Hotline: 0941068156
Thứ năm, 08/05/2025 10:05
Thứ ba, 06/05/2025 15:05
TMO - Tỉnh Bắc Giang xác định công tác cấp, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu trong đó có nông sản chủ lực là vải thiều là yêu cầu bắt buộc nhằm bảo đảm tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bắc Giang, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) vừa có thông báo: Phía Mỹ chấp thuận 3 mã vùng trồng vải thiều của tỉnh xuất khẩu vào thị trường này, đưa tổng số mã vùng trồng xuất khẩu của toàn tỉnh lên hơn 240 mã với gần 18.000ha.
Các mã vùng trồng vải thiều này có diện tích 30ha, thuộc các thôn Vối, Lân Thịnh, Phúc Lễ, xã Phúc Hòa (Tân Yên). Để được cấp mã vùng trồng, các vườn vải phải bảo đảm các tiêu chí gồm: Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP; có nhật ký sản xuất và diện tích tối thiểu 10ha.
Được phía Mỹ chấp thuận mã số vùng trồng mở ra cơ hội cho vải thiều xuất khẩu sang thị trường cao cấp, nâng giá trị thương hiệu, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Đây cũng là bước tiến quan trọng trong chiến lược đưa vải thiều vươn xa trên thị trường quốc tế.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, năm 2025, diện tích vải thiều toàn tỉnh được duy trì ổn định ở mức 29.700 ha, bao gồm 8.000 ha vải sớm và 21.700 ha vải chính vụ. Sản lượng dự kiến đạt 165.000 tấn, trong đó vải sớm ước tính 60.650 tấn và vải chính vụ 104.350 tấn. Giá trị sản xuất vải thiều được kỳ vọng đạt khoảng 5.000 tỷ đồng. Thời gian thu hoạch vải sớm sẽ diễn ra từ ngày 20/5 đến 15/6, trong khi vải chính vụ bắt đầu từ 10/6 và kéo dài đến 20/7/2025.
Chất lượng vải thiều Bắc Giang năm nay cao hơn năm trước và có thể nói là tốt nhất từ trước đến nay. Hiện tại, tỉnh có 16.000 ha vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGAP, 204 ha đạt GlobalGAP và 10 ha sản xuất theo hướng hữu cơ, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường.
Toàn tỉnh đã có hơn 240 mã số vùng trồng vải thiều xuất khẩu với gần 18.000ha.
Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh cử cán bộ thường xuyên bám sát cơ sở, dự báo tình hình về sâu bệnh, hướng dẫn người trồng vải thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật canh tác, chăm sóc vải thiều theo quy trình. Phối hợp với các địa phương rà soát, đề xuất cấp bổ sung các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói bảo đảm điều kiện xuất khẩu vải thiều đến các thị trường quốc tế, phấn đấu toàn bộ diện tích vải thiều trên địa bàn tỉnh được cấp mã số vùng trồng để quản lý. Cùng với đó, kiểm tra, quản lý việc kinh doanh vật tư nông nghiệp; giám sát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vật tư sản xuất đầu vào, đặc biệt tại các vùng xuất khẩu vải thiều.
Để nâng cao chất lượng vùng trồng vải thiều xuất khẩu, UBND tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương đặc biệt chú trọng công tác quản lý, giám sát chặt chẽ các vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu đã được cấp mã số.
Sở Nông nghiệp và Môi trường thường xuyên rà soát, kiểm tra, đánh giá, giám sát đối với tất cả các mã số vùng trồng hiện có. Tại các địa phương như: Tân Yên; Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Thế, chính quyền địa phương yêu cầu 100% hộ tham gia sản xuất vải xuất khẩu cam kết thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật canh tác.
Hằng tháng hoặc khi có yêu cầu đột xuất, các hộ sản xuất, trưởng mã vùng trồng chủ động phối hợp, báo cáo lịch trình chăm sóc cây trồng, hồ sơ minh chứng với cán bộ chuyên môn để thực hiện giám sát. Sở tăng cường hoạt động tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, tập trung ở những địa phương có diện tích lớn phục vụ thị trường xuất khẩu.
Theo Sở Công Thương Bắc Giang, hằm xúc tiến tiêu thụ vải thiều, Sở chủ động làm tốt công tác kết nối, mời gọi các doanh nghiệp, thương nhân lớn có kinh nghiệm, uy tín về kinh doanh tiêu thụ nông sản đến khảo sát, ký kết, thu mua, tiêu thụ vải thiều; quan tâm, chú trọng thị trường truyền thống Trung Quốc, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.../.
Minh Hương
Bình luận