Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 16:11
Thứ bảy, 07/05/2022 14:05
TMO - Tỉnh Quảng Nam hiện có 2 khu bảo loài quý hiếm là sao la và voi. Thời gia qua, địa phương này xác định phát triển các khu bảo tồn là một trong những giải pháp góp phần giữ gìn sự đa dạng sinh học, gắn với phát triển rừng một cách bền vững.
Trong đó, Khu bảo tồn (KBT) loài và và sinh cảnh voi Quảng Nam thành lập năm 2017, có diện tích gần 19.000 ha, nằm trên địa bàn 2 xã Quế Lâm và Phước Ninh thuộc huyện Nông Sơn. Khu bảo tồn nằm trong khu vực triển khai dự án Trường Sơn xanh tỉnh Quảng Nam do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ. Đây là ngôi nhà của 8 cá thể voi Châu Á hoang dã hiếm hoi còn sót lại.
Hàng rào xanh được KBT loài và sinh cảnh voi Quảng Nam thiết lập nhằm ngăn sự xuất hiện của voi tại khu vực dân cư
Khu bảo tồn loài Sao la Quảng Nam với diện tích vùng lõi là 15.486,46 ha trãi dài trên 2 huyện Đông Giang và Tây Giang được thành lập năm 2011 với mục tiêu và nhiệm vụ chính là quản lý, bảo vệ, đấu tranh ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm vào Khu bảo tồn loài Sao la và sinh cảnh của chúng cũng như những giá trị đa dạng sinh học tại một trong những khu vực ưu tiên hàng đầu bảo tồn loài Sao la ở Việt Nam.
Thời gian trước đó, do môi trường sống bị thu hẹp và nguồn thức ăn khan hiếm, đàn voi tại KBT loài và sinh cảnh voi Quảng Nam từng xuất hiện ở khu vực dân cư. Do vậy, khu bảo tồn đã tranh thủ các nguồn hỗ trợ để trồng 5km hàng rào xanh bằng cây bồ kết để ngăn cản sự di chuyển của đàn voi vào rừng sản xuất của người dân. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ rừng càng được siết chặt hơn nhằm giữ gìn môi trường sống tự nhiên cho đàn voi.
Lực lượng kiểm lâm huyện Nông Sơn tăng cường công tác tuần tra, giám sát bảo vệ loài và sinh cảnh, diện tích rừng
Nhằm bảo tồn các loài sinh cảnh quý hiếm, Hạt kiểm lâm huyện Nông Sơn đã tăng cường công tác kiểm tra các quán ăn, nhà hàng được duy trì thường xuyên. Đặc biệt là trước trong và sau tết, ban hành các kế hoạch kiểm tra đồng thời thực hiện ký cam kết đối với các nhà hàng kinh doanh, buôn bán các động vật và sản phẩm từ động vật hoang dã; phối hợp với đơn vị chủ rừng, Ban Quản lý khu bảo tồn và sinh cảnh voi thực hiện tháo dỡ các bẫy tại rừng. Đến nay, công tác tháo dỡ bẫy vẫn được thực hiện thường xuyên.
Hiện cả nước chỉ còn khoảng hơn 100 cá thể voi hoang dã, phân bố trên 8 tỉnh. Các cánh rừng già nguyên sinh không chỉ là sinh cảnh đặc hữu của đàn voi Châu Á mà còn của các loài khác. Do đó, bảo tồn rừng cũng có nghĩa là đang bảo tồn đa dạng sinh học.
Tại Khu bảo tồn loài sao la, nhằm tăng cường kiểm soát lâm sản và quản lý tài nguyên rừng, Ban quản lý đã triển khai tuần tra bảo vệ rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng trong lâm phận Khu bảo tồn Sao la.
KBT loài sao la Quảng Nam thực hiện lắp đặt bẫy ảnh để bảo vệ đa dạng sinh học
Chỉ đạo hai Trạm Quản lý bảo vệ rừng Atép và Sông Kôn, các tổ bảo vệ rừng tổ chức tuần tra truy quét định kỳ tại hầu hết các tiểu khu trong vùng lõi để tháo dỡ, tịch thu và hủy tất cả các tang vật vi phạm như: Bẫy động vật hoang dã, cưa, rựa, máy móc, dây kéo gỗ, các lán trại cư trú của các đối tượng săn bắt, khai thác trái phép động vật và gỗ, đẩy đuổi các đối tượng cư trú bất hợp pháp trong rừng.
Bên cạnh đó, Ban quản lý đã phối hợp với WWF Việt Nam thực hiện việc thiết lập, thay pin và tháo gỡ các bẫy ảnh tự động; số pin này được thu gom và đưa về Văn phòng Ban quản lý Khu bảo tồn loài Sao la xử lý để tránh ô nhiễm môi trường.
Lực lượng kiểm lâm tăng cường tuần tra, gỡ bẫy động vật hoang dã
Quảng Nam có diện tích rừng tự nhiên khá lớn, gần 470.000 ha, tập trung chủ yếu tại vùng Tây của tỉnh, đặc biệt trong các vườn quốc gia và khu bảo tồn. Hiện nay tỉnh cũng rất quan tâm đầu tư để bảo vệ nguyên vẹn diện tích rừng tự nhiên ở phía Tây như vườn quốc gia Sông Thanh và các khu bảo tồn.
Hiện tại, những đồng bào dân tộc sống giữa rừng đã được vận động ra khỏi rừng để nhường lại môi trường sống tự nhiên cho các loài vật. Đây cũng là những nỗ lực của Quảng Nam cùng với quốc tế nhằm bảo tồn các loài đang bị suy thoái bởi tác động của con người.
Lê Quang
Bình luận