Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 09:01
Chủ nhật, 02/04/2023 12:04
Nếu như vào “Ngày Chủ nhật xanh” hàng tuần, khi mọi người đều được nghỉ, mà toàn dân tham gia dọn dẹp vệ sinh quanh khu vực dân cư, địa phương mình sinh sống, bằng các hoạt động như: thu dọn rác thải, phát quang cây cỏ, bụi rậm, quét đường, khơi thông kênh rạch- mương máng…; thì tôi tin chắc rằng cảnh quan môi trường không chỉ ở đô thị, mà tất cả các vùng nông thôn, miền núi ở nước ta sẽ mãi luôn xanh-sạch-đẹp!
Trong vài thập kỷ trở lại đây, khi xã hội phát triển, mức sống của người dân ở nước ta ngày càng được cải thiện, nâng cao lên thì cũng đồng nghĩa với một thực tế là: chúng ta đang thải ra quá nhiều rác sinh hoạt! Vâng, không riêng gì tại các đô thị đông đúc dân cư, mà hiện nay tại hầu như tất cả các vùng nông thôn, miền núi, tình trạng rác thải và vấn nạn ô nhiễm môi trường đã, đang là nỗi lo của các cấp chính quyền, khi mà ngoài số rác thực thu gom được để chôn lấp, xử lý mỗi ngày ra, thì vẫn còn có một khối lượng rác “siêu khủng” vương vãi, tồn đọng khắp mọi nơi, từ khu dân cư cho tới các cánh đồng, ven dòng sông, con suối, kênh rạch...
Các bãi rác, đống rác thải sinh hoạt tự phát mà bộ phận những người dân thiếu ý thức vứt đổ tràn lan, không chỉ tạo hình ảnh vô cùng nhếch nhác, mất mỹ quan, làm ô nhiễm nguồn nước, đất; mà còn làm cho môi trường sống của cư dân trở nên ngột ngạt.
Việc triển khai hiệu quả phong trào "Ngày Chủ nhật xanh" cùng với ý thức người dân được nâng lên thì các bãi rác tự phát sẽ được xử lý, hạn chế ô nhiễm, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường.
Theo như tôi thấy, ở các vùng nông thôn, miền núi ở nước ta chuyện các đội, tổ thu gom rác thải sinh hoạt vẫn chủ yếu theo kiểu… “tự phát”, nghĩa là địa phương cắt cử một nhóm người hàng ngày đi tới các khu dân cư lấy rác mà người dân chất đống ở lề đường mang về tập kết tại một địa điểm nào đó, làm sao cách xa nhất khu dân cư có thể. Thế nhưng, chuyện xử lý rác đâu có phải địa phương nào cũng làm tốt, mà nhiều nơi thường mang rác thu gom được từ dân ra chôn lấp tạm bợ ngoài cánh đồng, mương máng, ven sông, suối… Làm như vậy chỉ là khắc phục “bề nổi” còn về lâu dài sẽ là không ổn chút nào khi các bãi chôn lấp rác chắc chắn sẽ xuất hiện mọi nơi mọi chỗ, và lúc đó ô nhiễm sẽ tràn lan, và việc xử lý sẽ rất khó.
Ngay như tại các thành phố ở nước ta dẫu ở mỗi nơi đều có lực lượng công nhân môi trường đô thị rất đông đúc, thế nhưng việc thu gom được hết số lượng rác thải hàng ngày cư dân thải ra là một điều… “bất khả thi”, mà vẫn luôn có rất nhiều rác thải được người dân mang vứt, đổ trộm tràn lan khắp mọi nơi. Chính vì vậy mà các bãi rác, phế thải tự phát tại các đô thị ở nước ta xuất hiện ngày càng nhiều. Nhiều khi các công nhân môi trường đô thị thu gom, dọn dẹp sạch sẽ các bãi rác tự phát được vài hôm, thì ngay tức thì những hôm sau đó rác thải lại xuất hiện, thậm chí là rác nhiều hơn, ô nhiễm hơn…
Việc phát động và duy trì hoạt động ý nghĩa bảo vệ môi trường của Ngày Chủ nhật xanh góp phần nâng cao chất lượng môi trường tại các địa phương (Ảnh minh họa).
Từ thực trạng như nêu trên, thiết nghĩ các cơ quan ban ngành, chính quyền các địa phương không chỉ “cắm” các tấm biển “cấm đổ rác” kèm mức tiền phạt để lấy lệ, hay… cho vui; mà cần phải song hành làm tốt công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, sống có trách nhiệm với môi trường và cộng đồng, khi không vứt bỏ rác tuỳ tiện. Ngoài ra, các địa phương, nhất là các đô thị nên phát động phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, và duy trì hoạt động ý nghĩa bảo vệ môi trường này thường xuyên, lâu dài để không chỉ thanh niên, mà toàn dân cùng tham gia.
Lê Thị Kết
Bình luận