Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Chủ nhật, 15/05/2022 12:05
TMO - Để đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều năm 2022, tỉnh Bắc Giang huy động tất cả các kênh, mạng lưới phân phối, tiêu thụ trong cả nước; linh hoạt các giải pháp để đẩy mạnh tiêu thụ tại các thị trường xuất khẩu chủ lực.
Theo UBND tỉnh Bắc Giang, vụ vải thiều năm 2022, Bắc Giang có kế hoạch sản xuất vải với diện tích ổn định 28.300ha; sản lượng khoảng 160.000 tấn. Trong đó, vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là 15.400 ha, sản lượng khoảng 112.900 tấn; vải sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 82ha, sản lượng 1.000 tấn. Trong đó, sản lượng vải sớm khoảng trên 50.000 tấn; vải chính vụ 110.000 tấn. Thời gian dự kiến thu hoạch bắt đầu từ ngày 25/5 đến 30/7/2022.
Sở Công Thương đã xây dựng hai phương án tiêu thụ vải thiều. Trong đó, nếu tình hình dịch Covid-19 ổn định như hiện nay, sẽ tiêu thụ 50% thị trường nội địa, 50% số lượng còn lại xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu năm nay sẽ tăng sản lượng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Trung Đông và Liên minh châu Âu (EU).
Trong trường hợp Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách “Zero COVID”, lượng vải xuất khẩu sẽ rút xuống còn 30% và đẩy mạnh 70% tiêu thụ tại thị trường nội địa, trong đó đẩy mạnh tiêu thụ tại các trung tâm thương mại, siêu thị, tập trung chế biến (sấy khô).
Theo dự kiến, trong năm 2022 sản lượng vải thiều trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ước đạt 160.000 tấn. Ảnh: Bình Minh
Đến thời điểm hiện tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã đồng ý cho 103 thương nhân (quốc tịch Trung Quốc) nhập cảnh vào Việt Nam để thu mua vải thiều tại Bắc Giang. Những người này sẽ được nhận thị thực tại cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn với ký hiệu VR.
Được biết, ngoài 103 thương nhân nói trên, tính đến ngày 10/5, UBND huyện Lục Ngạn còn nhận được danh sách 30 thương nhân Trung Quốc khác đăng ký nhập cảnh vào Việt Nam và đến Lục Ngạn thu mua vải thiều. Hiện số người này đang được cơ quan chức năng hướng dẫn làm các thủ tục đăng ký nhập cảnh.
Với thị trường Trung Quốc, toàn tỉnh đã có 149 mã số vùng trồng xuất khẩu, sản lượng khoảng 95.000 tấn, 300 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Ngoài ra tỉnh Bắc Giang đang đề nghị phía Trung Quốc hỗ trợ mở luồng xanh ưu tiên cho xuất khẩu vải thiều, tạo điều kiện mỗi ngày từ 300-500 xe qua các cửa khẩu địa bàn tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn.
Đồng thời, điều kiện mở thêm hai cửa khẩu phụ Chi Ma, Cổng Trắng (tỉnh Lạng Sơn), kéo dài thời gian làm việc hàng ngày tại cửa khẩu đến 21 giờ Trung Quốc; xem xét hỗ trợ, tạo điều kiện cho thương nhân Trung Quốc được xuất cảnh sang Việt Nam đến tỉnh Bắc Giang khảo sát, đàm phán thu mua vải thiều.
Tỉnh Bắc Giang lên kế hoạch mở rộng tiêu thụ vải thiều tại các thị trường xuất khẩu khác như Hoa Kỳ, EU...
Tại thị trường trong nước, Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Bắc Giang vừa có văn bản đề nghị các sở, ban, ngành tỉnh, mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” các huyện, thành phố chung tay kết nối tiêu thụ vải thiều và các nông sản chủ lực, đặc trưng năm 2022.
Bắc Giang khai thác tối đa thị trường trong nước, đổi mới trong việc giới thiệu sản phẩm đối với thị trường nội địa, tập trung vào các trung tâm thương mại, các chợ đầu mối lớn như Hà Nội, Ðà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Ðồng Nai…
Bên cạnh đó, tận dụng tốt các nhà phân phối, hệ thống các tập đoàn bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam các khu công nghiệp lớn ở Bắc Giang và miền Bắc; các tập đoàn sản xuất kinh doanh lớn trong nước; các tổ chức chính trị - xã hội có mạng lưới rộng lớn như Mặt trận Tổ quốc, công đoàn, hội nông dân, hội liên hiệp phụ nữ, đoàn thanh niên… để đưa sản phẩm vải thiều Lục Ngạn và các sản phẩm chủ lực, đặc trưng năm 2022 đến tất cả các kênh, mạng lưới phân phối, tiêu thụ trong cả nước.
Cùng với việc tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, các chợ đầu mối... tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm này trên các sàn thương mại điện tử
Đồng thời, tăng cường kết nối với các tập đoàn phân phối, các tập đoàn sản xuất kinh doanh lớn, ban quản lý các khu công nghiệp, mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở trong và ngoài tỉnh để ưu tiên xúc tiến cung ứng, tiêu thụ sản phẩm của các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, Global gap.
Đặc biệt, Sở Công thương xây dựng kế hoạch, phương án ứng dụng công nghệ chuyển đổi số, bán vải thiều trực tiếp đến tay người tiêu dùng thông qua các kênh thương mại điện tử; phối hợp với Cục Thương mại điện tử - Bộ Công thương triển khai bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.
Hoàng Hà
Bình luận