Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 21/02/2025 23:02
Thứ ba, 11/02/2025 16:02
TMO - Thời tiết nồm ẩm ở miền Bắc không chỉ gây khó chịu trong sinh hoạt mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe. Người dân cần chủ động triển khai các giải pháp để bảo vệ sức khỏe trong điều kiện thời tiết trên.
Nồm ẩm là hiện tượng đọng nước trên bề mặt tường, nền nhà, đồ vật, các bề mặt cứng như gỗ, đá... xảy ra khi độ ẩm không khí lên cao (độ ẩm 90% trở lên sẽ có hiện tượng nồm). Đây là một hiện tượng đặc trưng của phía Đông Bắc Bộ, thường xảy ra vào cuối mùa Xuân (từ tháng 2 đến tháng 4) gây bất tiện cho sinh hoạt và ảnh hưởng khá lớn đến sức khỏe con người.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, tính chất nồm ẩm của thời tiết chính là điều kiện thuận lợi để bùng phát nhiều tác nhân gây bệnh nguy hiểm cho sức khỏe. Độ ẩm không khí tăng cao làm tích tụ hơi nước trên các bề mặt, đồ dùng. Đây chính môi trường để các loại nấm mốc, virus, vi khuẩn phát triển. Bào tử nấm có thể phát triển và gây nên viêm kết mạc mùa xuân. Mặt khác, các loại nấm mốc lơ lửng trong không khí sẽ bám vào đồ dùng hàng ngày từ đó tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, bộc phát hen suyễn.
Theo nhận định từ các chuyên gia khí tượng thủy văn, hiện tượng nồm ẩm năm 2025 sẽ không mạnh như năm 2024, nồm ẩm năm nay dự kiến sẽ diễn ra với các đợt kéo dài từ 3-5 ngày, thậm chí có thể kéo dài cả tuần. Hiện tượng này chỉ chấm dứt hoặc thay đổi khi có gió mùa Đông Bắc tràn về.
Nồm ẩm gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày, như sàn nhà ẩm ướt, tường và trần nhà đọng nước. Quần áo giặt phơi khó khô và dễ bị mốc. Độ ẩm cao cũng tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển, ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp như viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm họng, viêm phế quản và hen suyễn.
Ngoài ra, môi trường ẩm ướt còn khiến các bệnh ngoài da như nấm da, viêm da dị ứng và mụn nhọt dễ phát sinh, đặc biệt ở trẻ nhỏ và người cao tuổi có sức đề kháng yếu. Những người mắc bệnh xương khớp cũng có thể cảm thấy đau nhức hơn do độ ẩm cao ảnh hưởng đến khớp xương.
Người dân cần chủ động triển khai các giải pháp để bảo vệ sức khỏe trong điều kiện thời tiết nồm ẩm.
Trong điều kiện thời tiết nồm ẩm, người dân cần có những biện pháp phòng tránh và thích nghi phù hợp. Theo khuyến cáo của các bác sĩ, việc đầu tiên cần làm là giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ, ngực và tay chân. Khi ra ngoài, người dân nên mặc áo khoác, đeo khẩu trang để tránh hít phải không khí lạnh và bụi mịn.
Trong nhà, việc sử dụng máy hút ẩm hoặc máy lọc không khí là giải pháp hiệu quả để giảm độ ẩm và loại bỏ vi khuẩn, nấm mốc. người dân cần chú ý vệ sinh nhà cửa thường xuyên, lau sàn bằng khăn khô hoặc sử dụng các vật liệu hút ẩm như than hoạt tính, báo cũ để chống ẩm mốc. Đối với quần áo, nên sử dụng tủ sấy hoặc máy sấy để bảo đảm quần áo luôn khô ráo.
Theo các chuyên gia khí tượng, thời tiết nồm ẩm là hiện tượng tự nhiên của miền Bắc, xảy ra do khối không khí lạnh từ phương Bắc di chuyển xuống, gặp không khí nóng ẩm từ Biển Đông. Do đó, để thích nghi với loại hình thời tiết đặc biệt trên, người dân cần theo dõi dự báo thời tiết thường xuyên và chuẩn bị các biện pháp phòng tránh từ sớm.
Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng cũng cần bảo đảm, nên ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C như cam, bưởi để tăng cường sức đề kháng. Đồng thời, người dân nên hạn chế ra ngoài khi trời có sương mù dày đặc hoặc không khí ô nhiễm. Đối với trẻ nhỏ và người cao tuổi, cần chú ý giữ vệ sinh cá nhân, tắm nước ấm và lau khô người ngay sau khi tắm để tránh bị nhiễm lạnh; nếu có dấu hiệu viêm mũi, viêm họng kéo dài, cần đi khám để điều trị kịp thời, tránh để bệnh trở nặng.
Lê Mai
Bình luận