Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 09:11
Thứ hai, 27/06/2022 11:06
TMO – Ngành tài nguyên và môi trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiến hành các hoạt động quan trắc, phân tích dữ liệu tại các khu bãi rác tạm, từ đó đưa ra giải pháp nhằm phục hồi môi trường các bãi chôn lấp rác tạm, tránh tác động đến môi trường.
Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 6 bãi chôn lấp rác tạm thời gồm: bãi rác Phước Cơ (TP. Vũng Tàu), bãi chôn lấp Suối Rao (huyện Châu Đức), Láng Dài (Đất Đỏ), Gò Cà, Bình Châu, Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc). Các bãi chôn lấp rác tạm cơ bản đáp ứng được nhu cầu của địa phương, giải quyết được phần lớn các vấn đề về môi trường phát sinh trong quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương. Song, việc chôn lấp không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Từ năm 2017, Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên đi vào hoạt động thì rác thải sinh hoạt ở các địa phương đã được vận chuyển về xử lý tại Công ty TNHH Kbec Vina (Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên). Theo đó, các bãi rác tạm cũng ngưng hoạt động. Cũng theo Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mới đây, Sở TN&MT đã tiến hành theo quan trắc, phân tích các thông số ô nhiễm trong môi trường đất tại 6 bãi rác tạm. Kết quả cho thấy, bãi chôn lấp Phước Cơ (TP. Vũng Tàu) có thông số ô nhiễm trong đất vượt ngưỡng cho phép của QCVN 07:2009/BTNMT; các bãi rác tạm còn lại tỷ lệ ô nhiễm thấp.
Bãi rác tạm tại ấp Bình Trung, xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc)
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, để sớm cải tạo, phục hồi môi trường bãi chôn lấp Phước Cơ, tránh tác động đến môi trường chung quanh, tạo mặt bằng nhằm phục vụ cho mục đích sử dụng đất, phát triển kinh tế - xã hội của TP. Vũng Tàu, Sở đã đề xuất UBND tỉnh giải pháp đào bốc khối lượng chất thải rắn còn tồn đọng tại bãi chôn lấp Phước Cơ khoảng 4.518 tấn để vận chuyển về Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên xử lý.
Còn đối với các bãi chôn lấp Suối Rao (huyện Châu Đức), Láng Dài (huyện Đất Đỏ), Gò Cà, Bình Châu, Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc), Sở đề xuất phương án giữ nguyên hiện trạng, không thực hiện bốc dỡ mà tập trung trồng cây tràm keo trên bề mặt để giảm thiểu ô nhiễm xói mòn, sạt lở và sự xâm nhập của nước mưa đến tầng chôn lấp; giảm thiểu mùi hôi từ khu trung chuyển chất thải rắn đang hoạt động trên nền bãi chôn lấp cũ. Đồng thời, các địa phương có liên quan cần tăng cường các giải pháp bảo vệ môi trường; tập trung khắc phục ô nhiễm từ các bãi chôn lấp rác tạm; đồng thời, tiếp tục triển khai các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường tại đây.
Phạm Dung
Bình luận