Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 15:01
Thứ ba, 11/04/2023 21:04
TMO - Theo Bản đồ nguy cơ ngập úng với mực nước biển dâng tại Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2022, biến đổi khí hậu (BĐKH) tạo sức ép lớn đến đô thị ven biển và các đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long nếu mực nước biển dâng lên 100cm, 47,29% diện tích đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập.
Theo các chuyên gia, không chỉ mưa lớn, dông lốc, bão và ngập lụt ở đô thị ngày càng phổ biến và gia tăng, hiện tượng nhiệt độ tăng cao, nắng nóng cũng có xu thế tăng mạnh ở các đô thị và các khu công nghiệp gây ra nhiều tác động tiêu cực đến tình trạng tiêu thụ điện, phụ tải điện gia tăng sẽ khiến giảm hiệu suất truyền điện, tăng nguy cơ chập cháy mất an toàn, gây ra nguy cơ cháy rừng, phá hủy hệ sinh thái, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân…
Cần giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu theo hướng bền vững. Ảnh minh hoạ
Chính vì tác động của BĐKH cùng nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan khác đang ngày càng gia tăng nên dẫn đến những rủi ro về hiện tượng đảo nhiệt trong đô thị và những thiên tai, thiệt hại khó lường cho đời sống người dân. Do đó, các chuyên gia cho rằng, cần tích hợp giảm nhẹ thích ứng nhằm hướng đến xây dựng đô thị xanh, cacbon thấp, tạo môi trường dễ chịu cho con người sinh sống và chống chịu với thiên tai; Xây dựng nhóm giải pháp tập trung vào chống chịu với thiên tai bằng các giải pháp công trình (công trình chống chịu gió mạnh, ngập lụt, nắng nóng, nước dâng,…) từ đó có thể tăng cường khả năng dự báo và cảnh báo thiên tai; Xây dựng thông tin về rủi ro với sự tham gia của các bên (nhà hoạch định chính sách, quản lý, nhà khoa học, cộng đồng, doanh nghiệp,…) trong đánh giá rủi ro khí hậu đô thị và xây dựng chính sách ứng phó phù hợp; Tập trung vào nhóm dân cư có hoàn cảnh khó khăn, ưu tiên ứng phó BĐKH đối với những đối tượng dễ bị tổn thương như người nghèo, phụ nữ, người nhập cư; Xây dựng các hệ thống quản trị, tài chính, thể chế và chính sách, quy hoạch kết nối giữa các đô thị trong và ngoài nước trong việc giảm thiểu rủi ro thiên tai, thích ứng với BĐKH.
Đồng thời, để thực hiện các giải pháp giảm phát khí nhà kính (KNK), ứng phó với BĐKH, theo các chuyên gia, cần xây dựng và triển khai đồng thời các giải pháp giảm phát thải KNK và thích ứng BĐKH cho các đô thị thông qua quy hoạch và thiết kế đô thị với việc “phủ xanh” diện tích cây xanh, xây dựng và sử dụng hệ thống pin mặt trời trong hệ thống các đô thị; tăng cường đầu tư tài chính và kêu gọi sự tham gia của các bên liên quan trong việc ứng phó với BĐKH; đa dạng sinh học và hệ sinh thái đô thị dựa vào các giải pháp tự nhiên; chú trọng đến chuyển đổi năng lượng trong quá trình đô thị hoá, hạ tầng giao thông, quản lý nước, quản lý phát thải rắn; xây dựng thể chế và chính sách hướng tới các lộ trình phát triển đô thị bền vững nhằm ưu tiên triển khai thực hiện các giải pháp giảm phát thải KNK và chống chịu với BĐKH dựa vào tự nhiên, hướng tới đô thị thông minh.
Phạm Yến
Bình luận