Hotline: 0941068156

Chủ nhật, 02/02/2025 10:02

Tin nóng

Giám sát chặt chẽ các địa phương thực hiện có hiệu quả phong trào trồng cây

Hàng nghìn người đi lễ đền Trần ngày Mùng 2 Tết

[Tết trồng cây Xuân Ất Tỵ 2025] Các địa phương cần tổ chức thiết thực, hiệu quả

Chào năm mới Ất Tỵ 2025

Người dân ùn ùn đổ về trung tâm xem bắn pháo hoa đón Giao thừa

Hà Nội dừng trình diễn drone trong đêm đón Giao thừa Tết Ất Tỵ

Hà Nội tổ chức 30 điểm bắn pháo hoa đêm Giao thừa

Giấy phép khai thác khoáng sản lòng sông phải thể hiện thời gian được phép hoạt động khai thác

Kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm ATTP dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội xuân 2025

Đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân 2025

Thêm 15 cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Bến Tre: Thiên tuế hơn 200 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Việt Nam – Lào: Thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế theo hướng bền vững

Dấu ấn VACNE năm 2024

Thủ tướng: Đổi mới, sáng tạo, bứt phá, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình

TP. HCM: 8 cổ thụ tại Thảo Cầm viên được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Mù Cang Chải (Yên Bái): 4 cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Năm 2024 đánh dấu nhiều thành tựu quan trọng về chính sách, pháp luật ngành tài nguyên, môi trường

Đồng Tháp: Ghi nhận 7 cá thể sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim

Tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số

Chủ nhật, 02/02/2025

[Cây Di sản Việt Nam] Hai Cây Di sản cổ thụ nơi “Hà Nam đất mẹ anh hùng”

Chủ nhật, 15/12/2024 21:12

Nhắc đến Hà Nam- mảnh đất nơi đây không chỉ nổi tiếng với nhiều lễ hội như: Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, Lễ hội đền Trần Thương, Lễ hội chùa Long Đọi Sơn… mà còn có nhiều địa danh nổi tiếng mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hoá như: nhà Bá Kiến, đền Trần Thương, đền Lảnh Giang, chùa Long Đọi Sơn, khu Di tích đình Câu Tử… gắn với các đặc sản nổi tiếng như: Cá kho Vũ Đại, Bánh cuốn chả Phủ Lý, Bánh đa Kiện Khê, Vọc Long Tửu... Tất cả những địa danh, những lễ hội đó đều mang trong mình những câu chuyện riêng, những sự tích riêng, những dấu ấn và ý nghĩa lịch sử rất riêng...tựu chung lại đều tô điểm thêm cho vẻ đẹp “Hà Nam đất mẹ anh hùng”.

Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường trân trọng gửi đến bạn đọc tác phẩm: Hai Cây Di sản cổ thụ nơi “Hà Nam đất mẹ anh hùng”. Tác phẩm đoạt giải Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024.

Tác giả: KIỀU VĂN HIẾU (Hà Nam)

Nổi bật lên trong số những lễ hội ấy là Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn mang nhiều ý nghĩa nhân văn khuyến nông sâu sắc, với bề dày lịch sử hàng nghìn năm, từ thời vua Lê Đại Hành khởi xướng năm 987 đến nay. Cùng với đó là chùa Long Đọi Sơn hay còn gọi là chùa Đọi Sơn do vua Lý Thánh Tông và Vương Phi Ỷ Lan chủ trì xây dựng từ năm 1054. Đến năm 1121, vua Lý Nhân Tông tiếp tục tôn tạo và xây bia bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh - tấm bia đến nay vẫn còn tồn tại, đã được Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia năm 2014. Nhưng, ít ai biết được rằng, thời xa xưa, để đến được chùa Long Đọi Sơn và tổ chức Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn thì các vị vua, quan thường di chuyển bằng đường sông nước, hướng Sông Hồng rồi rẽ nhánh sông Châu Giang. Đến bế đò Câu Tử và dừng chân tại Vườn Hầu. Tiếp đến là tiến vào Đền Trình, Đình Câu Tử thuộc khu di tích Đình Câu Tử rồi sau đó mới tiến về Đọi Sơn để tổ chức lễ hội. Cả Vườn Hầu, Đền Trình, Đình Câu Tử đều thuộc cụm khu Di tích đình Câu Tử nay thuộc thôn Câu Tử, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên. Khu di tích đã trải qua biết bao nhiêu năm tháng chìm nổi của lịch sử, qua nhiều lần cải tạo và bảo tồn cho đến ngày nay.

