Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 02:01
Thứ hai, 28/02/2022 16:02
TMO - Hiện nay, việc khai thác các nguồn tài nguyên từ biển đang gia tăng. Điều này, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường biển, phá hủy đa dạng sinh học, cạn kiện tài nguyên biển cũng dần trở nên đáng báo động. Vì vậy, công tác công tác bảo tồn biển, gìn giữ đa dạng sinh học biển ngày càng trở nên cấp bách.
Kinh tế biển xanh được xác định là nền tảng cho sự phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, trong đó mở rộng diện tích các khu bảo tồn biển trở thành nội dung quan trọng của kinh tế biển xanh. Vấn đề bảo tồn biển trong phát triển kinh tế phải đặc biệt được chú trọng để để thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển bền vững.
Khu vực nuôi ngọc trai tại vùng biển An Thới tại Khu bảo tồn Phú
Đến nay, nước ta đã thành lập và đưa vào hoạt động được mạng lưới 10 trong tổng số 16 Khu bảo tồn biển tại Việt Nam gồm Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Vịnh Nha Trang, Núi Chúa, Hòn Cau, Côn Đảo, Phú Quốc. Ngoài ra, 6 Khu bảo tồn biển đã hoàn thành quy hoạch chi tiết và đang hoàn thiện hồ sơ để phê duyệt quy hoạch, đó là Hòn Mê, Hải Vân-Sơn Chà, Phú Quý, Nam Yết, Cô Tô, Đảo Trần.
Các khu bảo tồn biển sở hữu gần 70.000ha rạn san hô, 20.000ha thảm cỏ biển và một phần rừng ngập mặn; phần lớn các bãi giống, bãi đẻ và nơi cư trú của các loài thủy sản kinh tế; gần 100 loài đặc hữu và nguy cấp.
San hô ở vùng biển Vườn quốc gia Núi Chúa
Bên cạnh những lợi ích, các hoạt động khai thái phát triển kinh tế biển gần đây đã ảnh hưởng trực tiếp đến các khu bảo tồn biển. Tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường biển đã ảnh hưởng trực tiếp đến cơ sở nguồn lợi của các khu bảo tồn biển ở Việt Nam. Đặc biệt, ô nhiễm rác thải nhựa, túi nylon hiện nay rất nghiêm trọng, lượng chất thải nhựa và túi nylon vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt, lắng đọng và quấn bám vào các rạn san hô ở các khu bảo tồn biển.
Rác thải tràn lan dọc bờ kè thị trấn Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận
Nghiên cứu của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường cho thấy, trong vòng hơn 20 năm qua, Việt Nam đã mất 12% rạn san hô; 48% rạn san hô khác đang trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Diện tích các rạn san hô bị mất tập trung chủ yếu ở các vùng có dân cư sinh sống như vịnh Hạ Long, các tỉnh ven biển miền Trung và một số đảo có người sinh sống thuộc quần đảo Trường Sa.
Để thực sự đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định, công tác bảo tồn biển, bảo tồn đa dạng sinh học biển, ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển là một trong những nhiệm vụ cấp bách trong thời gian tới.
Liên quan đến vấn đề bảo tồn biển, các chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần nâng cao hiệu quả đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường, đặc biệt đối với các dự án phát triển kinh tế-xã hội vùng ven biển, trên biển, trên các đảo, cụm đảo; cần kiểm soát chặt chẽ các hoạt động lấn biển, nhận chìm chất thải; kiểm soát, ngăn chặn hoàn toàn việc đổ chất thải nguy hại xuống biển dưới mọi hình thức.
Khu vực Công viên san hô với dịch vụ đi bộ dưới đáy biển tại vùng biển An Thới, Khu bảo tồn biển Phú Quốc
Trong giai đoạn tới, Việt Nam cần tập trung tăng cường năng lực ứng phó nhanh, hiệu quả với các sự cố môi trường ở các vùng cửa sông ven biển và trên biển; xã hội hóa, kêu gọi đầu tư từ khối doanh nghiệp trong hoạt động giám sát và ứng phó sự cố môi trường biển; thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ các yêu cầu về điều kiện, năng lực ứng phó sự cố của tàu, thuyền hoạt động trên biển hoặc đi qua các vùng biển Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam cần tiếp tục mở rộng diện tích, thành lập mới các khu vực bảo tồn biển trên cơ sở quy hoạch không gian biển quốc gia, trong đó chú trọng việc bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái, nhất là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, bảo đảm tính toàn vẹn và mối quan hệ tự nhiên giữa các hệ sinh thái đất liền và biển.
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển, việc đánh giá tác động môi trường trong các vùng, đặc biệt là các dự án phát triển nuôi trồng, chế biến thủy hải sản cần được kiểm soát chặt chẽ; cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các quy định pháp luật về lĩnh vực bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy hải sản.
Hoài Phan
Bình luận