Hotline: 0941068156
Thứ năm, 03/04/2025 14:04
Thứ tư, 02/04/2025 10:04
TMO - Tỉnh An Giang tập trung nguồn lực đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sinh học tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế đầu tư và sản xuất sản phẩm từ công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y dược...
Theo Sở Khoa học và Công nghệ An Giang, năm 2024, tỉnh đã triển khai 72 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, góp phần phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sản xuất và đời sống. Trong đó, đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ tế bào thực vật nhân giống sản xuất một số loại hoa kiểng sạch bệnh có chất lượng cao: Cúc, dạ yến thảo, hoa chuông; cây ăn trái (chuối già)… góp phần nâng cao năng suất và an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Ứng dụng công nghệ vi sinh vật phân lập và xây dựng mô hình nhân giống nấm bào ngư, linh chi, đông trùng hạ thảo..., với quy mô công nghiệp, công suất mỗi năm khoảng 600 tấn phôi giống thương phẩm và 100 tấn nấm tươi. Khảo nghiệm trên 22 giống lúa, đã tuyển chọn được ít nhất 2 giống lúa có triển vọng với năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất cao hơn các giống khác.
Đối với công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, ngành khoa học và công nghệ tỉnh đã sử dụng nấm Tricoderma, chế phẩm Pheromol, hệ thống thuốc sinh học để phòng trừ bệnh, duy trì lực lượng thiên địch trên cây màu được đẩy mạnh, góp phần giảm đầu tư, tăng hiệu quả và bảo vệ môi trường. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ lên men vi sinh để sản xuất các chế phẩm vi sinh trong xử lý chất thải làm phân bón hữu cơ, góp phần phát triển phương thức canh tác hữu cơ trên địa bàn.
Công nghệ sinh học được ứng dụng để phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng.
Đối với nuôi trồng thủy sản, đã triển khai nghiên cứu, hoàn thiện quy trình sản xuất cá heo, trèn bầu, chạch lấu, cá cóc… giúp chủ động được nguồn giống cung cấp cho người nuôi. Từ quy trình của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II (thực hiện năm 2005), Trung tâm Giống thủy sản An Giang đã hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống cá cóc phù hợp với điều kiện hiện tại và phù hợp với địa phương, tỷ lệ sống của cá cóc giống đạt hiệu quả cao hơn so quy trình gốc giống
Trong lĩnh vực y tế, việc ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất vaccine phòng bệnh truyền nhiễm (sởi, rubella, viêm gan B, cúm, Covid-19…) đạt được những bước tiến vượt bậc. Trong lĩnh vực môi trường, sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý chất thải gây ô nhiễm ngay tại bãi rác, ao nuôi thủy sản, chăn nuôi. Ứng dụng công nghệ lên men vi sinh để sản xuất các chế phẩm vi sinh trong xử lý chất thải môi trường ao nuôi tôm, bãi rác, chăn nuôi gia súc, gia cầm; trong hoạt động thẩm định thủ tục hành chính lĩnh vực môi trường (báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường).
Với những kết quả đã đạt được, tỉnh An Giang tập trung phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Từ nay đến năm 2030, địa phương này đẩy mạnh xây dựng, phát triển nền công nghiệp sinh học đạt trình độ tiên tiến trên lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y dược, thực phẩm, môi trường... Công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng; các tổ chức công nghiệp sinh học tăng 50% về quy mô đầu tư và quy mô tăng trưởng, sản xuất ít nhất 50% sản phẩm công nghệ sinh học hiện có; phấn đấu công nghiệp sinh học đóng góp 7% vào GRDP của tỉnh, bảo đảm nhu cầu thiết yếu của xã hội.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thế mạnh của tỉnh về giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản và dược liệu... Thúc đẩy các doanh nghiệp công nghiệp sinh học đầu tư sản xuất với quy mô công nghiệp và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Trung tâm công nghệ sinh học tỉnh làm chủ công nghệ sản xuất các nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh, như: Nhân giống rau, hoa, dược liệu. Hình thành mạng lưới cung cấp giống rau, hoa, dược liệu tại một số vùng quy hoạch phát triển rau, hoa, dược liệu của tỉnh.
An Giang đặt mục tiêu đến năm 2045 trở thành một trong những trung tâm có quy mô lớn của vùng đồng bằng sông Cửu Long về nghiên cứu quy trình canh tác, sản xuất giống rau, hoa, dược liệu, chăn nuôi, thủy sản và trung tâm nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe kết hợp hỗ trợ điều trị một số bệnh trong cuộc sống hiện đại ngày nay dựa trên nền tảng Đông, Tây y kết hợp. Xây dựng và phát triển công nghệ sinh học trọng điểm về lĩnh vực nông nghiệp và chăm sóc sức khỏe…
Tỉnh sẽ có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, ứng dụng và đầu tư phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất các sản phẩm công nghệ sinh học có giá trị cao trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y dược, môi trường; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm công nghệ sinh học.../.
Lê Thảo
Bình luận