“Trên trời có đám mây xanh

Có con ngựa bạch chạy quanh gầm trời

Đôi ta muốn lấy nhau chơi

Cái duyên không đặng mà trời không se...”.

Đây là câu hát Mụa nổi tiếng, hết sức tha thiết, ân tình kể về tích tình yêu đẹp từ hàng nghìn năm trước của một viên tướng trẻ thời tiền Lê và cô lái đò họ Đào xinh đẹp, hiền hậu nơi bến sông Thọ Kiều xưa (tên cũ của bến đò Câu Tử). Truyền thuyết lưu truyền lại rằng, ngày ấy vị trướng trẻ kia cưỡi ngựa bạch có việc cần muốn qua sông; cô lái đò không ngại sóng to, nước lớn đã sẵn lòng chở vị tướng trẻ qua sông; chú ngựa bạch dũng mãnh lặng lẽ bơi theo thuyền. Không may khi tới giữa dòng nước, đột nhiên sóng lũ nổi lên ào ào làm đắm chiếc thuyền nan. Với tài bơi lội của người dân vùng sông nước, cô lái đò họ Đào ấy đã dìu được viên tướng trẻ vào bờ; còn chú bạch mã không thể vượt qua được sóng lớn nên đã mãi mãi nằm lại nơi dòng sông Châu. Qua cơn hoạn nạn, biết ơn cô gái họ Đào cứu mạng, cho là duyên trời viên tướng trẻ đã hẹn hò, kết tóc xe duyên cùng nàng. Nhưng thời binh đao loạn lạc, viên tướng trẻ ra đi và không trở lại... Kể từ ngày đó, người dân quanh vùng gọi bến đò là bến Câu Tử để nhớ về tích đẹp tình yêu nơi bến sông quê. Khi cô lái đò họ Đào mất đi, lâu lâu về sau người dân quanh vùng mới lập Đền Trình để thờ phượng, tưởng nhớ.

Đền Trình tại khu Di tích đình Câu Tử cùng với Cây Di sản trước cửa đền.

Cùng trong khu di tích ấy là ngôi đình Câu Tử cổ kính và linh thiêng mà theo những cổ vật còn lưu giữ được thì ngôi đình ấy có thừ lời nhà Lê. Nơi đây hiện thờ 7 vị phúc thần là Linh Lang Đại Vương (được phong Thượng đẳng thần), Đông Bảng Đại Vương (được phong Trung Bạt Thượng đẳng thần), Đông An Đại Vương (được phong Quang Uý Chi thần), Thủy Tinh Công Chúa (được phong Trang Huy phu nhân Thượng đẳng thần), Mỹ Lý Trung Thành Đại Vương (được phong Thuần Chính chi thần); Đô Hồ Phu Nhân (được phong Trai Tĩnh phu nhân chi thần); Tây Chúa Xương (được phong Trinh Uyển Công Chúa Chi Thần).

Tất cả những truyền thuyết, điển tích, cổ tịch trên chúng tôi chỉ được biết đến trong lần tìm về nơi đây để thăm quan, chiêm ngưỡng, tìm hiểu về hai Cây Di sản cổ thụ nằm trong khuôn viên khu Di tích đình Câu Tử này và được các cụ cao niên nơi đây tận tình kể lại cho nghe. Hai Cây Di sản ấy là cây Ruối và cây Sanh được trồng trong khuôn viên khu di tích, với tuổi đời khoảng 500 năm và được Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam (VACNE) công nhận là Cây Di sản Việt Nam ngày 6/8/2014.

Cây Sanh Di sản cùng nằm trong khuôn viên khu Di tích này.

