Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 12:11
Thứ ba, 13/12/2022 12:12
TMO - Bộ Công Thương cho biết, thị trường hàng hoá giai đoạn cuối năm và Tết Nguyên đán được dự đoán sôi động hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu hàng hóa tăng cộng với việc Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán gần nhau, đòi hỏi các địa phương cần chủ động phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người dân.
Tại Hội nghị về công tác chuẩn bị Tết, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Quý Mão 2023, Tổ điều hành thị trường (Bộ Công Thương) dự báo nhu cầu mua sắm Tết ước tăng 4-7% so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, dự trữ hàng hoá tăng khoảng 7-10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tập trung chủ yếu đối với một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống/thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường...
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong năm 2022 thời tiết khí hậu cơ bản thuận lợi cho ngành nông nghiệp nên hoạt động sản xuất từ diện tích, năng suất sản lượng cơ bản vượt kế hoạch đề ra. Nhìn chung, kế hoạch đáp ứng lương thực thực phẩm cho người tiêu dùng trong dịp Tết cơ bản là đảm bảo. Cụ thể, về lúa gạo, ước tính năm 2022, tổng sản lượng cả nước đạt 43,1 triệu tấn thóc, giảm 0,8% so với năm 2021, tương đương 382 ngàn tấn. Lượng thóc này nếu tính về cung cầu thì cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước gồm 9,3 triệu tấn gạo; xuất khẩu 6,3-6,5 tấn gạo; sản lượng dành cho chế biến, chăn nuôi, dự phòng giống…
Theo dự báo, nhu cầu mua sắm Tết ước tăng 4-7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo các địa phương, lượng rau củ quả đạt 19 triệu tấn, tăng 670.000 tấn so với cùng kỳ năm 2021. Diện tích cây ăn quả tăng lên: kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đạt 3 tỷ USD, nhập khẩu 1,8 tỷ USD, ngoài đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng đảm bảo cho nhu cầu xuất khẩu. Lượng thịt đạt 6,98 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2021; Sữa tươi 1,16 triệu tấn; Trứng 18,4 tỷ quả…
Công tác dự trữ chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán đã và đang được các địa phương gấp rút triển khai. Tại một số địa phương như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng..., ngay từ đầu tháng 11, Sở Công Thương đã có các văn bản chỉ đạo và đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị Tết, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố phương án chuẩn bị nguồn hàng. Đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp và phối hợp chặt chẽ với các sở ngành liên quan trong công tác triển khai thực hiện kế hoạch Tết của địa phương.
Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội đã ban hành 10 Kế hoạch, văn bản chỉ đạo về công tác bình ổn thị trường, công tác đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa. Riêng với công tác chuẩn bị hàng hóa, các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Thành phố đạt khoảng 39.500 tỷ đồng. Các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã xây dựng kế hoạch khai thác tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình từ 15%- 30% so với Kế hoạch Tết 2022. Hà Nội đưa vào vận hành thêm 05 điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP, nâng tổng số điểm bán sản phẩm OCOP lên 85 điểm bán sản phẩm OCOP trên toàn Thành phố…
Tại TP.HCM, UBND thành phố đã ban hành quyết định về kế hoạch bình ổn thị trường cuối năm và Tết Quý Mão 2023. Theo đó, các doanh nghiệp đã dành nguồn vốn 22 nghìn tỷ đồng để chuẩn bị hàng hóa trong 2 tháng Tết. Trong đó, tập trung vào các loại hàng hóa như trứng, lương thực thực phẩm, thực phẩm chế biến… Thành phố hiện có 46 trung tâm thương mại, 227 siêu thị và 3000 cửa hàng tiện ích. Dự báo nguồn hàng tăng khoảng 2-3 lần so với các tháng bình thường. TP.HCM cũng đã ký kết 600 biên bản ghi nhớ với doanh nghiệp. Riêng doanh nghiệp bình ổn thị trường cam kết trước và sau tết không điều chỉnh tăng giá bán với hàng hóa thiết yếu.
Tại thị trường Đà Nẵng, Sở Công Thương Đà Nẵng, cho biết dự báo nhu cầu tiêu thụ thời gian tới sẽ tăng. Cụ thể, tổng giá trị dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ Tết dự kiến tăng lên khoảng 1.850 tỷ đồng. Trong đó: 351,9 tấn gạo, nếp các loại; hơn 4.000 tấn thịt các loại (trong đó thịt heo khoảng 2.000 tấn), 645,7 tấn thực phẩm chế biến, đóng hộp, 287,6 tấn thực phẩm khô, 798,3 tấn bánh kẹo mứt hạt dưa các loại, 900 tấn rau củ quả các loại…
Tỉnh Kon Tum dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 trị giá hơn 53,73 tỷ đồng, tổ chức bán hàng lưu động để phục vụ người dân. Để đảm bảo cung ứng hàng hóa liên tục, đảm bảo chất lượng, Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum đã triển khai ký cam kết về thực hiện Chương trình bình ổn thị trường hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành địa phương triển khai các giải pháp Bảo đảm nguồn cung hàng hóa dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán 2023
Nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán 2023, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả, chủ động triển khai chương trình bình ổn thị trường, giá cả, nhất là trong những tháng cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 để giữ ổn định thị trường, giá cả.
Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tăng cường kiểm tra, đôn đốc Ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng trong việc thực hiện Kế hoạch về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, trong đó, tập trung các mặt hàng thiết yếu như: xăng dầu, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hàng hóa giả nhãn hiệu, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm...; các loại hàng cấm như: ma túy, pháo nổ, động vật hoang dã; xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi buôn lậu, hàng giả, đầu cơ, tích trữ, găm hàng.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống theo quy định; tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại; bảo đảm đầy đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Minh Hoàng
Bình luận