Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 01:01
Thứ ba, 28/05/2024 07:05
TMO - Tỉnh Bắc Giang đang triển khai nhiều giải pháp nhằm giúp người dân thuận lợi hơn trong công tác tiêu thụ, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước tìm kiếm đối tác, ký kết tiêu thụ sản phẩm vải thiều chín sớm của tỉnh.
Năm 2024, tổng diện tích sản xuất vải thiều trên địa bàn huyện Tân Yên là hơn 1,4 nghìn ha (tăng gần 100 ha so với năm trước), sản lượng ước đạt 15,5 nghìn tấn. Trong đó diện tích vải thiều sớm là 1.250 ha, sản lượng ước đạt 15 nghìn tấn. Huyện tiếp tục duy trì 900 ha diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm; duy trì và mở rộng vùng sản xuất vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP là 455 ha. Thời gian thu hoạch bắt đầu từ ngày 22/5, dự kiến kéo dài đến ngày 20/6/2024.
Thời gian qua, UBND huyện Tân Yên làm tốt công tác dự báo tình hình. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, đơn vị, chính quyền cơ sở quản lý, giám sát 27 mã vùng trồng vải thiều nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu. Đồng thời chuẩn hóa mẫu mã, bao bì, truy xuất nguồn gốc, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện phục vụ tiêu thụ vải thiều trên địa bàn. UBND huyện phối hợp với Sở Công Thương, các đơn vị liên quan xây dựng phương án tiêu thụ trong và ngoài nước. Cùng đó gặp gỡ một số doanh nghiệp, tập đoàn, chuỗi siêu thị trong nước nắm tình hình thị trường; bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, thương nhân vào địa bàn thu mua vải thiều.
Năm 2024, dự kiến khoảng 7,8 nghìn tấn (chiếm 50,3% tổng sản lượng của toàn huyện) vải thiều tiêu thụ tại thị trường nội địa; chủ yếu ở các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại tại các tỉnh, TP lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng. Sản lượng xuất khẩu dự kiến hơn 7 nghìn tấn (chiếm 49,7% tổng sản lượng) chủ yếu sang thị trường: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU, Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc. Với sự chủ động trong kết nối, mời gọi các doanh nghiệp ký liên kết tiêu thụ, đến nay, đã có khoảng 10 doanh nghiệp, đơn vị có kế hoạch ký hợp đồng tiêu thụ vải xuất khẩu với người trồng vải huyện Tân Yên.
Tỉnh Bắc Giang triển khai nhiều giải pháp tìm kiếm đối tác, ký kết tiêu thụ sản phẩm vải thiều chín sớm của tỉnh. Ảnh: TT.
Vải thiều sớm của huyện Tân Yên đã bắt đầu bước vào vụ thu hoạch. Năm nay, dự kiến sản lượng vải sớm có giảm so với mọi năm do ảnh hưởng của thời tiết cuối năm 2023 không thuận lợi cho quá trình phân hóa mầm hoa nên tỷ lệ cây vải ra hoa ở một số vườn thấp, đặc biệt là đối với diện tích vải ở trên đồi cao và vải chính vụ, tỷ lệ ra hoa chỉ đạt trên 80% so với các năm trước. Tuy nhiên với nỗ lực của người trồng vải và các cấp chính quyền, vải sớm Tân Yên được chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, sâu bệnh phát sinh gây hại ít, tỷ lệ vải thiều đậu quả cao. Đến thời điểm này, vải thiều Tân Yên đã sẵn sàng chinh phục các thị trường.
