Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 05/04/2025 16:04
Thứ bảy, 05/04/2025 06:04
TMO - Lào Cai là địa phương có số lượng di tích, lịch sử văn hoá lớn, góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn và giữ gìn bản sắc dân tộc. Đây là động lực quan trọng để ngành du lịch Lào Cai tiếp tục có nhiều đột phá.
Thời gian qua, các di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn tỉnh Lào Cai được địa phương tập trung trùng tu, tôn tạo theo quy định. Công tác bảo tồn, bảo vệ tại các di tích lịch sử văn hoá, danh thắng trọng điểm có giá trị cao được Lào Cai đặc biệt quan tâm. Bên cạnh đó, tỉnh đã gắn việc bảo vệ các di tích trong hoạt động tham quan du lịch, từ đó chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nguồn thu ổn định cho địa phương.
Lào Cai còn là tỉnh trong diện được đầu tư thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021 – 2025.
Tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có khoảng 40 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Lễ hội đền Bảo Hà, Lễ hội Lồng Tồng, Lễ Cầu Làng…), 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 56 di tích danh thắng cấp quốc gia và cấp tỉnh, 02 bảo vật quốc gia (mặt trống đồng Pha Long và trống đồng Gia Phú)… Lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, phong tục tập quán văn hóa, trang phục, lễ hội, văn hóa văn nghệ dân gian là nguồn tài nguyên để khai thác, phát triển du lịch, nâng cao đời sống.
Nhằm bảo tồn, phát triển du lịch tại các điểm di tích, quảng bá di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, Lào Cai đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, đơn cử, Sở Văn hoá, Thể Thao và Du lịch Lào Cai đã tổ chức khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; lên kế hoạch hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số trong việc lưu giữ, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận.
Đồng thời, Tổ chức bảo tồn lễ hội truyền thống của các địa phương. Khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và truyền dạy văn hóa phi vật thể….Nhờ đó hoạt động du lịch của Lào Cai đã có nhiều khởi sắc; Nhiều lễ hội tiêu biểu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…
Lào Cai chú trọng công tác bảo tồn các di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Trong giai đoạn tiếp theo, nhằm bảo tồn di tích lịch sử cũng như các di sản văn hoá phi vật thể, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ban hành văn bản số 1682/UBND-VX chỉ đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh triển khai Luật Di sản văn hoá số 45/2025/QH15 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025) bảo đảm kịp thời, thống nhất, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, đúng quy định. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan báo chí tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về di sản văn hóa.
Tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân để nâng cao nhận thức xã hội, các cấp chính quyền. Tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác quản lý các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Di sản văn hóa và các quy định mới của Luật, các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Tăng cường quản lý nhà nước trong công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích;
Kiểm soát chặt chẽ quy trình kiểm kê, xếp hạng mới di tích, gắn kết chặt chẽ với chương trình, kế hoạch tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích. Tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành trong việc tham mưu, quản lý nhà nước về di sản văn hóa. Đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh.
Đối với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cơ quan, địa phương, cộng đồng trong công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích;
Đền Bảo Hà- 1 trong những điểm đến được du khách trong và ngoài nước quan tâm.
Kiểm soát chặt chẽ quy trình kiểm kê, xếp hạng mới di tích, gắn kết chặt chẽ với chương trình, kế hoạch tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích. Tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành trong việc tham mưu, quản lý nhà nước về di sản văn hóa. Thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hoá, các văn bản hướng dẫn thi hành luật của trung ương, của tỉnh và các quy định về đầu tư, xây dựng khi triển khai các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (bất kể dự án được triển khai từ nguồn ngân sách nào).
Hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện đúng quy trình, quy định, thủ tục triển khai dự án tu bổ di tích, trong đó lưu ý các dự án tu bổ thuộc diện phải lấy ý kiến của các cơ quan, bộ, ngành, các nhà khoa học có liên quan và chỉ thực hiện khi có văn bản thẩm định, phê duyệt của cấp có thẩm quyền đối với các dự án;
Triển khai thực hiện đúng các nội dung thẩm định dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, cơ quan chức năng của Bộ thảo thuận, góp ý, để đảm bảo bảo vệ, giữ gìn được yếu tố gốc tạo nên giá trị di tích. Tổ chức tuyên truyền rộng rãi về ý nghĩa, giá trị của di tích, lý do bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và công khai nội dung dự án tu bổ di tích trước khi triển khai để Nhân dân được biết, tham gia, đóng góp ý kiến nhằm thống nhất, nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận của xã hội về việc thực hiện các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, nhất là các di tích có tính chất tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng….
Khi hoàn thành dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, tổ chức giới thiệu giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật của di tích; ngày khởi công, ngày hoàn thành; những tổ chức, cá nhân đóng góp tài chính; đơn vị thi công… Đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở địa phương; phát huy vai trò giám sát của cộng đồng trong việc triển khai các dự án tu bổ, tôn tạo di tích đúng quy định pháp luật…
Trong giai đoạn tiếp theo, để quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, hướng tới phát triển du lịch bền vững, tỉnh Lào Cai tiếp tục bám sát các Chương trình, Đề án, Kế hoạch do nhà nước đề ra, đồng thời nghiêm túc triển khai thực hiện, bố trí, huy động nguồn kinh phí để bảo tồn, duy tu các di tích lịch sử trọng điểm.
Thanh Uyên
Bình luận