nhiều sản phẩm như gỗ, củi, than, lá lợp nhà, mật ong (nguồn phấn hoa và mật hoa trong RNM rất lớn; đến mùa hoa, người nuôi ong thường di chuyển đàn ong của họ đến RNM để ong lấy mật).

Ở Việt Nam, các nhà khoa học đã thống kê được 51 loài cây trong RNM, trong đó có 14 loài cho tanin, 14 loài làm thức ăn gia súc, 30 loài cho gỗ, củi, than và đặc biệt có nhiều loài cây làm thuốc.

Sau đây, là những cây thuốc thuộc họ Đước (Rhizophoraceae), trong RNM:

Cây Đước đôi, hay Đước bộp (Rhizophora apiculata Bl.)

Cây gỗ mọc ven biển vùng nhiệt đới Bắc bán cầu. Rừng Đước Cà Mau có cây cao đến 30m, đường kính gốc thân tới 40-60cm (cây Đước ở Miền Bắc thường nhỏ hơn), có nhiều rễ chống mọc xoè ra quanh gốc thân như cái nơm to để chống đỡ cho cây khỏi đổ. Lá dày, phiến hình bầu dục, đầu nhọn, gốc tù, mặt dưới lá có chấm đen. Lá kèm dài 4-9cm. Cụm hoa là xim hai hoa ở nách các lá đã rụng. Hoa màu vàng nhạt hay trắng, dài 1,5-2cm. Quả hình quả lê, dài 2-2,5cm, màu nâu, rễ mầm hình trụ thõng xuống, màu xanh lục, dài 20-38cm, phía dưới hơi phình to. Rễ mầm là rễ nẩy mầm từ quả còn ở trên cành (cây thai sinh). Cây ra hoa quanh năm, quả chín tháng 6-11. Cây cũng có khả năng tái sinh bằng chồi rất khoẻ. Các loài Đước ở Việt Nam thường gặp trong các rừng Sú, Vẹt, trên đất phù sa nhiều bùn, nơi đất ngập thuỷ triều hằng ngày, phổ biến ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam.

Rễ chống ở cây Đước. (nguồn: internet)

 Vỏ cây Đước chứa nhiều tanin, có tác dụng làm săn, cầm máu, chữa viêm họng và trị tiêu chảy (Trung Quốc, Nhật Bản), chữa lỵ, đái ra máu (Myanmar). Ở Ấn Độ, nó được dùng trong điều trị bệnh tiểu đường. Ở Campuchia, người dân thường dùng rễ Đước chữa các bệnh thấp khớp. Người ta đã thử cho bò sữa ăn lá Đước, thấy lượng sữa và hàm lượng chất dinh dưỡng trong sữa tăng lên. Ngoài ra, vỏ Đước còn dùng để nhuộm lưới và thuộc da. Gỗ Đước cứng nặng, khi tươi dễ gia công, khó cưa khi khô, được dùng trong xây dựng, làm khung nhà, trụ cầu, trụ mỏ và đóng đồ mộc.

Theo số liệu nghiên cứu năm 1984, rừng Đước Cà Mau mỗi năm cung cấp cho hệ sinh thái RNM ở đây hàng chục tấn lá khô/ha. Lớp lá này tạo thành mùn làm thức ăn cho  tôm cá và các động vật thuỷ sinh. Vì vậy, người dân ở Minh Hải có câu "cây Đước rước con tôm, con tôm ôm cây Đước”.

Ngoài Đước đôi, còn có cây Đước nhọn, hay Đước xanh (Rhizophora mucronata Poir.) và  Đước chằng (Rhizophora stylosa Griff.). Vỏ các cây này đều chứa nhiều tanin và cũng được sử dụng như cây Đước đôi.

Cây Trang, còn gọi là Vẹt đìa, Vẹt khang

Chi Trang (Kandelia) ở Việt Nam có 2 loài: Cây Trang  ở Miền Bắc thuộc loài  K. obovata Sheue, Liu & Young và cây Trang  ở Miền Nam thuộc loài K. candel (L.) Druce. Đây là cây gỗ nhỏ, cao 5-7m, sống ở nơi đất ngập thuỷ triều hằng ngày, không có rễ thở. Lá mọc đối, có phiến thon, dài 5-12cm, rộng 2,5-5cm, mép lá thường cuốn xuống, lá kèm dài 2cm. Cụm hoa là xim lưỡng phân, mang nhiều hoa trắng, cánh hoa dài 14mm, chẻ hai và rìa thành sợi dài; nhị nhiều; cuống hoa dài 2,5-5mm. Quả dài 1-1,5cm, có đài cuốn xuống. Rễ mầm hình trụ, dài 15-30cm, ở đầu mỗi quả (khi rụng cắm xuống bùn, phát triển thành cây mới). Mùa hoa, quả: tháng 5-10.

