Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 19:11
Thứ hai, 25/12/2023 15:12
TMO – Dù gặp không ít khó khăn, thách thức trong bối cảnh chung. Tuy nhiên, với bản lĩnh vững vàng; sự đoàn kết, quyết tâm nỗ lực; đổi mới, sáng tạo...Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ đề ra. Trong đó, không ít hoạt động để lại nhiều dấu ấn.
TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam
Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường bình chọn 10 hoạt động nổi bật của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trong năm 2023. Đây là những hoạt động thu hút sự chú ý, được dư luận, cộng đồng quan tâm.
1. Bàn giao kết quả nghiên cứu đề tài “Du lịch Hải Tiến -Thân thiện môi trường”
Ngày 10/01, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phối hợp với UBND huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) tổ chức Lễ bàn giao kết quả nghiên cứu đề tài “Du lịch Hải Tiến -Thân thiện môi trường”. Đây là công trình nghiên cứu theo hình thức liên kết, hợp tác giữa hai bên. Tại lễ bàn giao, lãnh đạo UBND huyện Hoằng Hóa đánh giá cao những kiến nghị của VACNE đối với định hướng phát triển du lịch Hải Tiến. Lãnh đạo UBND huyện Hoằng Hóa cho rằng, những kiến nghị mà VACNE đưa ra rất sâu sát và toàn diện. Một số kiến nghị sẽ được nghiên cứu và sớm triển khai, đưa vào áp dụng tại địa phương. Trong khi đó, lãnh đạo VACNE cho biết, sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ địa phương đi sâu và mở rộng hơn các nội dung nghiên cứu cũng như triển khai trên thực tế.
2. Phát động thi đua chào mừng 35 năm thành lập và Đại hội lần thứ VIII
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương VACNE năm 2022, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng đã phát động đợt thi đua chào mừng 35 năm thành lập (1988-2023) và Đại hội lần thứ VIII nhiệm kỳ 2023-2028 Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam. Theo Văn phòng Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, ngay sau phát động, văn phòng Hội đã nhận được trên 50 đăng ký thi đua với nhiều nội dung khác nhau từ các đơn vị trực thuộc, hội thành viên.
3. Ra mắt sách "Tự hào 35 năm VACNE"
Ngày 15/03, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức lễ ra mắt sách “Tự hào 35 năm VACNE”. Sách được chia thành nhiều phần khách nhau, nội dung thể hiện Hội không ngừng lớn mạnh về tổ chức, tập hợp ngày càng rộng rãi cộng đồng hành động vì môi trường trong hành trình suốt 35 năm qua.
4. Gặp mặt nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6
Sáng 20/6, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam long trọng tổ chức buổi gặp mặt các phóng viên, nhà báo nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023). Trong buổi gặp mặt, thay mặt Ban Biên tập Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường, Nhà báo Tạ Việt Anh gửi lời cảm ơn chân thành tới ban lãnh đạo Cơ quan chủ quản, đội ngũ phóng viên, biên tập viên tại tòa soạn, đồng thời ghi nhận, biểu dương sự cố gắng của Ban lãnh đạo, đội ngũ phóng viên, biên tập, cộng tác viên đã cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn trong giai đoạn hình thành và phát triển của tạp chí. Ông yêu cầu đội ngũ phóng viên, biên tập viên cần tiếp tục trau dồi kiến thức, tích cực học hỏi kinh nghiệp, thay đổi tư duy, vận dụng công nghệ trong quá trình sản xuất nội dung nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số báo chí, đồng thời cần tiếp tục tu dưỡng đạo đức, phẩm chất người làm báo.
Sau khi lắng nghe những chia sẻ từ Ban Biên tập, đội ngũ phóng viên, biên tập viên, TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đánh giá cao sự cố gắng của tòa soạn, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam yêu cầu Ban Biên tập Tạp chí cần bám sát tôn chỉ, mục đích, chức năng nhiệm vụ. Ngoài ra, Chủ tịch Hội chia sẻ: Lãnh đạo Hội, các chuyên gia, nhà khoa học của Hội luôn sẵn sàng trao đổi để mở rộng những hiểu biết của đội ngũ phóng viên, biên tập viên về những nội dung liên quan đến tài nguyên và môi trường như: biến đổi khí hậu, chất thải nhựa, phát thải khí nhà kính.... để từ đó giúp các PV, BTV có cái nhìn bao quát hơn khi triển khai những tin bài liên quan đến nội dung trên.
5. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần 2/2023
Ngày 12/7, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban chấp hành Trung ương mở rộng để thảo luận một số vấn đề liên quan đến cong tác hoạt động Hội, đồng thời thống nhất nhiều nội dung quan trọng; thông qua Nghị quyết Hội nghị và Dự thảo Báo cáo tại Đại hội lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2023- 2028). Đây là cuộc họp theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và kết nối trực tuyến với nhiều địa phương trong cả nước, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho Đại hội và Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.