Theo ông Nguyễn Đức Kiệm - trưởng ban quản lý khu đình và đền của thôn chia sẻ: “Hai cây cổ thụ này được trồng vào thời gian đình, đền được xây dựng lại lần đầu tiên thời nhà Mạc những năm 1527-1592; cùng khoảng thời gian nhà Mạc xây dựng lại chùa Đọi Sơn”. Chừng ấy thời gian, hai cụ cây đã trải qua biết bao thăng trầm lịch sử của đất nước nhưng không ai có thể kể đếm hết những nắng mưa, những phong ba, bão táp hay cả là mưa bom, bão đạn mà hai cây có thể đã phải gánh chịu hay chứng kiến. Để giờ đây, hai Cây Di sản ấy vẫn hiên ngang giữa trời như những “chứng nhân lịch sử” không lời và vẫn xanh tươi tràn sức sống.

Cây Ruối trước cửa đền đầy vẻ cổ lão, nhưng vẫn tràn đầy sức trống, kiêm cường, bất khuất.

Cây Ruối trước cửa Đền với thân có đường kính gần 1 mét, cao chừng hơn 10 mét, cành lá xanh ươm. Điều đặc biệt là thân chính ở giữa cây đã mục nát mà ngay cả những cụ cao tuổi nhất trong làng cũng không còn biết chính xác là do đâu tạo thành, nhưng chắc chắn không phải do người dân nơi đây cố ý phạm thượng, chặt phá bởi xung quanh nó còn là những nhánh thân khác với kích thước nhỏ hơn vẫn đang phát triển tốt. Rất có thể cây đã phải qua sự tàn phá của dông bão lớn hay cũng có thể là bom đạn chiến tranh. Thế nhưng điều đó càng chứng tỏ cây có một sức sống rất mãnh liệt; đâu đó còn đầy anh dũng, kiên cường, bất khuất như chính những người dân nơi đây, những người con “Hà Nam đất mẹ anh hùng” hay như chính quân và dân nước Việt Nam ta.

Gần cạnh đó là cây Sanh có chu vi thân hơn 20m, cao khoảng 30m cùng với vẻ ngoài đầy cổ lão nhưng không hề cằn cỗi mà đầy tràn sức sống, xanh tốt. Nhìn qua có thể thấy rõ những bộ rễ to nhỏ của cây từ trên cao rủ xuống như những bộ râu già, có những nhành rễ đã thành thân cây lớn xung quanh mọc nhiều dương xỉ, hay những cây dây leo khác. Phía trên là tầng lá xanh tươi dường như ngăn cách hẳn bầu trời và khoảng không gian phía dưới. Đứng dưới tán cây, ai nấy trong chúng tôi cũng cảm nhận dường như mình đang được che trở. Khi cái nắng gắt bên ngoài cũng không còn quá khắc nghiệt nữa và chắc chắn cũng sẽ không còn thấy rát mặt trước những cơn mưa bất chợt đổ xuống nữa.

Hai Cây Di sản cổ thụ nơi đây như những người bạn tâm giao đồng hành, cùng nhau chứng kiến, vượt qua biết bao thăng trầm lịch sử; lặng lẽ ngắm nhìn bao lớp thế hệ nơi đây sinh ra, lớn lên và trưởng thành; lặng lẽ lưu giữ những kỷ niệm vui buồn trong cuộc sống thường ngày của những người dân nơi đây mà chẳng ai hay biết. Những ngày bình yên, nơi đây là nơi diễn ra các lễ hội, các sự kiện tín ngưỡng văn hoá tốt đẹp hay bình dị hơn là nơi tập trung của các bạn nhỏ nô đùa, chơi các trò chơi dân gian, đánh trận giả, bịt mắt bắt dê, trốn tìm...và cũng còn là nơi che nắng, trú mưa của rất nhiều người dân nơi đây trong những lúc bất chợt hay nhỡ nhàng. Trong những năm tháng chiến tranh, nơi đây còn là nơi dừng chân, nghỉ ngơi của các tướng lĩnh, binh sĩ, bộ đội ta trong lúc hành quân, tác chiến. Quả thật như vậy, cụ Lương Thị Chì 76 tuổi (người trông coi đền) chia sẻ: “Hai cây cổ thụ này đã từng là nơi dừng chân, nghỉ ngơi của các chú bộ đội trên đường hành quân và cũng từng chứng kiến bom đạn mà Mỹ đã ném xuống đây năm 1968.”

