Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 04:11
Thứ hai, 19/12/2022 19:12
TMO - Ô nhiễm không khí có liên quan chặt chẽ với biến đổi khí hậu, trong đó quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch vừa gây biến đổi khí hậu, vừa là tác nhân chính gây ô nhiễm không khí. Do đó những nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu cũng có thể cải thiện không khí bị ô nhiễm, và ngược lại. Hội đồng liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng nếu quy trình sản xuất nhiệt điện từ đốt than không kết thúc vào năm 2050, nhiệt độ của Trái Đất sẽ tăng hơn 1,5 độ C và chúng ta có thể chứng kiến một cuộc khủng hoảng khí hậu lớn trong vòng 20 năm tới.
(Ảnh minh hoạ)
Nếu những nỗ lực giảm ô nhiễm không khí có thể đáp ứng được các mục tiêu đã đề ra trong Thỏa thuận Paris nhằm chống biến đổi khí hậu, khoảng 1 triệu người trên toàn thế giới sẽ cứu sống mỗi năm. Xét về thiệt hại kinh tế, việc giải quyết các vấn đề sức khỏe do ô nhiễm không khí được ước tính đã tiêu tốn hơn 4% GDP của 15 quốc gia phát thải khí nhà kính nhiều nhất.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng các nguồn năng lượng gây ô nhiễm hiện nay đã tạo ra những gánh nặng lớn về sức khỏe, do đó rất cần chuyển sang những lựa chọn sạch hơn và bền vững hơn để cung cấp năng lượng và vận chuyển hệ thống thực phẩm một cách hiệu quả. Hội nghị toàn cầu đầu tiên về ô nhiễm không khí và sức khỏe sẽ nâng cao nhận thức về tác hại và rủi ro đến sức khỏe cộng đồng, cũng như chia sẻ thông tin về những ảnh hưởng của ô nhiễm không khí.
Cùng với sự gia tăng dân số và nhiệt độ Trái Đất nóng dần lên, không khí mà con người hít thở mỗi ngày cũng đang bị ô nhiễm trầm trọng do các động cơ và quy trình công nghiệp vẫn tiếp tục thải ra rất nhiều khí bẩn. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người, là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật và một yếu tố chính dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Do đó, các biện pháp thiết thực để giảm ô nhiễm không khí là rất quan trọng, cần được quan tâm và đầu tư thực hiện nhiều hơn.
Phạm Dung
Bình luận