Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 00:01
Thứ năm, 18/05/2023 16:05
TMO - Cao Bằng là tỉnh miền núi biên giới với trên 94% dân số là người DTTS, sinh sống trên địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, cơ sở hạ tầng còn yếu, mặt bằng dân trí chưa cao. Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Cao Bằng đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 là động lực để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng dân tộc thiểu số ở Cao Bằng.
Hạ tầng cơ sở các địa phương được quan tâm đầu tư, phục vụ sản xuất - Ảnh: IT.
Năm 2022, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG) của tỉnh Cao Bằng là 820.329 triệu đồng (trong đó: Tổng vốn Ngân sách Trung ương là 816.285 triệu đồng; ngân sách địa phương đối ứng hỗ trợ nhà ở là 2.200 triệu đồng; vốn tín dụng: 4.044 triệu đồng).
Thạch An là huyện miền núi, biên giới với 13 xã, 1 thị trấn, trong đó có 11 xã và 1 thị trấn thuộc khu vực III, 69/95 xóm đặc biệt khó khăn. 5 dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Kinh cùng chung sống với dân số 31.518 người, 3.720 hộ nghèo, chiếm 46,7%. Địa bàn huyện chia cắt phức tạp, dân cư phân tán, trình độ nhận thức của người dân không đồng đều, nhất là tại các xóm vùng sâu, vùng xa, đời sống của đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn. Huyện Thạch An xác định, việc huy động mọi nguồn lực để triển khai hiệu quả Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN có vai trò quan trọng trong giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
Thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025, năm 2022, huyện Thạch An được giao vốn 74,085 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư 48,035 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 26,050 tỷ đồng. Đến ngày 31/1/2023, giải ngân vốn đầu tư trên 43,359 tỷ đồng, đạt 90,26%; vốn sự nghiệp trên 3 tỷ đồng, đạt 11,82%. Năm 2023, huyện được giao vốn đầu tư 58,181 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 75,032 tỷ đồng, đối ứng ngân sách địa phương trên 1,1 tỷ đồng.
Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Thạch An được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế.
Từ nguồn vốn được giao, huyện Thạch An quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN. Củng cố, phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú; bổ sung trang thiết bị, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục toàn diện. Khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch; nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho nhân dân. Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín; hỗ trợ đồng bào DTTS được tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ, quảng bá các sản phẩm của địa phương. Triển khai nhiều biện pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS&MN. Tạo điều kiện để đồng bào DTTS nâng cao nhận thức về pháp luật, từng bước vận dụng pháp luật có hiệu quả vào việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân và gia đình...
Trong thời gian tới, huyện Thạch An tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trên địa bàn về nội dung, tầm quan trọng, sự cần thiết phải đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN; đẩy nhanh việc thực hiện các dự án, tiểu dự án. Phát huy tinh thần dân chủ trong việc lựa chọn thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác; huy động tối đa các nguồn lực, sự ủng hộ, đóng góp của nhân dân; quản lý, sử dụng nguồn vốn đúng quy định, không để xảy ra sai phạm.
Còn tại huyện Hòa An, thời gian qua đã triển khai các chương trình, chính sách, dự án đảm bảo phù hợp với phát triển kinh tế từng vùng và nhu cầu của người dân, xây dựng kế hoạch, phân bổ chi tiết nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ trực tiếp cho người dân vùng khó khăn, hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư hạ tầng cơ sở, lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và nhiều chương trình, đề án khác được Chính phủ phê duyệt thực hiện đối với vùng dân tộc và miền núi.
Lãnh đạo UBND huyện Hòa An đến thăm hỏi bà con nhân dân tại xóm Cộp My, xã Nguyễn Huệ.
Giai đoạn 2021 - 2025, huyện triển khai kịp thời, đúng đối tượng, góp phần tạo cơ hội cho người dân phát huy nội lực, phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Năm 2022, huyện được phân bổ 48,361 tỷ đồng đầu tư 85 dự án, trong đó, khởi công mới 49 dự án, chuẩn bị đầu tư 36 dự án, cấp huyện 63 dự án, cấp xã 22 dự án (11 công trình thực hiện theo đặc thù). Tổng nguồn vốn sự nghiệp 18,932 tỷ đồng thực hiện 9 dự án, UBND huyện phân bổ cho các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn được giao thực hiện dự án tổ chức rà soát danh mục, nội dung công việc, tập trung thực hiện các nội dung của dự án.
Các chương trình, chính sách hỗ trợ vùng đồng bào DTTS được triển khai hiệu quả, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu ở vùng đồng bào DTTS được quan tâm đầu tư, hoàn thiện; hệ thống đường liên xã và giao thông nông thôn cơ bản lưu thông thuận lợi. 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, 100% xã có điện lưới quốc gia… Năm 2022, huyện giảm 510 hộ nghèo, đạt 121,43% kế hoạch. Bản sắc văn hóa các dân tộc tiếp tục được duy trì và phát huy; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng lên; hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh.
Có thể thấy, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG, Cao Bằng đã bám sát các văn bản của Trung ương để chỉ đạo kịp thời việc tổ chức thực hiện. Trong đó, tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả nội dung trọng tâm các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025, cụ thể:
Đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm sinh kế bền vững, ổn định đời sống nhân dân trên cơ sở tập trung khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng của từng địa phương. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; nâng cao hiệu quả, chất lượng đầu tư các chương trình, dự án phù hợp với điều kiện sinh thái, tập quán sản xuất của từng vùng, từng dân tộc.
Ưu tiên đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh. Tập trung giải quyết hiệu quả những vấn đề bức thiết về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, sắp xếp, di dời, bố trí ổn định dân cư cư trú phân tán ở xóm vùng cao, nhất là vùng nguy cơ cao về thiên tai.
Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực. Tăng cường công tác y tế cơ sở, thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Quan tâm xây dựng đời sống văn hóa vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch. Thực hiện hiệu quả chính sách giải quyết việc làm; nghiên cứu xây dựng cơ chế khuyến khích hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững.
Nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh trật tự ở nông thôn, vùng đồng bào DTTS. Tăng cường, nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS.
Tăng cường đào tạo, quy hoạch, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ người DTTS; bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS phù hợp với tỷ lệ người DTTS trên địa bàn.
Tạ Thành
Bình luận