Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 19:01
Thứ sáu, 08/03/2024 14:03
TMO - Tại tỉnh Bến Tre, nhiều sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương được cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, qua đó góp phần nâng cao giá trị sản xuất.
Tính đến năm 2023 tỉnh Bến Tre là địa phương đứng thứ ba ở vùng đồng bằng sông Cửu Long về cây ăn trái, với diện tích gần 28 nghìn ha, sản lượng đạt trên 335 nghìn tấn/năm. Bến Tre có nhiều điều kiện thuận lợi và thế mạnh để phát triển nhiều loại trái cây đặc sản. Trong đó, cchôm chôm là một trong số trái cây đặc sản chủ lực của tỉnh Bến Tre với diện tích hơn 3.690ha, cho sản lượng trên 73.600 tấn; trong đó giống chôm chôm Java chiếm 45% diện tích trồng, tương đương 1.660ha; chôm chôm Rongrieng chiếm 40% diện tích, tương đương 1.477ha; chôm chôm đường chiếm 15% diện tích tương đương 554ha.
Do đặc thù về điều kiện thổ nhưỡng và địa lý nên quả chôm chôm được trồng ở Bến Tre có vị khác biệt so với các nơi khác. Khác với Đông Nam Bộ trồng chôm chôm trên đất đỏ bazan thì cây chôm chôm của tỉnh Bến Tre được trồng trên đất phù sa bồi đắp bị nhiễm mặn nhẹ do ảnh hưởng của hệ thống sông Mekong, đồng thời chịu ảnh hưởng của hiện tượng nước mặn xâm nhập. Chính đặc điểm địa lý, thổ nhưỡng, nguồn nước này đã đem lại đặc thù cùi quả chôm chôm Bến Tre mỏng hơn, vị quả ngọt đậm và mặn nhẹ. Thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã xây dựng 3 vùng trồng gắn 6 mã số có diện tích 33,75ha phân bố trên địa bàn của 2 huyện Chợ Lách và Châu Thành.
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chôm chôm Bến Tre góp phần nâng cao giá trị nông sản này.
UBND tỉnh Bến Tre cho biết, việc cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm “Chôm chôm Bến Tre” mở ra nhiều cơ hội cho các hộ sản xuất, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương xây dựng thương hiệu sản phẩm, tạo vị thế chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước. Khu vực địa lý được chỉ dẫn cho trái chôm chôm Bến Tre bao gồm các xã Phú Phụng, Vĩnh Bình, Sơn Định, Hòa Nghĩa, Long Thới, Vĩnh Thành thuộc huyện Chợ Lách và các xã Tân Phú, Tiên Long, Tiên Thủy, Phú Đức, Phú Túc, Thành Triệu thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.
Đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm chôm chôm và dịch vụ từ chôm chôm nếu đáp ứng đủ các tiêu chí về hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm chôm chôm và dịch vụ mua bán chôm chôm quả tươi, dịch vụ quảng cáo, quảng bá chôm chôm quả tươi có nguồn gốc từ huyện Chợ Lách và huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre và nằm trong phạm vi vùng chứng nhận theo Bản đồ khu vực địa lý đã được công bố thì sẽ được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre, đến thời điểm hiện tại, Bến Tre đã có 4 sản phẩm trái cây được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý là: Chôm chôm, bưởi da xanh, sầu riêng và dừa xiêm xanh. Ngoài trái cây, Bến Tre còn được cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý với sản phẩm là tôm càng xanh và cua biển Bến Tre, gạo Thạnh Phú. Việc sử dụng và khai thác chỉ dẫn địa lý đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của các sản phẩm nông sản trên thị trường, quy hoạch vùng sản xuất, hướng tới phát triển bền vững trong kinh tế cho người dân và xã hội không chỉ ở Bến Tre mà còn có vai trò quan trọng trên cả nước.
Với sự đa dạng về điều kiện sinh thái, truyền thống và kinh nghiệm sản xuất của các dân tộc khác nhau, khu vực nông thôn Việt Nam có lợi thế trong sản xuất và cung cấp nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương. Việc sử dụng địa danh/dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý để đăng ký cho sản phẩm đặc sản của địa phương đồng nghĩa với việc các sản phẩm này gắn với danh tiếng, chất lượng của một vùng, miền đó. Đây là hướng đi mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng nhằm hạn chế tình trạng bị lạm dụng danh tiếng, chống lại các hành vi xâm phạm và cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các vùng, miền phát triển các đặc sản của địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 về Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030; Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 về Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030; Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 về Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ Khoa học và Công nghệ, các Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh đã phối hợp triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển tài sản trí tuệ. Nhờ đó, số lượng sản phẩm được bảo hộ thương hiệu cộng đồng ngày càng tăng nhanh. Sau bảo hộ nhiều sản phẩm đã được khai thác và phát triển thương mại để mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị.
Hiện tại, tỉnh Yên Bái, Hà Giang, Thanh Hóa, Bến Tre là các tỉnh có nhiều chỉ dẫn địa lý được bảo hộ. Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam gắn với đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã và đang trở thành một định hướng quan trọng nhằm gia tăng giá trị, khẳng định thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản của Việt Nam.
Thu Thảo
Bình luận