Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 20:11
Thứ ba, 27/02/2024 10:02
TMO - Những năm qua, UBND tỉnh Bình Thuận chú trọng đầu tư từ quy trình chọn giống đến giai đoạn thu hoạch sản phẩm thanh long, qua đó chất lượng được cải thiện rõ rệt. Trước tình trạng thị trường tiêu thụ nhiều biến động, các sở ngành liên quan phối hợp với các địa phương thúc đẩy sản xuất, tìm đầu ra ổn định cho loại nông sản chủ lực này.
Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có trên 27.000 ha thanh long, trong đó hơn 8.600 ha thanh long được cấp chứng nhận VietGAP. Trong thời gian qua, ngoài việc phát triển diện tích VietGAP được tỉnh giao, từ các nguồn lực, dự án, chương trình khác, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất thanh long. Đồng thời, tranh thủ kinh phí từ các nguồn và mời một số đơn vị có thẩm quyền đánh giá, cấp chứng nhận cho gần 100 ha thanh long đạt VietGAP lên GlobalGAP, tạo điều kiện tốt hơn hướng tới xuất khẩu chính ngạch đi các thị trường.
UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: Sản xuất thanh long đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh, góp phần trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao đời sống của nông dân. Đặc biệt, trong giai đoạn 2021 - 2023, Bình Thuận được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UNDP Việt Nam hỗ trợ tham gia Chương trình thí điểm thu hút sự tham gia của các nông dân từ các hợp tác xã và doanh nghiệp trong việc xanh hóa chuỗi cung ứng thanh long.
Tỉnh Bình Thuận đẩy mạnh sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ.
Tỉnh Bình Thuận đã xây dựng kế hoạch ban đầu để phục hồi xanh sau dịch COVID-19. Đồng thời, tiếp tục chuyển chuỗi cung ứng thanh long sang các hoạt động với mục tiêu bền vững như: Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; sản xuất và chế biến được áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc và mã QR để cung cấp thông tin về nguồn gốc, chất lượng và trách nhiệm môi trường của sản phẩm; sử dụng bóng đèn LED tiết kiệm năng lượng.. 100% hộ thành viên thuộc các hợp tác xã tại Bình Thuận đã chuyển đổi từ bóng đèn compact sang sử dụng đèn LED (loại 9W) tiết kiệm được hơn 50% điện năng tiêu thụ, góp phần làm giảm 68% lượng khí thải ra môi trường. Bên cạnh đó, nông dân tại Bình Thuận đã sử dụng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước nên đã giảm 41,67% lượng nước tiêu thụ so với trước đây.
Hiện tỉnh Bình Thuận đang vận hành đầy đủ hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử lượng khí thải carbon đầu tiên cho các sản phẩm thanh long. Chỉ trong một năm, hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đã mở rộng từ 50 lên 269ha trang trại được chứng nhận Global G.A.P. Đến nay, hơn 23.300 tấn thanh long tươi đã đến tay người tiêu dùng quốc tế và trong nước với mã QR chứng nhận chất lượng và mức độ phát thải carbon…
Tuy nhiên những năm gần đây, việc sản xuất và tiêu thụ thanh long Bình Thuận gặp rất nhiều khó khăn bởi giá bán thấp trong khi chi phí lao động, phân bón…ngày càng tăng. Bên cạnh đó, năng suất trung bình trên 1 ha thanh long lại có xu hướng giảm dần mà nguyên nhân chủ yếu do giống bị thoái hóa, khai thác quá mức dẫn đến cây bị suy kiệt và giảm khả năng chống chịu với sâu bệnh. Đặc biệt là tình trạng dịch bệnh trên cây thanh long chưa có giải pháp xử lý triệt để, theo số liệu điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Thuận thì có đến 19 đối tượng sâu bệnh gây hại trên cây trồng này. Trong đó có 6 đối tượng sâu bệnh gây hại chính: Ruồi đục quả, rệp sáp (đối tượng kiểm dịch thị trường các nước Đông Nam Á), ốc sên, bệnh thối rễ chết cành, bệnh thán thư và bệnh đốm nâu.
Thị trường nhiều biến động đòi hỏi các địa phương trên địa bàn tỉnh cần nâng cao chất lượng sản xuất, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ của thị trường. Ảnh: TD.
Nhằm góp phần thúc đẩy xuất khẩu thanh long theo hướng chính ngạch, Trung tâm Khuyến nông tỉnh vừa tổ chức gặp mặt giữa doanh nghiệp cần thu mua với các đơn vị, cá nhân liên quan hoạt động cung ứng trái thanh long tươi trên địa bàn tỉnh. Tham dự có đại diện một số sở ngành liên quan, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, thu mua thanh long trên địa bàn tỉnh. Tại đây, các đơn vị, doanh nghiệp đã thông tin, trao đổi một số nội dung liên quan đến tình hình sản xuất, thị trường tiêu thụ trái thanh long tươi thời gian qua. Trong đó nhấn mạnh những khó khăn hiện nay người trồng thanh long đang gặp phải do giá cả bấp bênh.
Được biết, nhờ sự hỗ trợ từ tham tán thương mại của Bộ Công Thương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức cho các trang trại, hợp tác xã sản xuất thanh long có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh kết nối với đơn vị thu mua xuất khẩu chính ngạch đi thị trường Mỹ. Các vùng thanh long ký kết hợp đồng sẽ được bao tiêu sản phẩm, phục vụ cho xuất khẩu duy nhất 1 thị trường Mỹ theo đặt hàng.
Thông qua cuộc gặp gỡ “kết nối xúc tiến xuất khẩu chính ngạch thanh long”, các hợp tác xã, doanh nghiệp liên quan hoạt động cung ứng trái thanh long tươi đã thỏa thuận sẽ triển khai đánh giá vùng nguyên liệu thanh long sản xuất đạt tiêu chuẩn đi Mỹ. Dự kiến trong tháng 4/2024, các đơn vị sẽ củng cố lại đội ngũ cán bộ kỹ thuật, các tiêu chí yêu cầu, cũng như quy cách cung ứng hàng hóa, đóng gói…trước lúc xuất hàng đi Mỹ. Sản lượng phía đối tác đặt hàng cung ứng bước đầu khoảng 3 container/tháng; sau đó 6 container/tháng và hướng đến cuối năm 2024 sẽ đạt trung bình 10 container/tháng. Khi thỏa thuận này được thực hiện, sẽ góp phần giải quyết bài toán đầu ra cho thanh long, định hình trong tổ chức sản xuất và liên kết sản xuất.
Trước đó, tỉnh Bình Thuận đã xúc tiến xây dựng “Đề án phát triển thanh long trên địa bàn tỉnh đến năm 2030”. Mục tiêu hướng đến là ổn định diện tích thanh long toàn tỉnh khoảng 25.000 ha (chủ yếu tại các địa bàn trọng điểm: Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Hàm Tân) cũng như thay thế những vườn thanh long già cỗi, năng suất và chất lượng thấp. Đồng thời phát triển thanh long theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, sạch, an toàn, bảo vệ môi trường, có khả năng chống chọi với dịch bệnh, biến đổi khí hậu và kêu gọi đầu tư hình thành các nhà máy chế biến đa dạng sản phẩm từ trái thanh long. Ngoài ra còn gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước để góp phần tạo việc làm, đem lại thu nhập cao và tăng giá trị xuất khẩu cho thanh long Bình Thuận.
Hạ Quyên
Bình luận