Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 00:01
Thứ ba, 05/03/2024 14:03
TMO - Tỉnh Bình Thuận chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng thủy lợi theo hướng hiện đại hóa, phục vụ đa mục tiêu, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, tăng hiệu quả cấp nước cho sản xuất.
Trong nhiều năm qua được sự quan tâm đầu tư của Trung ương và sự nỗ lực của chính quyền địa phương, tỉnh Bình Thuận đã tập trung đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng thủy lợi. Toàn tỉnh có 78 hệ thống công trình thủy lợi, trong đó có tổng cộng 49 hồ chứa (kể cả các ao bàu, hồ chứa nước nhỏ) có dung tích chứa khoảng 441,9 triệu m3 nước; 132 đập dâng (hầu hết đã được kiên cố, trong đó một số có quy mô khá lớn. Tổng chiều dài hệ thống kênh là 4.069,09 km, trong đó hệ thống kênh mương nội đồng trên 2.000 km; 390 công trình thủy lợi nhỏ, có nhiệm vụ tích trữ và trung chuyển nước tưới cho khoảng 1.658 ha.
Hệ thống các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh từ công trình đầu mối đến mặt ruộng, năng lực thiết kế công trình cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn. Tổng dung tích hữu ích của 18 hồ chứa tạo nguồn là 362,3 triệu m3 , hai hồ thủy điện là 774,2 triệu m3 . Tổng năng lực tưới thiết kế toàn tỉnh 73.000 ha, thực tế tưới khoảng 53.000 ha, hiệu quả sử dụng đạt 72,6%, (do một số hệ thống kênh chưa được đầu tư hoàn chỉnh). Cùng với nhiệm vụ cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, các công trình thủy lợi còn tham gia vào việc giải quyết nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân trong tỉnh, cũng như phục vụ nhu cầu của các ngành kinh tế khác, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận.
Với tổng số 49 hồ chứa trên địa bàn tỉnh, có dung tích chứa khoảng 341,9 triệu m3 nước, gồm: 17 hồ chứa nước lớn (có khả năng chứa >3 triệu m3 ), với tổng dung tích thiết kế là 326,39 triệu m3 nước; 10 hồ chứa nước vừa (có khả năng chứa từ 0,5-3 triệu m3 ), với tổng dung tích thiết kế là 12,21 triệu m3 nước; 21 hồ chứa nước nhỏ (có khả năng chứa Ngoài ra, các hồ chứa nước nhỏ (gồm cả ao, bàu) phân bố chủ yếu ở các huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam. Hiện nay, tỉnh đã và đang hoàn thiện công tác tu sửa nâng cấp một số bàu như: bàu Thiểm, bàu Găng Làng, bàu Bông Dâu, bàu Bà Niên, Bàu Cà Giang... để nâng dung tích tưới phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Về khả năng phòng chống lũ của các hồ chứa: do nhiệm vụ chính của các hồ chứa là cấp nước, một vài hồ có thêm nhiệm vụ phát điện nên tất cả các hồ trên đều không có dung tích phòng lũ mà chỉ có dung tích siêu cao, do vậy khả năng cắt giảm lũ của các công trình này cũng ít hiệu quả.
Trong những năm qua, hạ tầng thủy lợi trên địa bàn tỉnh giữ vai trò quan trọng trong bảo đảm nguồn nước cho nông nghiệp, sinh hoạt đồng thời phát huy hiệu quả trong phòng chống thiên tai.
Ngoài ra, toàn tỉnh Bình Thuận có 132 đập dâng, hầu hết đã được kiên cố, các đập dâng có quy mô khá lớn là đập Ba Bàu có năng lực thiết kế tưới là 2.700 ha thuộc huyện Hàm Thuận Nam, đập Đồng Mới thuộc huyện Bắc Bình có năng lực thiết kế tưới là 1.200 ha và đập dâng Tà Pao, có năng lực thiết kế tưới 20.340 cho vùng hưởng lợi thuộc huyện Đức Linh và huyện Tánh Linh Ngoài các công trình thủy lợi vừa và lớn, toàn tỉnh Bình Thuận hiện có 390 công trình thủy lợi nhỏ, có nhiệm vụ tích trữ và trung chuyển nước tưới cho khoảng 1.658 ha, trong đó chủ yếu là ao trữ nước và ao thu gom nước nhĩ tập trung nhiều nhất ở huyện Tuy Phong. Cùng với nhiệm vụ cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, các công trình thủy lợi còn tham gia vào việc giải quyết nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân trong tỉnh, cũng như phục vụ nhu cầu của các ngành kinh tế khác, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội ở Bình Thuận.