Là trung tâm vải sớm của huyện Tân Yên, xã Phúc Hòa có trên 700 ha vải, trong đó trên 400 ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 10 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Sản lượng vải thiều sớm toàn xã ước đạt hơn 10 nghìn tấn, giảm khoảng hơn 2 nghìn tấn so với năm ngoái. Xã Phúc Hòa đã xây dựng và mở rộng thêm 2 vùng sản xuất vải sớm đạt tiêu chuẩn, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các thôn: Phúc Lễ, Lân Thịnh, Quất Du 2. Đồng thời lựa chọn, áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, sơ chế, bảo quản, đóng gói, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước EU, Nhật Bản, Mỹ… Hiện nay, giá vải đang dao động từ 35 - 40 nghìn đồng/kg, cá biệt có những vườn vải đẹp giá thu mua tại vườn lên đến 50 nghìn đồng/kg. Bà con nông dân trên địa bàn xã Phúc Hòa phấn khởi khi ngay từ đầu vụ vải thiều sớm được giá, tiêu thụ rất thuận lợi.
Hiện các cấp, các ngành, các địa phương trong huyện đã chủ động, sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện và cam kết tạo mọi thuận lợi nhất hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều. Đồng thời, cung cấp các dịch vụ hậu cần tốt nhất như nguồn vốn, nguồn điện, thùng xốp, đá cây, vệ sinh môi trường, chuẩn bị kho, bãi tập kết phương tiện vận tải, các điểm cân, mua vải thiều tập trung, công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và các dịch vụ khác...
Để giữ vững thương hiệu vải thiều sớm Tân Yên nổi tiếng với chất lượng vượt trội, mở rộng thị trường trong và ngoài nước UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị, thời gian tới, UBND huyện Tân Yên tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất nâng cao sản lượng, chất lượng quả vải. Cùng đó, chủ động kết nối, xúc tiến tiêu thụ, đa dạng hóa thị trường cả trên các kênh truyền thống và các sàn thương mại điện tử; khuyến khích người dân tham gia tiêu thụ trên nền tảng online, mạng xã hội...; gắn việc quảng bá các sản phẩm chủ lực của huyện với du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh trên địa bàn huyện và các vùng lân cận.
Các doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh vải thiều tích cực khảo sát, kết nối, ký kết hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhóm hộ sản xuất, bao tiêu sản phẩm vải thiều sớm Tân Yên. Kịp thời kiến nghị với các cơ quan chức năng của tỉnh và của huyện về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều để được tháo gỡ, giải quyết kịp thời.
UBND huyện Tân Yên tiếp tục chỉ đạo hướng dẫn bà con vùng trồng vải thực hiện đúng quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, đảm bảo chất lượng tốt nhất và an toàn từ khâu sản xuất, thu hái, lưu thông, tiêu thụ. Ứng dụng công nghệ, sản phảm có gắn tem truy xuất nguồn gốc; quản lý mã số vùng trồng đảm bảo các điều kiện sạch và an toàn thực phẩm. Chủ động trong khâu kết nối, xúc tiến tiêu thụ, đa dạng hóa thị trường cả trên các kênh truyền thống và các sàn thương mại điện tử; khuyến khích người dân tham gia tiêu thụ trên nền tảng online, mạng xã hội...
Chỉ đạo các cơ quan chức năng, các xã, thị trấn chuẩn bị các điều kiện và tạo thuận lợi nhất hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều. Xác định khâu quảng bá là một khâu quan trọng, góp phần nâng cao hình ảnh, giá trị, thế mạnh của huyện Tân Yên với các địa phương lân cận.
Huyện cũng cần tiếp tục chủ động trong khâu kết nối, xúc tiến tiêu thụ, đa dạng hóa thị trường cả trên các kênh truyền thống và các sàn thương mại điện tử; khuyến khích người dân tham gia tiêu thụ trên nền tảng online, mạng xã hội... Chỉ đạo các cơ quan chức năng, các xã, thị trấn chuẩn bị các điều kiện và tạo thuận lợi nhất hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều. Gắn việc quảng bá các sản phẩm chủ lực của huyện như: Vải, ổi lê, vú sữa, Sâm nam núi Dành với du lịch trải nghiệm; du lịch tâm linh trên địa bàn huyện và các vùng lân cận.
