Hotline: 0941068156
Thứ năm, 24/04/2025 06:04
Thứ tư, 23/04/2025 06:04
TMO - Xác định chuyển đổi số có ý nghĩa quan trọng trong mọi lĩnh vực, tỉnh Bình Thuận đã tích cực ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại trong quản lý, bảo vệ rừng. Nhờ đó diện tích rừng được đảm bảo, các hành vi vi phạm đến tài nguyên rừng cũng được phát hiện kịp thời.
Hiện nay đang là cao điểm nắng nóng, nhiều diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đứng trước nguy cơ cháy cao. Theo Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Bình Thuận (Ban Chỉ đạo tỉnh), diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh đa phần thuộc loại rừng rụng lá vào mùa khô (rừng khộp) nằm phân bố ở vùng đồng bằng, núi đất đến vị trí giáp ranh với vùng rừng núi cao, độ dốc lớn, địa thế hiểm trở và bị chia cắt mạnh.
Do đó, gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển lực lượng thực thi nhiệm vụ chống phá rừng hoặc di chuyển lực lượng để tiếp cận đám cháy và triển khai công tác chữa cháy rừng. Trước thực tế trên, nhằm bảo vệ diện tích rừng hiệu quả, ngành Lâm nghiệp Bình Thuận đã triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số để quản lý rừng hiệu quả.
Cụ thể, Bình Thuận đã ứng dụng công nghệ viễn thám trong hoạt động tuần tra, giám sát rừng. Đây là cách làm sáng tạo trong công tác tuần tra, bảo vệ rừng khi nguồn lực đầu tư và nhân lực còn hạn chế. Việc ứng dụng công nghệ viễn thám đó là sử dụng ảnh vệ tinh phục vụ công tác quản lý, giám sát tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận để phát hiện những điểm rừng có thay đổi và thông báo đến lực lượng chức năng để có biện pháp kiểm tra, xử lý.
Tính trong 10 tháng năm 2024, phần mềm này đã phát hiện và gửi tin cảnh cáo 507 điểm nghi ngờ biến động hiện trạng tài nguyên rừng. Theo đó, các đơn vị chủ rừng, Hạt Kiểm lâm đã phối hợp kiểm tra, xác minh 492 điểm ngoài thực địa và xác định các nguyên nhân cụ thể. Bên cạnh đó, công nghệ viễn thám còn phát hiện một số vụ cháy rừng, lấn chiếm đất rừng, lũ lụt, sạt lở, lốc xoáy, phá rừng trái pháp luật và các điểm rừng bị biến động do khai thác rừng trồng….
Kết quả thực hiện phần mềm bước đầu được đánh giá phù hợp với thực trạng công tác quản lý, bảo vệ rừng, giám sát biến động tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, công nghệ này có khả năng tương thích, chịu tải và phục hồi sự cố, tính bảo mật và độ chính xác tốt.
Thông qua ứng dụng công nghệ viễn thám, nhiều vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng cũng được phát hiện, ngăn chặn, lập hồ sơ xử lý kịp thời, không để xảy ra các điểm nóng phá rừng có quy mô lớn, tính chất nghiêm trọng.
Tổng diện tích rừng trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 343.000 ha, trong đó rừng tự nhiên khoảng 297.000 ha và rừng trồng khoảng 45.200 ha. Tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh là 43,08%. Thời gian qua tình trạng phá rừng, lấn, chiếm đất rừng, đặc biệt là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cá nhân, hộ gia đình chồng lấn vào diện tích đất quy hoạch 3 loại rừng vẫn xảy ra.
Ứng dụng công nghệ tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng kiểm lâm Bình Thuận tuần tra, bảo vệ rừng. (Ảnh: NA).
Chỉ tính trong năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra gần 300 vụ vi phạm về khai thác vào bảo vệ rừng, trên 60 vụ lấn chiếm đất rừng. Với địa bàn và diện tích rừng rộng lớn, trong khi đó lực lượng bảo vệ rừng lại mỏng, chính vì vậy, để thực hiện tốt Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, nhất là trong cao điểm hanh khô hiện nay, cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương tiếp tục tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy chữa cháy rừng, duy trì thường xuyên, liên tục chế độ ứng trực 24/24, chế độ thông tin báo cáo về phòng cháy, chữa cháy rừng để đảm bảo liên thông từ cơ sở đến cấp tỉnh.
UBND tỉnh còn yêu cầu các sở, ngành, địa phương, cơ quan chức năng có liên quan, lực lượng kiểm lâm, bao gồm Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, các tổ chức, cá nhân được giao, chủ rừng… tăng cường công tác truyền, phổ biến, tổ chức vận động nhân dân chấp hành những quy định pháp luật, chính sách của Nhà nước về quản lý bảo vệ rừng và quản lý đất rừng. UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước về rừng và đất rừng, chỉ đạo chính quyền cấp xã nâng cao vai trò trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất rừng.
Chỉ đạo các cơ quan kiểm lâm, công an, tài nguyên và môi trường và UBND cấp xã kiên quyết xử lý nghiêm, dứt điểm các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp và đất đai liên quan đến đất rừng. Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Môi trường tham mưu, hướng dẫn các đơn vị chủ rừng trong việc xác lập hồ sơ, xử lý hành vi lấn, chiếm đất rừng trái pháp luật và sử dụng đất rừng sai mục đích.
Chỉ đạo tổ chức rà soát, thống kê toàn bộ diện tích bị lấn, chiếm, sử dụng đất rừng trái mục đích để xử lý theo quy định của pháp luật. Cơ quan chức năng phối hợp với các đơn vị chủ rừng và lực lượng kiểm lâm rà soát các trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có chồng lấn với diện tích đất rừng thuộc lâm phận quản lý của các đơn vị chủ rừng để thu hồi, bàn giao theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Thuận ban hành phương án bảo vệ rừng, phòng chống phá rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2025, trong đó chú trọng phương châm ‘4 tại chỗ’. Để tiếp tục giảm thiểu số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, giảm thiểu số vụ cháy rừng và thiệt hại tài nguyên rừng, Ban Chỉ đạo tỉnh xác định việc tích cực chuyển đổi số, xây dựng, thực hiện phương án phòng, chống phá rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2025 trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết.
Từ đó làm cơ sở pháp lý để phân công nhiệm vụ, phân địa bàn để giúp chính quyền địa phương huyện, xã, chủ rừng triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống phá rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, nhất là kiểm soát chặt chẽ các nguyên nhân gây cháy rừng nhằm chủ động sẵn sàng phương án chữa cháy rừng ở các khu vực trọng điểm từ tỉnh, đến huyện, xã.
Minh Nhật
Bình luận