Trước yêu cầu về đảm bảo an ninh nguồn nước, đồng thời phục vụ công tác phòng chống thiên tai, tỉnh Bình Thuận đặt mục tiêu phát triển hạ tầng phòng, chống thiên tai và thủy lợi bảo đảm tưới, cấp nước, tiêu, thoát nước cho nông nghiệp, dân sinh, các ngành kinh tế, nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, ứng phó với trường hợp bất lợi nhất, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, đối với hạ tầng thủy lợi đảm bảo cấp nước tưới chủ động với tần suất đảm bảo tưới 85% cho diện tích lúa 2 vụ tại các vùng có điều kiện thuận lợi về nguồn nước và năng lực hệ thống công trình thủy lợi; 75-85% tại các vùng khó khăn hơn. Cấp nước tưới cây trồng cạn; Đảm bảo cấp đủ nước cho chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đảm bảo cấp, thoát nước chủ động cho nuôi trồng thủy sản thâm canh tập trung. Cấp nước cho sinh hoạt khu vực nông thôn, cấp và tạo nguồn cho khu đô thị, công nghiệp, khu kinh tế... từ công trình thủy lợi; Đảm bảo tiêu cho nông nghiệp và các đối tượng tiêu, thoát nước vào hệ thống thủy lợi, trong đó chủ yếu là tiêu tự chảy...
Đối với hạ tầng thủy lợi phục vụ công tác chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó có hạ tầng phòng, chống lũ, địa phương này đặt mục tiêu chống lũ bảo vệ sản xuất lưu vực sông Lũy với tần suất 10%; Đối với lũ chính vụ, chủ động phòng tránh và thích nghi với lũ để bảo vệ khu dân cư. Thành phố Phan Thiết tỉnh Bình Thuận hiện đang là đô thị loại II, định hướng đến năm 2030 phấn đấu trở thành đô thị loại I, vì vậy quy hoạch cao độ nền phải được thiết kế vượt tần suất ngập 1%.
Đối với phòng chống lũ quét, sạt lở đất: Có giải pháp cho vùng có nguy cơ cao tại Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Đức Linh. Đối với hạ tầng phòng, chống sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển: Cần tiếp tục xây dựng, củng cố hệ thống kè sông, đê biển, kè biển... đảm bảo an toàn bờ sông, khu vực ven biển theo tần suất quy định. Đối với hạ tầng khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão: tiếp tục thực hiện quy hoạch 12 khu neo đậu tàu thuyền, tránh trú bão.
Bình Thuận hoàn thiện hệ thống đê, kè biển ở những vị trí xung yếu dọc chiều dài bờ biển của tỉnh để phòng, tránh tác động bất lợi từ biển, bảo vệ dân sinh.
Hệ thống các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh từ công trình đầu mối đến mặt ruộng, năng lực thiết kế công trình cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn. Tổng nguồn nước thủy lợi khai thác hàng năm là 1,45 tỷ m3 , đạt 33,1% tổng lượng có khả năng khai thác toàn tỉnh 4,38 tỷ m3 . Sau khi hồ Sông Lũy (tưới 24.200 ha) sử dụng nước sau thủy điện Đại Ninh (738 triệu m3 ) được đầu tư, năng lực tưới cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp và dân sinh phía Bắc tỉnh. Riêng khu vực phía Nam tỉnh (các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, thị xã La Gi), chưa được đầu tư hạ tầng thủy lợi để phát huy hết nguồn nước sau thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi. Hiện nay, hệ thống đập dâng Tà Pao đã đầu tư chỉ khai thác 394 triệu m3 trên tiềm năng nguồn nước thủy điện 1,25 tỷ m3.