Các địa phương cần chủ động kết nối, xúc tiến tiêu thụ, đa dạng hóa thị trường cả trên các kênh truyền thống và các sàn thương mại điện tử.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, tổng diện tích vải thiều toàn tỉnh năm 2024 là 29.700 ha, sản lượng ước trên 100.000 tấn (bằng khoảng 50% so với năm 2023); trong đó, đối với vải chín sớm diện tích 7.700 ha, sản lượng ước 50.000 tấn; vải chính vụ diện tích 22.000 ha, sản lượng ước 50.000 tấn; vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP 15.600 ha, sản lượng ước 50.000 tấn; duy trì vải sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 82 ha, sản lượng ước 500 tấn.
Hiện các cấp chính quyền địa phương đang tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân chăm sóc, thu hái để chất lượng vải thiều đạt cao nhất. Ngay từ đầu vụ ngành nông nghiệp đã thành lập tổ chỉ đạo sản xuất vải thiều năm 2024 gồm 10 cán bộ chuyên môn để phối hợp với các huyện trọng điểm sản xuất vải thiều, tổ chức rà soát tất cả các vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh ban hành bộ tài liệu kỹ thuật hướng dẫn chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh vải thiều phục vụ xuất khẩu; danh mục thuốc bảo vệ thực vật khuyến cáo cho vải thiều.
Từ nay đến cuối vụ các đơn vị chuyên môn của ngành phối hợp với các huyện, thành phố tiếp tục hướng dẫn nông dân tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại nhằm đảm bảo năng suất và chất lượng quả vải phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; rà soát, đánh giá tất cả mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói thực hiện tốt các quy định của nước nhập khẩu về kiểm soát dịch hại, vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng đó, lấy 50 mẫu phân tích dư lượng đảm bảo chất lượng phục vụ xuất khẩu đi thị trường có giá trị kinh tế cao (Mỹ, Australia, Nhật Bản..); hướng dẫn các hộ sản xuất trong vùng trồng chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ thu hoạch và chuẩn bị cho công tác kiểm tra thực địa vùng trồng.
Vải thiều Bắc Giang bắt đầu cho thu hoạch từ ngày 20/5- đến 30/7, vải sớm từ ngày 20/5 -15/6, vải chính vụ từ ngày 10/6 trở đi. Những ngày này trên vùng vải sớm Phúc Hòa, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, người dân đã bắt đầu thu hái, chủ yếu là phục vụ xuất khẩu với giá dao động từ 30.000 - 38.000 đồng/kg, cao hơn so với mọi năm từ 15-20%. Năm nay Bắc Giang dự kiến tổng sản lượng vải thiều xuất khẩu khoảng 70.000 tấn, chiếm 70% sản lượng toàn tỉnh. Trong đó, tiếp tục duy trì xuất khẩu quả vải tươi và sản phẩm vải chế biến sâu. Thị trường Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường truyền thống, tiêu thụ lớn, có quan hệ hợp tác nhiều năm qua.
Để đảm bảo chất lượng vải phục vụ xuất khẩu, tỉnh Bắc Giang đang duy trì và kiểm soát chặt chẽ 223 mã số vùng trồng, diện tích trên 17 nghìn ha, sản lượng ước đạt 34.000 tấn; trong đó thị trường Trung Quốc có 130 mã số vùng trồng, diện tích trên 16,2 nghìn ha, sản lượng ước đạt 30.000 tấn; sản lượng vải xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, EU, Hàn Quốc ước đạt 4.000 tấn ( Hoa Kỳ 18 mã số vùng trồng, Nhật Bản 38 mã số vùng trồng, Australia 18 mã số vùng trồng…).
Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã chủ động, sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong thu hoạch, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều…
Thời gian tới, Sở Công Thương chủ động phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan tiếp tục hỗ trợ quảng bá, thông tin giới thiệu vải thiều Bắc Giang đi các thị trường quốc tế; tiếp tục đàm phán mở cửa các thị trường xuất khẩu mới đối với vải thiều; hỗ trợ thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vào liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm vải thiều; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sơ chế, bảo quản, chế biến sâu quả vải thiều và các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh.
Ngọc Lan
Bình luận