Hotline: 0941068156
Thứ ba, 07/01/2025 19:01
Thứ sáu, 03/03/2023 13:03
TMO - Tỉnh Bắc Giang hướng tới mục tiêu bảo đảm số lượng, chất lượng phục vụ dân sinh trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực. Đồng thời, chủ động tích trữ, điều hòa nguồn nước, khai thác, sử dụng hiệu quả đi đôi với bảo đảm an toàn, đập, hồ chứa nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, khắc phục tình trạng suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.
Hiện nay, tổng lượng nước mặt trên toàn tỉnh khoảng 6.241 triệu m3/năm (kể cả lượng nước đã chuyển từ đập thủy lợi và lượng nước trên dòng chính sông Cầu, sông Thương qua tỉnh Bắc Giang). Trong đó lượng nước phân bố không đều theo các tiểu vùng, Tiểu vùng có lượng nước lớn nhất trong toàn tỉnh là sông Cầu với tổng lượng nước khoảng 2,35 tỷ m3/năm, Tiểu vùng có lượng nước nhỏ nhất trong toàn tỉnh là Sông Sỏi với tổng lượng nước khoảng 241,3 triệu m3/năm.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có khoảng 273 đập, hồ chứa nước, với tổng lưu lượng nước khoảng 500 triệu m3; một số hồ có diện tích và trữ lượng nước khá lớn như: Hồ Cấm Sơn, trữ lượng nước khoảng 307 triệu m3; hồ Khuân Thần, trữ lượng khoảng 16,10 triệu m3; hồ Làng Thum, trữ lượng khoảng 8,14 triệu m3; hồ Suối Nứa, trữ lượng khoảng 6,27 triệu m3; hồ Đá Ong, trữ lượng khoảng 6,7 triệu m3.
Với nhiệm vụ bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn các đập, hồ chứa nước, tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu đến năm 2025, bảo đảm 87% dân số ở thành thị và trên 58% dân số ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước cho sản xuất, đặc biệt là các huyện miền núi; cơ bản sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn các đập, hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp, chưa đủ khả năng chống lũ theo thiết kế.
Tỉnh Bắc Giang hướng tới mục tiêu đảm bảo nguồn nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Đến năm 2030, cân đối đủ nguồn nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế-xã hội; nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn định mức nguồn nước sinh hoạt; tỷ lệ dân số được cấp nước sạch theo quy chuẩn đạt 92% (trong đó thành thị đạt 100%; nông thôn đạt 90%); hoàn thành sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp, thiếu năng lực phòng, chống lũ; khắc phục tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước, trong các lưu vực sông; hệ thống công trình thủy; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đến năm 2045, chủ động được nguồn nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế-xã hội. Bảo đảm hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; dự báo, cảnh báo dài hạn để xử lý ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu; kiểm soát và khắc phục tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước tại các lưu vực sông, công trình thủy lợi.
Thời gian tới, tỉnh Bắc Giang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả các mục tiêu đề ra. Cụ thể, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới. Hoàn thiện thể chế, chính sách về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước.
Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng nguồn nước thông qua chủ động tăng cường nghiên cứu, đánh giá tác động của việc xây dựng các công trình, dự án thủy lợi và các hoạt động phát triển, đặc biệt là công trình thủy lợi ở các lưu vực sông, suối, tiếp tục triển khai nghiên cứu, xây dựng kịch bản phát triển, giải quyết các tác động cực đoan về hạn hán, thiếu nước, lũ, ngập úng, ô nhiễm, suy thoái nguồn nước. Tăng cường công tác quy hoạch, điều tra cơ bản, giám sát, kiểm kê, đánh giá, dự báo trữ lượng nguồn nước và xây dựng kế hoạch sử dụng nước. Đồng thời, xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu địa phương về nguồn nước trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, bảo đảm sự kết nối, chia sẻ hiệu quả Trung ương và các sở, ngành, địa phương.
Địa phương này tiến hành rà soát, nâng cấp đảm bảo an toàn cho các công trình phụ trợ tại các đập, hồ chứa nước.
Chủ động tích trữ, điều hòa, phân phối nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế- xã hội. Phân bổ nguồn nước phải đảm bảo tính bền vững, dựa cơ sở đánh giá tương quan giữa nhu cầu khai thác sử dụng nước và khả năng đáp ứng nguồn nước. Trong đó, ưu tiên phân bổ nguồn nước cho các đối tượng khai thác, sử dụng theo thứ tự: sinh hoạt, công nghệ, nông nghiệp, và các lĩnh vực khác.
Đầu tư xây dựng công trình bảo vệ, kiểm soát nguồn nước, cấp, trữ nước, chuyển nước đặc biệt là tại các huyện miền núi, khan hiếm nước, vùng chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu. Đầu tư đồng bộ, khép kín, hoàn chỉnh hệ thống công trình thủy lợi, bảo đảm trữ nước, điều hòa, phân phối nguồn nước trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục đầu tư, hoàn thiện công trình cấp, thoát nước sinh hoạt nông thôn, đô thị...
Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn đạp, hồ chứa nước. Phòng, chống, giảm thiểu tác động bất lợi do thiên tai liên quan đến nước và biến đổi khí hậu. Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước. Tăng cường bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sinh thủy, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.
Thanh Tùng
Bình luận