Hotline: 0941068156
Thứ năm, 12/09/2024 12:09
Thứ hai, 02/09/2024 06:09
TMO - Với việc triển khai đa dạng kênh xúc tiến thương mại, sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Bắc Kạn đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành.
Với 7 dân tộc cùng chung sống, Bắc Kạn là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn với hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã chú trọng triển khai đồng bộ các chương trình, dự án, giải pháp nhằm xoá đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống cho nhân dân.
Với đặc thù là tỉnh nông nghiệp, địa phương đã chuyển dịch theo hướng đổi mới cơ cấu, cây trồng, vật nuôi, cơ cấu lại mùa vụ đặc biệt sản xuất hàng hoá trở thành lựa chọn hàng đầu của người dân. Bắc Kạn đang đầu tư vào các sản phẩm nông sản theo hướng chế biến sâu, liên kết chuỗi, quy hoạch vùng nguyên liệu phát triển bền vững, từng bước khẳng định chất lượng, thương hiệu, đồng thời tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, liên kết hợp tác…
Sản phẩm OCOP tại các địa phương trên địa bàn tỉnh được quảng bá rộng rãi, đẩy mạnh tiêu thụ tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Thời gian qua, ngành chức năng địa phương cũng đang chú trọng triển khai nhiều giải pháp xúc tiến thương mại, phát triển các mặt hàng nông sản, đặc biệt là sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) theo hướng củng cố số lượng, nâng cao chất lượng. Cùng với việc nâng cao chất lượng các sản phẩm nông sản, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm xúc tiến, quảng bá, đưa thương hiệu, sản phẩm thế mạnhcủa địa phương có mặt trên nhiều thị trường trong, ngoài nước.
Theo thống kê của Sở Công Thương Bắc Kạn, hiện nay toàn tỉnh có 218 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao, 18 sản phẩm 4 sao, 199 sản phẩm 3 sao. Để tăng cường quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại các địa phương trên địa bàn, tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức tham gia các hội chợ, triển lãm tại nhiều tỉnh, thành phố như: Tham gia Tuần lễ quảng bá văn hóa, bán hàng đặc sản tại NovaWorld Phan Thiết tại phố đi bộ Miami, Nova World Phan Thiết, Bình Thuận; tham gia Hội chợ Công Thương vùng Tây Bắc – Điện Biên năm 2024; tham gia Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu thành phố Hà Nội và khu vực phía Bắc năm 2024 tại thành phố Hà Nội; Chương trình “Ngày Hội hàng hóa vì người tiêu dùng năm 2024”.
Bên cạnh đó, năm 2024, Sở Công Thương Bắc Kạn đã tổ chức triển khai Đề án Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về sản phẩm OCOP khu vực Đông Bắc đến người tiêu dùng trong nước thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2024. Duy trì, phát huy hiệu quả trang thông tin giao dịch điện tử ngành Công thương Bắc Kạn tại địa chỉ www.xttmbackan.gov.vn; triển khai nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tỉnh Bắc Kạn thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Tổ chức triển khai Đề án Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về sản phẩm OCOP khu vực Đông Bắc đến người tiêu dùng trong nước thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2024. Ngoài ra Sở Công thương tiếp tục đồng hành, hỗ trợ và triển khai, thông tin về các chương trình hội chợ, hội nghị, hoạt động xúc tiến thương mại do bộ, ngành, các địa phương trên cả nước tổ chức đến các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh để nghiên cứu, tham dự.
Gần đây nhất, Ngày hội nông sản OCOP và văn hóa ẩm thực 6 tỉnh Việt Bắc năm 2024 tổ chức tại tỉnh Bắc Kạn từ ngày 24 - 28/8/2024 là điều kiện thuận lợi để các tỉnh trong vùng có cơ hội giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất của địa phương. Nhiều mặt hàng đặc trưng, đặc hữu của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Bắc Kạn như: Măng khô, miến, tinh bột nghệ, trà hoa vàng, lạp sườn, thịt lợn hun khói… được người tiêu dùng lựa chọn.
Ngành chức năng tỉnh hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử.
Thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn đã tích cực phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước để tăng cường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất. So với các phương thức tiêu thụ truyền thống, kênh bán hàng trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử không những mở thêm cơ hội mới, giúp các hộ nông dân có thể giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước mà còn hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản thuận lợi hơn, tránh bị thương lái ép giá.
Trong đó, sàn thương mại điện tử tỉnh Bắc Kạn backanmarket.vn là kênh quảng bá, mua bán hàng hóa sản phẩm dịch vụ trực tuyến được đưa vào vận hành từ năm 2022 đã hỗ trợ rất lớn giúp các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất của tỉnh thuận lợi tối đa trong việc phân phối sản phẩm với chi phí thấp nhất thông qua việc tích hợp các giải pháp về thanh toán, logistics. Qua đó có cơ hội tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như quảng bá sản phẩm OCOP đến với khách hàng trong cả nước trên môi trường số.
Ngoài ra, các đơn vị chức năng của địa phương đã hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, các chủ thể OCOP đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử trong nước như VoSo, Lazada, Postmart; hỗ trợ sản phẩm OCOP tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế như Alibaba; khuyến khích các nhà sáng tạo nổi tiếng trên Tiktok livestream bán hàng, sản phẩm OCOP trực tiếp trên nền tảng TikTok.
Các hộ sản xuất nông nghiệp và các chủ thể OCOP tham gia giao dịch mua bán trên các sàn thương mại điện tử được đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; được hướng dẫn đăng ký tài khoản kinh doanh, tài khoản thanh toán trực tuyến, thực hiện quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận để tác nghiệp trong quá trình kết nối mua bán trên các sàn thương mại điện tử.
Các sản phẩm nông nghiệp được quảng bá, giới thiệu thông qua sàn thương mại điện tử và các kênh phân phối của doanh nghiệp bưu chính sở hữu sàn; mở rộng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững thông qua nền tảng số; hỗ trợ cung cấp thông tin, nguyên liệu đầu vào phục vụ quá trình sản xuất, kinh doanh. Sàn thương mại điện tử không chỉ là kênh tiêu thụ sản phẩm an toàn, hiệu quả, mà còn giúp xây dựng thương hiệu nông sản cho các HTX, doanh nghiệp. Do đó, thời gian tới, việc hỗ trợ các HTX, hộ nông dân đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử sẽ tiếp tục được triển khai, góp phần kết nối, quảng bá, giới thiệu, xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Nhằm nâng cao giá trị sản xuất cho nông sản tại các địa phương, thời gian tới, Sở Công Thương Bắc Kạn sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại cấp vùng, cấp khu vực do Bộ Công Thương tổ chức; tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt từ khu sản xuất đến miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; tổ chức gian hàng của tỉnh tham gia hội chợ, triển lãm trong nước; tổ chức Ngày hội nông sản OCOP.../.
Bùi Minh
Bình luận