Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 18:11
Chủ nhật, 22/01/2023 06:01
TMO - Giống như các dân tộc khác trên mọi miền Tổ quốc, Tết Nguyên đán là một cái tết lớn và có ý nghĩa quan trọng đối với người Pà Thẻn (Tuyên Quang). Đây là dịp để bà con nghỉ ngơi sau một năm dài lao động miệt mài, để những người con xa quê tìm về với mái ấm gia đình...
Tại tỉnh Tuyên Quang hiện nay, dân tộc Pà Thẻn sinh sống chủ yếu ở thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình. Cứ vào cuối tháng Chạp âm lịch hằng năm, cộng đồng người Pà Thẻn bắt đầu ăn Tết với những nghi lễ truyền thống độc đáo. Trong mâm lễ cúng ngày Tết của người Pà Thẻn không thể thiếu được món bánh dày.
Thanh niên nam nữ trong gia đình người Pà Thẻn cùng nhau giã bánh dày làm lễ vật cúng Tết.
Theo các già làng người Pà Thẻn ở huyện Lâm Bình cho biết, người Pà Thẻn thường tổ chức cúng Tết từ sáng sớm ngày 30 Tết, đây là lễ cúng quan trọng với ý nghĩa mời gọi tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Từ sáng sớm tinh mơ, tất cả các hộ gia đình đều mổ lợn, mổ gà làm mâm cơm cúng để mời tổ tiên, thân bếp, thần lửa và thần thổ công về ăn Tết cùng gia đình.
Sau khi giã xong, mọi người cùng nhau nặn thành những chiếc bánh dày hình tròn.
Và cúng để tạ ơn trời đất, thần linh đã cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà ấm no, cầu cho một năm mới mọi sự an lành, con cháu học hành chăm ngoan, làng bản yên vui. Lễ cúng của người Pà Thẻn không quá cầu kỳ như các dân tộc khác, mà chỉ có một con gà, một bát cơm hoặc một bát cháo tùy theo từng họ. Nhưng một món không thể thiếu trong mâm cúng ngày Tết của người Pà Thẻn là bánh dày. Bánh dày được các hộ gia đình lựa chọn từ những loại gạo nếp ngon nhất để làm bánh.
Người Pà Thẻn chỉ dùng 5 chiếc bánh dày để vào mâm cúng tổ tiên nhưng được xếp chồng lên nhau.
Bánh dày được làm khá đơn giản, sau khi đồ sôi cho gạo chín thì đem ra cuối giã thật nhiễu sau đó mọi người cúng nhau nặn thành những chiếc bánh hình tròn, có màu trắng trong. Khi làm bánh dày để cúng Tết người Pà Thẻn thường làm một chiếc to và 4 chiếc nhỏ, bánh to có ý nghĩa tượng trưng cho mặt trời còn những chiếc bánh nhỏ tượng trưng cho mặt trăng. Bánh được xếp chồng lên nhau thành hình một ngọn núi từ to lên đến nhỏ.
Mâm cúng ngày Tết của người Pà Thẻn gồm 1 con gà, 5 bánh dày, 1 bát cơm và 5 chén rượu.
Bánh dày được dâng lên cúng tổ tiên, thần linh từ ngày 30 đến ngày mùng 3 Tết, sau khi làm lễ vật cúng Tết xong, cái bánh dày to nhất sẽ được gia đình giữ lại để theo dõi đến khí xuất hiện nấm mốc trên bánh. Vì theo quan niệm của người Pà Thẻn nếu trên chiếc bánh dày xuất hiện nấm màu xanh thì năm đó làm ăn sẽ khó khăn, ruộng nương sẽ mọc nhiều cỏ, xuất hiện nhiều sâu bệnh hại… còn nếu xuất hiện màu hồng hoặc màu đỏ thì năm đó gia đình sẽ làm ăn thuận lợi, may mắn, có nhiều lộc...
Mỗi dân tộc có một phong tục đón Tết khác nhau, nhưng tất cả đều hướng đến một điều tốt đẹp nhất trong năm mới. Dù cuộc sống của đồng bào dân tộc Pà Thẻn ở thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình còn nhiều khó khăn, song những ngày Tết đến Xuân về, tất cả bà con nơi đây đều chuẩn bị mâm cúng với đầy đủ lễ vật truyền thống để dâng lên tổ tiên, thần linh và cầu cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Tạ Thành
Bình luận