Chia sẻ thêm về giá trị của cây hai cây Di sản, cụ Nguyễn Quang Chiến (78 tuổi) cho biết: “Cây Ruối và Cây Sanh bên Đền và Đình làng được công nhận là Cây Di sản Việt Nam không chỉ là niềm vui, mà còn là niềm tự hào của người dân làng. Bao năm qua, hai cây đã tạo nên sự đa dạng sinh học, làm đẹp cảnh sắc, góp phần bảo vệ môi trường làng quê. Khi được công nhận là Cây Di sản Việt Nam đã tạo thêm động lực cho người dân nơi đây trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh nói chung; chăm sóc, bảo vệ, gìn giữ cây cổ thụ, lâu năm nói riêng. Qua đó, tuyên truyền, giáo dục tới các thế hệ tiếp nối truyền thống tốt đẹp nghìn đời của dân tộc “Ăn quả nhớ người trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”, từ đó cùng chung tay, chung sức chăm sóc, bảo vệ, gìn giữ những di sản văn hóa truyền thống cha ông để lại”.

Hai Cây Di sản này hay tất cả những Cây Di sản khác trên cả nước, nếu như được chăm sóc, bảo tổn cẩn thận thì rất có thể chúng sẽ trường tồn cùng thời gian, cùng đất trời.

Trải qua khoảng 500 tuế nguyệt, dường như cây cũng có linh hồn. Trong khi chúng tôi đứng dưới gốc cây, miên man trong những câu chuyện, chia sẻ của các già làng thì những cành lá của hai cây cổ thụ cũng khẽ đung đưa, tiếng gió rì rào qua từng tán lá như hưởng ứng cho câu chuyện thêm hấp dẫn và sinh động hơn. Hai Cây Di sản nơi đây như những định địa cổ thụ, mang trong mình nhiều giá trị lớn về văn hóa, giáo dục, lịch sử, xã hội, sinh thái...rất cần được chăm sóc, bảo vệ và gìn giữ.

Được biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Nam, các cây di sản được công nhận đều nằm trong khuôn viên di tích đền, chùa, tạo nên quần thể di sản độc đáo mang đậm yếu tố tâm linh và giá trị văn hóa truyền thống. Tùy điều kiện thực tế, mỗi địa phương, đơn vị có cách bảo tồn, bảo vệ cây di sản riêng. Việc bảo vệ, chăm sóc cây di sản chủ yếu do chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư nơi có cây đảm nhận, hiện chưa có quy chế cụ thể, thống nhất và sự phân cấp quản lý trong lĩnh vực bảo tồn, chăm sóc cây di sản tại tỉnh. Trong khi đó, các cây di sản đều có tuổi thọ cao, dễ bị xâm hại bởi sâu bệnh và thiên tai, việc chăm sóc cần có kỹ thuật và kinh phí lớn nhưng nguồn lực của một số địa phương còn hạn chế.

Từ thực tế nêu trên, thiết nghĩ tỉnh Hà Nam cần sớm có chính sách, cơ chế cụ thể về việc bảo tồn, bảo vệ cây di sản; để cộng đồng dân cư, chính quyền các cấp xây dựng giải pháp huy động nguồn lực hiệu quả phát huy giá trị cây di sản. Đồng thời, có nhiều chính sách nhằm thu hút các đề tài nghiên cứu khoa học để bảo tồn cây di sản nói riêng và cây cổ thụ trên địa bàn tỉnh nói chung; hỗ trợ các chuyên gia, nhà khoa học cùng phối hợp với các cơ quan quản lý có thẩm quyền thực hiện khảo sát đánh giá tình hình thực trạng của từng cây để có hướng chăm sóc phù hợp. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân cùng chung tay chăm sóc và bảo vệ cây di sản./.

Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024 do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chủ trì, Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường được giao triển khai thực hiện. Cuộc thi được phát động triển khai từ tháng 3/2024 đến hết tháng 9/2024. Trong số hơn 400 tác phẩm tham gia cuộc thi, Hội đồng giám khảo đã lựa chọn 25 tác phẩm tốt nhất, phù hợp nhất để công bố, trao giải. Lễ công bố, trao giải được tổ chức ngày 26/11/2024 tại Hà Nội.

 

 

 

 

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

Bình luận

    Bình luận của bạn

    cmt
      Web đang chạy kỹ thuật
      Zalo phone Hotline