Cây Trang có quả và rễ mầm dài. (nguồn: internet)

Loài này phân bố ở các nước Đông Nam Á, cũng có ở ven biển Trung Quốc, Ấn Độ. Ở Việt Nam, cây Trang mọc ở RNM từ Quảng Ninh đến Long An, Minh Hải, Kiên Giang. Người dân vùng ven biển Thái Bình, Hà Nam trồng làm cây bảo vệ đê ven biển và nuôi ong mật. Vỏ Trang chứa tanin, dùng để nhuộm lưới. Ở Ấn Độ người ta phối hợp vỏ Trang với Gừng khô, Hồ tiêu và nước Hoa hồng để làm thuốc trị bệnh tiểu đường. Quả Trang ăn được, thường dùng để nuôi lợn.

Cây Dà, hay Dà vôi, Dà đỏ, Dà nét (Ceriops tagal (Perr.) C. B. Rob.)

Cây Dà phân bố từ Đông Phi tới Nam Á, Australia và Melanesia. Ở Việt Nam, cây này gặp ở các bãi lầy ven biển, thường mọc lẫn với cây Đước và Vẹt (hoặc thành rừng thuần loại). Đây là cây gỗ nhỡ, có khi cao tới 10-15m, đường kính thân tới 20cm. Vỏ thân màu xám sáng. Quanh gốc cũng có nhiều rễ chống nhỏ. Lá nguyên hình bầu dục, mọc đối, tập trung ở phần cuối các cành. Lá kèm hình mũi mác. Cụm hoa là một xim ở nách lá hay đầu cành, gồm 5-10 hoa. Đài hợp, tồn tại trên quả. Cánh hoa thuôn, mỏng, dính nhau ở gốc, màu trắng, sau chuyển sang màu nâu, đỉnh có 3 phần phụ hình chuỳ. Nhị gấp đôi số cánh, không đều nhau. Bầu nửa dưới, 3 ô, mỗi ô chứa 2 noãn. Quả hình trứng, rễ mầm dài hình trụ, hơi có cạnh. Quả tháng 5-8.

Cây Dà có rễ mầm dài (Nguồn: Internet)

Vỏ cây Dà chứa nhiều tanin, có tác dụng làm săn, dùng đắp cầm máu vết thương. Ở Châu Phi, có nơi dùng nước sắc chồi cây Dà để chữa bệnh sốt rét. Nó cũng được dùng để ăn trầu, nhuộm lưới, buồm và dây câu. Có thể pha với thuốc nhuộm khác để nhuộm màu đỏ hoặc đen. Gỗ Dà dùng trong xây dựng, đóng thuyền và làm than củi cho nhiệt lượng cao. Quả Dà cũng có thể ăn được.

Cây Vẹt , còn gọi là Vẹt dù, Vẹt rễ lồi (Bruguiera gymnorrhiza (L.) Savigny)

Cây Vẹt phân bố chủ yếu ở các nước nhiệt đới Châu Á. Ở Việt Nam, cây thường mọc ở nơi có đất bùn, ngập thuỷ triều, dọc bờ biển khu vực duyên hải miền Trung, các tỉnh Nam Bộ từ Đồng Nai đến Cà Mau. Cây cũng có thể mọc trên đất khô mặn ít khi thuỷ triều ngập. Vẹt là cây gỗ, cao khoảng 10m, có rễ thở hình trụ, cong như đầu gối. Lá dai, hình bầu dục, dài 8-11 cm, rộng 3-5cm, tù ở gốc, nhọn ở đầu, cuống lá dài 2-4cm. Hoa đơn độc ở nách lá, màu trắng sau chuyển thành màu nâu, thõng xuống. Quả có hình thoi, rễ mầm mập, nhọn đầu, hơi có góc. Mùa hoa, quả: tháng 3-6, có cây ra hoa gần như quanh năm.

 Cây Vẹt có quả và rễ mầm (Nguồn: Internet)

Vỏ cây Vẹt chứa nhiều tanin, vị chát, có tác dụng làm săn, dùng để nhuộm vải, lưới và thuộc da. Lá Vẹt đen có thể dùng để cải thiện bệnh ung bướu. Vỏ vẹt đen được dùng để trị tiêu chảy, bệnh sốt rét. Ở Campuchia vỏ Vẹt dùng làm thuốc trị tiêu chảy. Rễ mầm chứa nhiều tinh bột, có thể chế biến làm thức ăn gia súc. Quả dùng để ăn trầu. Ở Ấn Độ, vỏ Vẹt được dùng để cầm máu hoặc trị vết bỏng, loét ác tính. Gỗ Vẹt cứng rắn, dùng làm nhà, xẻ ván, làm tà vẹt và làm củi. Than của cây Đước và Vẹt rất được ưa chuộng vì ít khói, nhiệt lượng cao (1 Kg than Đước cho 6675 Kcalo, than Vẹt cho 6375 Kcalo).

Một số loài cùng chi như cây Vẹt đen (Bruguiera sexangula (Lour.) Poir.), cao 30-40m, sinh trưởng nhanh. Vẹt trụ (B. cylindrica (L.) Bl.), cũng có công dụng như trên. Rễ non của cây Vẹt trụ có thể nấu ăn như rau.

 

TSKH. Trần Công Khánh

Thích và chia sẻ bài viết:

Bình luận

    Bình luận của bạn

    cmt
      Web đang chạy kỹ thuật
      Zalo phone Hotline