Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 21/02/2025 02:02
Chủ nhật, 16/02/2025 12:02
TMO - Cùng với các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong tỉnh, trong nước và quốc tế, tỉnh Bắc Ninh đã phát triển mạnh thương mại điện tử, thúc đẩy tiêu thụ rộng rãi nông sản của địa phương.
Tỉnh Bắc Ninh xác định, giai đoạn 2022-2025, tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm; phối hợp xúc tiến các sản phẩm OCOP vào các trung tâm, siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh; sử dụng các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream)… quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Địa phương này cũng đã ban hành nhiều chính sách để khuyến khích, thúc đẩy sản xuất, trong đó có kế hoạch số 716/KH-UB của UBND tỉnh về việc hỗ trợ đưa sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh Bắc Ninh. Tỉnh đã xây dựng ứng dụng “Sàn thương mại điện tử Bắc Ninh” ứng dụng trên nền thiết bị di động tạo thuận lợi cho các chủ thể đưa sản phẩm lên sàn và người tiêu dùng truy cập mua sắm.
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, toàn tỉnh hiện có 167 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt tiêu chuẩn 3 sao và 4 sao, trong đó, 20% chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP có website giới thiệu sản phẩm; 100% cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP có tài khoản giao dịch điện tử ngân hàng; 50% cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP theo dõi, ghi chép nhật ký sản xuất, bán hàng bằng sổ điện tử trên máy vi tính.
Nông sản của các địa phương được đẩy mạnh tiêu thụ trên Sàn thương mại điện tử Bắc Ninh.
Để hỗ trợ nông sản trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), Cổng thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trang thông tin điện tử của Trung tâm Khuyến nông và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bắc Ninh thường xuyên đăng tải thông tin, hình ảnh quảng bá, giới thiệu các cơ sở sản xuất, sản phẩm nông sản tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh.
Đồng thời, tổ chức hội chợ, triển lãm, thông qua các kênh truyền thông quảng bá rộng rãi trên nền tảng số, sàn thương mại điện tử; tổ chức lớp tập huấn chuyên ngành ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp, chú trọng nội dung chuyển đổi số, truy suất nguồn gốc nông sản và hướng dẫn người dân khai thác, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và bán hàng trên không gian mạng
Sở Công Thương giúp người dân kết nối, tiêu thụ nông sản thường xuyên cung cấp thông tin dữ liệu, phân tích dự báo thị trường, giá thành đối với từng loại sản phẩm nông sản của các huyện, thị xã, thành phố; cung cấp thông tin phục vụ việc tuyên truyền tiêu thụ sản phẩm nông sản của các huyện, thị xã, thành phố.
Theo các đơn vị kinh doanh trên địa bàn tỉnh, ngoài các kênh bán hàng, phân phối trực tiếp, đơn vị đẩy mạnh niêm yết, bán hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử như: Chợ Bắc Ninh, Postmart.vn, Voso.vn, Lazada, Sendo, Shopee bởi đây là xu thế tất yếu mang lại nhiều thuận lợi cho khách hàng. Nhờ ông nghệ bán hàng trên nền tảng số, các sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi trên khắp cả nước.
Ngoài ra,tTheo phương pháp bán hàng truyền thống rất khó tiếp cận khách hàng ở xa, sàn TMĐT đã khắc phục được điều đó. Nhờ đó, hoạt động quảng bá sản phẩm không còn bị bó hẹp trong không gian địa lý nhất định, dễ dàng tiếp cận khách hàng ở mọi miền. Đây là cơ hội tốt để các sản phẩm được lên sàn thương mại, quảng bá rộng rãi sản vật địa phương.
Tại Bắc Ninh, các hộ sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ đưa lên sàn TMĐT khi đạt một trong các tiêu chí: Quy mô sản xuất 10.000 sản phẩm/năm hoặc từ 5 tấn sản phẩm trở lên. Có đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, có tem truy xuất nguồn gốc bảo đảm đúng kỹ thuật quy định. Sản phẩm được chứng nhận OCOP, VietGAP, GlobalGAP, TCVN về nông nghiệp hữu cơ, chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
So với các phương thức tiêu thụ truyền thống, kênh bán hàng trực tuyến thông qua các sàn TMĐT không những mở thêm cơ hội giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước mà còn hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản thuận lợi hơn, tránh bị thương lái ép giá.
Để tăng cường hiệu quả hoạt động TMĐT các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường tuyên truyền, đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho người dân và doanh nghiệp tham gia khai thác ứng dụng TMĐT; việc phát triển hạ tầng, hỗ trợ giao dịch điện tử và tích hợp thanh toán điện tử trên các nền tảng di động; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong sản xuất sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm…/.
Hà Thu
Bình luận