Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 08:11
Thứ sáu, 21/01/2022 16:01
TMO - Thời gian qua, Việt Nam đã tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái của các vùng đất ngập nước. Đồng thời, thực hiện các nghĩa vụ là quốc gia thành viên tham gia Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Công ước Ramsar).
Theo Báo cáo của Tổng cục Môi trường, Việt Nam có 12 triệu ha đất ngập nước. Vùng đất này có hệ đa dạng sinh học hết sức phong phú và là khu vực dễ bị tổn thương bởi sự phát triển kinh tế - xã hội quá mức, ô nhiễm môi trường và khai thác tận diệt. Để bảo vệ vùng đất ngập nước, Việt Nam đã và đang nỗ lực trong xây dựng hệ thống thể chế, chính sách cũng như triển khai bảo vệ bằng những hành động thực tiễn.
Phân loại của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, Việt Nam có 26 kiểu loại đất ngập nước khác nhau với đa dạng sinh học hết sức phong phú gồm khoảng 1.028 loài cá, 848 loài chim, 800 loài động vật không xương sống ở hệ sinh thái nước ngọt và trên 11.000 loài sống ở hệ sinh thái đất ngập nước biển, ven biển.
Khu bảo tồn thiên nhiên vùng đất ngập nước Vân Long (Ninh Bình)
Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực ASEAN và thứ 50 trên thế giới chính thức tham gia Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt là nơi cư trú của các loài chim nước (Công ước Ramsar). Sau khi trở thành thành viên của Công ước Ramsar, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm thực hiện các nghĩa vụ mà Công ước quy định. Cho đến nay, Việt Nam đã ban hành hơn 10 văn bản có những quy định trực tiếp về đất ngập nước.
Mới đây, ngày 24/11/2021, Chính Phủ đã ban hành Quyết định số 1975/QĐ-TTg về việc Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ngập nước giai đoạn 2021-2030.
Theo đó, Kế hoạch đề ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 hoàn thành việc điều tra, thống kê, kiểm kê diện tích các vùng đất ngập nước trên phạm vi toàn quốc. Xác lập được các vùng đất ngập nước quan trọng, các vùng đất ngập nước quan trọng có dấu hiệu bị suy thoái và xây dựng được cơ sở dữ liệu về các vùng đất ngập nước quan trọng. Cả nước có 13 khu đất ngập nước được công nhận là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar); tăng diện tích các vùng đất ngập nước quan trọng được bảo vệ trên toàn quốc.
Bảo tồn các vùng đất ngập nước quan trọng góp phần bảo vệ môi trường cùng hệ sinh thái đa dạng
Đến năm 2030, tất cả các vùng đất ngập nước quan trọng trên toàn quốc được tổ chức điều tra, đánh giá, quản lý, quan trắc, giám sát theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước và hướng dẫn của Công ước Ramsar. Cả nước có 15 khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar. Tăng số lượng các khu bảo tồn đất ngập nước Phục hồi được ít nhất 25% vùng đất ngập nước quan trọng bị suy thoái.
Cùng với việc xây dựng, hoàn thiện bộ khung pháp lý, Chính phủ Việt Nam đã lồng ghép các hoạt động bảo tồn vào quá trình quy hoạch sử dụng đất quốc gia; quản lý và kiểm soát việc sử dụng đất, khai thác tài nguyên thiên nhiên trong vùng đệm của các khu bảo tồn thiên nhiên nói chung, trong đó có các khu Ramsar.
Đến nay, Việt Nam đã quy hoạch và khoanh vi để thành lập 47 khu bảo tồn đất ngập nước; đề cử thành công 9 khu Ramsar với tổng diện tích 120.549 ha bao gồm: Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định); Vùng đất ngập nước Bàu Sấu (Đồng Nai); Vườn Quốc gia Hồ Ba Bể (Bắc Kanj); Vườn Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp); Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau (Cà Mau); Vườn Quốc gia Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu); Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Long An); Vườn Quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang) và Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (Ninh Bình).
Một trong những nhiệm vụ quan trọng là ưu tiên phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái tại các khu bảo tồn đất ngập nước, khu Ramsar và một số hệ sinh thái rừng tràm, rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển. Xây dựng và thực hiện chương trình giám sát các mối đe dọa, đánh giá mức độ tác động đến các vùng đất ngập nước quan trọng, đặc biệt là các vùng đất ngập nước quan trọng dễ bị tổn thương.
Đồng thời, triển khai các mô hình sinh kế bền vững về môi trường, mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước quan trọng.
Nguyễn Ngọc
Bình luận