Hotline: 0941068156
Thứ tư, 04/12/2024 15:12
Chủ nhật, 25/08/2024 10:08
TMO - UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, hạn chế dịch bệnh lây lan rộng.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung tại Chỉ thị số 21/CT - TTg ngày 14/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Tăng cường theo dõi, nắm bắt thông tin dịch bệnh tại các địa phương có mật độ chăn nuôi heo lớn, các địa phương giáp ranh với các tỉnh đang xảy ra dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi. Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về nhân lực, trang thiết bị để kịp thời ứng phó khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường công tác giám sát tình hình dịch bệnh, kịp thời tiến hành lấy mẫu xét nghiệm khi phát hiện heo bệnh, heo chết có các triệu chứng của bệnh dịch tả lợn châu Phi.
UBND tỉnh cũng đề nghị các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao. Đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển heo bệnh, vứt xác heo chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường…
Theo thống kê của Cục Thú y, tính đến đầu tháng 8/2024, cả nước có hơn 300 ổ dịch tả lợn châu Phi thuộc 99 huyện của 29 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Số lợn mắc bệnh là hơn 32.200 con, số lợn chết và tiêu hủy là hơn 32.300 con. Địa phương có số lợn bị chết, tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi lớn như: Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Quảng Ninh, Quảng Ngãi…
Hiện nay, mặc dù đã có vắc xin dịch tả lợn châu Phi phòng bệnh cho lợn thịt nhưng việc quan tâm, sử dụng vacxin còn hạn chế. Một số địa phương cấp huyện, cấp xã nhận thức chưa đầy đủ, chưa đúng tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi. Từ đó, việc tổ chức chống dịch theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT còn chưa đồng bộ, chưa bố trí đầy đủ kinh phí cho công tác phòng, chống dịch.
UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, hạn chế dịch bệnh lây lan rộng.
Tại Bình Thuận, theo Sở NN&PTNT, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định. Đặc biệt không xuất hiện các ổ dịch bệnh nguy hiểm, một số bệnh truyền nhiễm khác xảy ra ở mức độ lẻ tẻ không lây lan thành dịch. Tuy nhiên, bệnh dịch tả lợn châu Phi có xảy ra tại Trang trại lợn Tân Long thuộc xã Tân Hà, huyện Hàm Tân. Sở NN&PTNT đã phối hợp với chính quyền địa phương đề nghị trang trại này thực hiện một số biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, đến nay dịch bệnh tại đây đã được kiểm soát.
Thời gian tới, tỉnh Bình Thuận tiếp tục triển khai các giải pháp kiểm soát, phòng chống bệnh trên đàn vật nuôi. Theo đó, để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và cuộc sống của người dân chăn nuôi trên địa bàn, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT chủ động hướng dẫn các địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, như điều tra, lấy mẫu, tiêm phòng, phun tiêu độc, khử trùng, xử lý ổ dịch...
Kiểm tra, chấn chỉnh công tác tiêm phòng vắc xin trên đàn vật nuôi, chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Chủ động phối hợp với cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Cùng với đó, thành lập các đoàn công tác đến các địa phương trọng điểm về chăn nuôi, dịch bệnh để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cải cách hành chính trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật và quản lý thuốc thú y.
Riêng các địa phương cần tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm với tinh thần khẩn cấp ở mức cao nhất. Không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch. Tuyệt đối không để xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tại địa phương. Cùng với đó, giám sát, chủ động phát hiện dịch bệnh trên đàn vật nuôi để kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện ở phạm vi nhỏ lẻ. Xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ động vật mắc bệnh, động vật nghi mắc bệnh, vứt xác động vật ra môi trường dẫn đến lây lan dịch bệnh.
UBND tỉnh cũng đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh. Yêu cầu và có biện pháp bảo đảm chủ hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi có động vật buộc phải tiêu hủy do dịch bệnh thực hiện đầy đủ việc sát trùng, vệ sinh, tiêu độc để tiêu diệt mầm bệnh, không để phát tán làm lây lan dịch bệnh…/.
Minh Thúy
Bình luận