Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Thứ ba, 03/05/2022 22:05
TMO - Hà Tĩnh hiện có gần 360.000ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có khoảng 120.000ha rừng dễ cháy. Để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ diện tích rừng trong mùa nắng nóng được dự báo khắc nghiệt, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, đặc biệt là những cảnh báo liên quan đến mức độ cháy rừng, các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động nắm bắt tình hình, lên kế hoạch sẵn sàng ứng phó, giảm thiểu thiệt hại diện tích do cháy rừng gây ra.
Thời gian qua, Hạt Kiểm lâm huyện Hương Sơn sử dụng hệ thống camera 3600 chuyên dụng để quan sát, giám sát nhiều diện tích rừng. Hệ thống có độ phân giải cao, tính năng xoay 3600, hỗ trợ giám sát rừng cả ngày và đêm trong phạm vi bán kính khoảng 10km. Máy chủ đặt tại văn phòng hạt, dữ liệu được truyền về rõ nét và có khả năng phóng to chi tiết để quan sát, phát hiện các vệt khói hoặc điểm phát lửa.
Hạt Kiểm lâm huyện Hương Sơn sử dụng hệ thống camera nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn
Ngoài ra, địa phương này còn xác định các khu vực trọng điểm để chủ động xây dựng phương án để quản lý, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa nắng nóng 2022. Trong đó, vùng trọng điểm nguy cơ cao chặt phá rừng ở các xã Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Hồng và Sơn Tây. Vùng trọng điểm có nguy cơ cao về cải tạo, phá rừng trái pháp luật là diện tích rừng tự nhiên nghèo đã giao, khoán cho hộ gia đình và hơn 8,4 ha rừng trồng có thảm thực bì dễ cháy như thông, keo…
Vào mùa nắng nóng cao điểm (tháng 4 đến tháng 8), Ban Chỉ đạo huyện bố trí lực lượng trực nghiêm ngặt 24/24 giờ trong ngày, đảm bảo thông tin liên lạc, báo động kịp thời để huy động lực lượng chữa cháy khi cần thiết. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lâm nghiệp; tiếp tục hoàn thiện công tác giao đất giao rừng; kiểm tra, giám sát chặt chẽ khai thác, vận chuyển, chế biến lâm sản..
Những đợt nắng nóng cao điểm, gay gắt, gió Tây Nam thổi mạnh, lực lượng bảo vệ rừng ở Hà Tĩnh luôn phải căng mình phòng chống cháy. Từ thí điểm đến nhân rộng hệ thống camera được coi là giải pháp tích cực, hiệu quả về ứng dụng chuyển đổi số trong lâm nghiệp, góp phần giữ màu xanh cho những cánh rừng.
Với hơn 39.000 ha rừng tự nhiên, huyện Vũ Quang quyết tâm thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng - phòng cháy chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ (lực lượng, phương tiện, hậu cần và chỉ huy tại chỗ). Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm Vũ Quang đã tổ chức ký cam kết thực hiện công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng cho 62 thôn, xóm và 10 trường học, với sự tham gia của trên 5.300 lượt người.
Hạt Kiểm lâm huyện Vũ Quang phối hợp với các đơn vị, người dân dọn thực bì tại VQG Vũ Quang nhằm hạn chế nguy cơ cháy rừng
Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan đã đầu tư hơn 800 triệu đồng để phục vụ công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng , ngoài ra các địa phương cũng đã chủ động mua sắm các phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.
Vườn Quốc gia Vũ Quang được xác định là một trong những khu vực có nguy cơ cháy rừng cao. Vì thế, Hạt Kiểm lâm huyện Vũ Quang đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện phát dọn thực bì ngay tại lòng hồ Ngàn Trươi, đảm bảo không để đám cháy lan rộng đến các diện tích rừng khác nếu xảy ra tình huống cháy rừng.
Lực lượng kiểm lâm Nghi Xuân tiến hành phát cỏ, làm đường băng lửa ngăn cháy rừng lan rộng
Huyện Nghi Xuân vốn là địa bàn thường xuyên xảy ra những đợt cháy rừng khá nghiêm trọng. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, bước vào mùa nắng nóng này, Hạt Kiểm lâm huyện Nghi Xuân đã đẩy mạnh tuyên truyền người dân việc phòng chống cháy rừng, tạo các đường băng cản lửa, thành lập các đội trực gác để phát hiện sớm lửa rừng.
Theo đó, lực lượng kiểm lâm tại đây tăng cường các đợt tuần tra, giám sát chặt chẽ tình trạng xử lý thực bì cũng như đốt bờ ruộng gần rừng và đặc biệt các hộ dân sống ven rừng trước đây có tập quán đốt rác trong vườn gây nguy hiểm tới rừng.
Hồng Anh
Bình luận