Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 11:11
Thứ tư, 31/05/2023 13:05
TMO - Vải thiều chín sớm Tân Yên là một sản phẩm đặc sản nổi tiếng của tỉnh Bắc Giang và huyện Tân Yên. Việc triển khai các giải pháp xúc tiến tiêu thụ vải thiều sớm được các ngành chức năng đẩy mạnh triển khai nhằm tạo thuận lợi trong tiêu thụ, nâng cao giá trị của mặt hàng nông sản chủ lực này.
Theo UBND huyện Tân Yên năm nay toàn huyện có 1.340ha vải thiều, sản lượng dự kiến khoảng 17 nghìn tấn; trong đó diện tích vải sớm 1.170ha, sản lượng 15,5 nghìn tấn, tập trung ở các xã: Phúc Hòa, Liên Sơn, Tân Trung, Hợp Đức và thị trấn Cao Thượng.
Diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm 900 ha; duy trì và mở rộng vùng sản xuất vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGAP 415 ha; xây dựng mới một vùng sản xuất vải thiều đạt tiêu chuẩn GlobalGAP quy mô 10 ha. Dự kiến sản lượng vải thiều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu khoảng 5.000 tấn. Thời gian thu hoạch vải thiều sớm Tân Yên trong khoảng từ ngày 30/5 đến ngày 25/6/2023.
Về thị trường tiêu thụ, huyện Tân Yên luôn coi trọng tất cả các thị trường, cả ở trong nước và xuất khẩu. Đối với thị trường trong nước, đến nay vải thiều sớm Tân Yên đã được kết nối tiêu thụ ngay từ đầu vụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại các tập đoàn, siêu thị lớn trên sàn thương mại điện tử, các chợ đầu mối hoa quả.
Đối với thị trường xuất khẩu, vải thiều chín sớm Tân Yên được xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU, Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc và một số thị trường khác. Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký thu mua vải thiều của huyện để xuất khẩu, nhiều thương nhân đã sớm tìm hiểu, ký kết hợp đồng, giám sát tiêu thụ vải thiều tại huyện Tân Yên.
Công tác quảng bá, xúc tiến tiêu thụ vải thiều chín sớm được huyện Tân Yên đẩy mạnh triển khai.
Theo đánh giá của UBND huyện Tân Yên, sản phẩm vải thiều chín sớm Tân Yên luôn có chất lượng vượt trội, đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và sẽ được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn sử dụng. Đồng thời nhấn mạnh, huyện Tân Yên đang bước vào những ngày đầu của vụ thu hoạch vải thiều, các cấp, các ngành, các địa phương trong huyện đã chủ động, sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện, Tân Yên cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong việc thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều; chỉ đạo cung cấp các dịch vụ tốt nhất như các điểm cân, mua vải thiều tập trung, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và các dịch vụ khác...
Thời gian qua vải thiều sớm Tân Yên được người tiêu dùng trong nước và nước ngoài bao gồm cả những thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ đón nhận. Để tạo sự ổn định cho trái vải, tránh tình trạng được mùa mất giá người trồng vải cần tiếp tục đổi mới phương thức canh tác, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm. Huyện Tân Yên cần cải tiến mẫu mã bao bì và quy cách đóng gói để nâng tầm giá trị quả vải sớm lên đúng vị trí và giá trị hiện có. Đồng thời cam kết công ty sẽ kết nối với doanh nghiệp cùng ngành để tăng sản lượng tiêu thụ vải sớm ở cả thị trường trong và ngoài nước, thực hiện đúng các hợp đồng bao tiêu đã ký kết.
Để giữ vững thương hiệu vải thiều sớm Tân Yên nổi tiếng với chất lượng vượt trội, tiếp tục mở rộng thị trường trong và ngoài nước, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị UBND huyện Tân Yên chỉ đạo, hướng dẫn bà con vùng trồng vải tiếp tục thực hiện đúng quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, đảm bảo chất lượng tốt nhất và an toàn từ khâu sản xuất, thu mua, lưu thông, tiêu thụ; tiếp tục chủ động trong khâu kết nối, xúc tiến tiêu thụ, đa dạng hóa thị trường cả trên các kênh truyền thống và các sàn thương mại điện tử; khuyến khích người dân tham gia tiêu thụ trên nền tảng online, mạng xã hội; chỉ đạo các cơ quan chức năng, các xã, thị trấn chuẩn bị các điều kiện, tạo thuận lợi hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều.
Đồng thời đề nghị các doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh vải thiều tích cực khảo sát, kết nối, ký kết hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhóm hộ sản xuất, bao tiêu sản phẩm vải thiều sớm Tân Yên; kịp thời kiến nghị với các cơ quan chức năng của tỉnh và của huyện Tân Yên về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều để được tháo gỡ, giải quyết.
Tỉnh Bắc Giang đã sẵn sàng các phương án đảm bảo cho tiêu thụ trong mùa vải thiều năm nay.
Năm 2023, toàn tỉnh Bắc Giang có 29,7 nghìn ha trồng vải thiều. Sản lượng ước đạt hơn 180.000 tấn, tăng khoảng 20.000 tấn so với năm ngoái. Trong đó, diện tích trồng vải đạt tiêu chuẩn VietGAP là 15.600ha với sản lượng ước đạt 115.000 tấn; đạt tiêu chuẩn GlobalGAP là 215ha với sản lượng khoảng 2.500 tấn. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện đã có 110 mã số xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc với diện tích hơn 16.000ha, 37 mã xuất khẩu sang Nhật Bản (hơn 297,4ha) và 17 mã xuất khẩu sang Hoa Kỳ (hơn 184,2ha). Đồng thời, toàn tỉnh có 19 mã số vùng trồng vải thiều xuất khẩu sang thị trường Thái Lan và 9 mã xuất khẩu sang thị trường Australia.
Cùng với Tân Yên, huyện Lục Ngạn được coi là trung tâm vùng vải thiều Bắc Giang, năm 2023, huyện Lục Ngạn duy trì sản xuất trên 17,3 nghìn ha vải thiều, sản lượng ước đạt 98 nghìn tấn; trong đó vải sớm khoảng 25 nghìn tấn. Thời gian thu hoạch dự kiến bắt đầu từ đầu tháng 6/2023 đến cuối tháng 7/2023. Năm nay, huyện Lục Ngạn xác định hình thức tiêu thụ chủ yếu là bán quả vải tươi và chế biến vải thiều tại chỗ bằng hình thức sấy khô, đóng hộp, ép nước…2 thị trường chính được huyện xác định là xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.
Dự kiến có hơn 43,3 nghìn tấn sẽ được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và một số thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á, các nước EU…Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm từ 85 đến 90% sản lượng xuất khẩu. Tiêu thụ trong nước khoảng 35 nghìn tấn tập trung vào các Trung tâm thương mại, chợ đầu mối lớn tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai, các nhà, kênh phân phối… Ngoài ra huyện cũng đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử khoảng 7 nghìn tấn; sấy khô 9,5 nghìn tấn còn lại bảo quản lạnh, chế biến sâu khoảng 3,2 nghìn tấn...
Hoàng Nam
Bình luận