Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 17:01
Thứ sáu, 19/07/2024 08:07
TMO - Xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống chính trị, tỉnh Cao Bằng đã triển khai đồng bộ các giải pháp trong đó chú trọng đến việc triển khai các mô hình sinh kế, hỗ trợ người dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giảm nghèo bền vững.
Năm 2024, tỉnh Cao Bằng tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Tỉnh phấn đấu, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4% trở lên (riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 5% trở lên). Tỉnh đã tập trung thực hiện các dự án theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Địa phương này đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo với trên 200 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người nghèo; Triển khai thực hiện 94 dự án/kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp;
Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập; gắn với quy hoạch sản xuất, đề án chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, phát triển các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh tại địa phương, tạo giá trị gia tăng cho người sản xuất, thoát nghèo bền vững…
Mô hình sinh kế nuôi bò sinh sản ở xóm Khuổi Bốc, xã Bảo Toàn (Bảo Lạc) đem lại hiệu quả. Ảnh: HA.
Tại huyện Bảo Lạc, các mô hình sinh kế giảm nghèo đang được triển khai như hỗ trợ giống, cây con tùy điều kiện thực tế, tư vấn, tạo sinh kế phù hợp, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người nghèo trên địa bàn. Đây là cách giảm nghèo bền vững, bước đầu đang mang lại hiệu quả giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Từ năm 2021 đến nay, thực hiện Dự án 2 “đa dạng hóa phát triển sinh kế” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện giải ngân 24 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương triển khai thực hiện 46 dự án, trong đó có 13 dự án chăn nuôi, 33 dự án trồng trọt, chủ yếu là các cây, con tiềm năng, thế mạnh của địa phương như: quế, hồi, dâu tằm, trúc sào, mận, nuôi bò sinh sản, lợn đen bản địa. Riêng năm 2024, tổng nguồn vốn thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo 10,2 tỷ đồng. Đến nay, huyện giao cho 16 xã thực hiện theo Nghị quyết số 29 của HĐND huyện.
Hạ Lang là 1 trong 61 huyện nghèo của cả nước, với hơn 98% đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện về cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn. Thời gian qua, huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo, lồng ghép các nguồn lực từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia, ưu tiên các nguồn vốn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo. Nhiều mô hình phát triển cây trồng, vật nuôi đã phát huy hiệu quả như chăn nuôi lợn nái sinh sản, bò cái sinh sản, hỗ trợ sản xuất ngô thương phẩm, trồng mía nguyên liệu đã và đang phát huy hiệu quả.
Bên cạnh mô hình hỗ trợ bò sinh sản, trong những năm gần đây, người dân tại một số địa phương trên địa bàn huyện đã chuyển đổi từ trồng ngô sang trồng giống lạc đỏ địa phương mang lại hiệu quả kinh tế so với các loại cây trồng khác. Điều kiện thời tiết và đất đai ở đây rất phù hợp. Giống lạc đỏ địa phương cho năng suất, giá trị kinh tế cao hơn trồng ngô nhiều...
Các địa phương tận dụng nguồn ngân sách từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế.
Cùng với các địa phương trên địa bàn tỉnh, toàn huyện Thạch An có 5 dân tộc sinh sống gồm Tày, Nùng, Mông, Dao, Kinh với dân số 31.518 người, 3.720 hộ nghèo, chiếm 46,7%. Do địa bàn huyện bị chia cắt phức tạp, dân cư phân tán, trình độ nhận thức của người dân không đồng đều do đó đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.
Thời gian qua, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, từng bước giúp người dân cải thiện cuộc sống, giảm nghèo bền vững, lãnh đạo UBND huyện đã tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với những mục tiêu sát với thực tiễn, nhu cầu, bức thiết cần giải quyết xã, xóm, bản đặc biệt khó khăn. đến nay trên địa bàn đã được đầu tư 135 tỷ đồng thực hiện 7 dự án.
Nhất là tại các xã đặc biệt khó khăn như: Trọng Con, Thụy Hùng, Vân Trình, Lê Lai đã được phân bổ trên 109 tỷ đồng đầu tư 25 dự án xây dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu về giao thông nông thôn, thủy lợi, trường học, điện lưới, trạm y tế, nhà văn hóa, duy tu bảo dưỡng các công trình dân sinh... Bên cạnh đó, UBND huyện phân bổ trên 9,6 tỷ đồng đầu tư 24 dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo từ trồng cây thạch đen, lê, hồi, chè hữu cơ chất lượng cao, bí xanh thơm; 17 mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp cải thiện dinh dưỡng như khoai tây, lạc, đỗ, ngô ngọt…
Xác định công tác giảm nghèo là nội dung quan trọng của chương trình thời gian tới tỉnh tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và thủ trưởng các đơn vị trong chỉ đạo, triển khai thực hiện. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững. Đẩy nhanh tiến độ triển khai nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo đúng quy định; tiếp tục thực hiện tốt các phong trào thi đua gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” nhằm huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực thực hiện Chương trình.../.
Ngọc Ánh
Bình luận