Do vậy thời gian tới tỉnh tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống bậc thang hồ chứa lớn trên các dòng chính sông La Ngà, đầu tư hồ La Ngà 3, tận dụng kết nối nguồn nước sau các hồ chứa thủy điện cấp nước khu vực phía Nam của Bình Thuận, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đầu tư các Hồ chứa nước ngọt để lấy nước và nâng cao mực nước ngầm trên đảo Phú Quý. Đầu tư các hồ chứa tại các vùng có nguồn nước dồi dào để tạo nguồn, cấp nước hạ du và kết nối chuyển nước đi xa bằng hệ thống kênh mương, đường ống. Cụ thể:
Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống kênh các khu tưới chưa hoàn chỉnh và đầu tư hoàn chỉnh các kênh chuyển nước nối mạng đang đầu tư. Đầu tư mới các hệ thống kênh nối mạng chuyển nước bằng giải pháp đường ống để hạn chế thất thoát nước và đảm bảo chất lượng nước phục vụ sinh hoạt Đầu tư các hồ chứa (hồ Tân Lê, huyện Tuy Phong; hồ Cà Tót, huyện Bắc Bình; hồ Sông Tom và hồ Sông Giêng, huyện Hàm Tân, hồ sông Lũy, hồ Ka Pét, hồ Sông Phan) và các trạm bơm (trạm bơm Hồng Liêm, trạm bơm khu tưới Bắc Sông Quao, huyện Hàm Thuận Bắc; Trạm bơm vượt cấp xã Mê Pu, huyện Đức Linh; Trạm bơm vượt cấp trên kênh chính Bắc, hệ thống thủy lợi Tà Pao, huyện Tánh Linh).
Đầu tư hoàn thiện hệ thống kênh các khu tưới chưa hoàn chỉnh (bồi thường lòng hồ và hệ thống kênh nhánh hồ Sông Dinh 3, hệ thống kênh hồ Sông Lũy...) và đầu tư hoàn chỉnh các kênh chuyển nước nối mạng đang đầu tư (kênh tiếp nước Cà Giây - Cây Cà, kênh tiếp nước Sông Móng - Đu Đủ - Tân Lập - Tà Mon, Kênh tiếp nước Biển Lạc - Hàm Tân, Kênh chuyển nước hồ Sông Dinh 3 - hồ Núi Đất,...). Đầu tư mới các hệ thống kênh nối mạng chuyển nước (kênh Đu Đủ - Tân Thành, Hàm Thuận Nam; Kênh Ku Kê - Hàm Hiệp, Hàm Thuận Bắc) bằng giải pháp đường ống để hạn chế thất thoát nước và đảm bảo chất lượng nước phục vụ sinh hoạt.
Đối với hạ tầng phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu trong đó có hạ tầng khu neo đậu tránh trú bão. Để giảm thiểu sự thiệt hại về tính mạng, tài sản của ngư dân và duy trì, phát triển nghề cá, vấn đề bức xúc đặt ra với Bình Thuận là phải có các khu neo đậu cho tàu, thuyền tránh, trú bão an toàn. Cần bổ sung mới ba khu tránh bão tại bốn xã bãi ngang, gồm: Bình Thạnh (huyện Tuy Phong), Tân Thắng (huyện Hàm Tân), Tân Thành (huyện Hàm Thuận Nam) và Hòa Thắng (huyện Bắc Bình) với quy mô mỗi khu chứa được 200 chiếc có công suất đến 200 Cv. Đầu tư theo quy hoạch 13 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; trong đó: 02 khu tránh bão cấp vùng (Phú Hải và Phú Quý); 11 khu tránh bão cấp tỉnh (bao gồm: Liên Hương, Bình Thạnh, Chí Công, Phan Rí, Hòa Thắng, Mũi Né, Ba Đăng, La Gi, Tân Thành, Hồ Lân, Hà Lãng)
Hoàn thiện hệ thống đê, kè biển ở những vị trí xung yếu dọc chiều dài bờ biển của tỉnh để phòng, tránh tác động bất lợi từ biển, bảo vệ dân sinh và phát triển kinh tế xã hội bền vững, góp phần phát triển kinh tế biển của địa phương. Về lâu dài, hệ thống đê, kè biển phải sẵn sàng thích ứng với nguy cơ nước biển dân. Đồng thời từng bước phải hình thành trục giao thông ven biển phục vụ phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng vùng ven biển. Ưu tiên bố trí vốn để đầu tư công trình bảo vệ bờ biển với giải pháp công trình ổn định lâu dài và bền vững (công trình giảm sóng từ xa kết hợp kè bảo vệ bờ)....
Mạnh Dũng
Bình luận