6. Đại hội lần thứ VIII và kỷ niệm 35 năm thành lập
Sau nhiều tháng chuẩn bị, sáng 26/11 tại Hà Nội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam long trọng tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2023-2028) và Kỷ niệm 35 năm thành lập Hội (26/11/1988-26/11/2023). Mở đầu là Chương trình văn nghệ kỷ niệm 35 năm thành lập với nhiều nội dung độc đáo hấp dẫn đã để lại dấu ấn sâu đậm. Tại đại hội, các đại biểu đã nghe báo cáo công tác hoạt động trong nhiệm kỳ 2018-2023 cùng nhiều báo cáo tham luận của các cơ quan đơn vị thành viên và nghe trình bày phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ mới (2023-2028). Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Ban lãnh đạo Hội nhiệm kỳ mới. TS. Nguyễn Ngọc Sinh được tín nhiệm tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028).
7. Tổng kết Chương trình vì môi trường xanh quốc gia 2023
Tối 18/11, tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội), Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan đã tổ chức Gala Tổng kết Chương trình vì môi trường xanh quốc gia 2023 và nhiều sự kiện trong khuôn khổ Chương trình. Chương trình “Vì môi trường xanh quốc gia” được tổ chức lần đầu vào năm 2012. Qua 11 năm tổ chức, chương trình đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều địa phương trên cả nước và sự ủng hộ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, phát huy vai trò nâng cao nhận thức cho cộng đồng về ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, làm nhịp cầu kết nối giữa các doanh nghiệp cùng chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học. Chương trình “Vì môi trường xanh quốc gia 2023” cũng là một trong những hoạt động quan trọng chào mừng Kỷ niệm 35 năm và Đại hội lần thứ VIII của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.
8. Ra mắt sách “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”
Sáng 17/11/2023, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức ra mắt cuốn sách “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”. Sách có khổ 16x24 cm, 576 trang, gồm 7 Chương. Cuốn sách được xem là ‘công trình’ nghiên cứu, do nhóm các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam biên soạn, lãnh đạo Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam làm Chủ biên. Sách đề cập đến các vấn đề liên quan phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn. Sách gồm 7 Chương, cụ thể: Chương I: Phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn là xu hướng hợp thời đại. Chương II: Phát triển kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh suy thoái đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu. Chương III: Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam là giải pháp quan trọng góp phần chuyển đổi xanh và bảo vệ môi trường bền vững. Trong đó nêu ra 37 nội dung vấn đề, trong đó giới thiệu 11 mô hình kinh tế xanh, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Chương IV: Những mô hình phát triển kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn trên thế giới, thực tiễn áp dụng tại Việt Nam, gồm các chủ trương và mô hình cụ thể trong nước và trên thế giới. Chương V: Doanh nghiệp Việt Nam đi đâu trong phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Chương VI: Cơ chế và chính sách khuyến khích phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn. Chương VII: Nâng cao năng lực cho cộng đồng trong phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và xây dựng lối sống xanh.
9. Quần thể cây cổ thụ ở Bình Phước được công nhận Cây Di sản Việt Nam
Quần thể 162 cây cổ thụ tại tiểu khu 379, huyện Đồng Phú (Bình Phước) được công nhận là quần thể Cây Di sản của Việt Nam. Theo đó, sáng 9/12, tại tiểu khu 379 rừng Mã Đà (xã Tân Hòa), UBND huyện Đồng Phú tổ chức Lễ công nhận quần thể 162 Cây Di sản Việt Nam. Sự kiện có ý nghĩa lan tỏa tinh thần trách nhiệm, ý thức bảo vệ rừng, bảo tồn di sản đến các tầng lớp nhân dân cũng như ghi nhận những đóng góp của các cá nhân, tổ chức, những cựu chiến binh đã có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ rừng. Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền khẳng định: “Quần thể 162 cây cổ thụ tại tiểu khu 379, huyện Đồng Phú được công nhận là quần thể Cây Di sản của Việt Nam không những làm tôn thêm giá trị lịch sử, văn hóa vốn có của nó, mà còn mang ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và góp phần bảo vệ cảnh quan môi trường tại khu vực rừng Mã Đà, đóng góp vào công tác bảo tồn và bảo vệ quần thể Cây Di sản chung của cả nước”. Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam Trần Văn Miều cho biết, việc công nhận quần thể Cây Di sản tại tiểu khu 379 rừng Mã Đà là một hành trình hơn 14 năm nghiên cứu, đánh giá và xét duyệt hồ sơ từ hàng chục ngàn cây cổ thụ tại đây.
10. Hội thảo quốc tế “Đánh giá tác động môi trường và quản lý xung đột”
Ngày 19/12 tại TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Đánh giá tác động môi trường Hàn Quốc tổ chức Hội thảo “Đánh giá tác động và Quản lý xung đột”. Gần 10 báo cáo liên quan đến đánh giá tác động môi trường đã được các chuyên gia, nhà khoa học trình bày, trong đó nêu rõ tính cấp bách cần nhanh chóng tiếp cận và cập nhật các quy định pháp luật về quản lý xung đột trong điều kiện luật pháp môi trường liên tục được hoàn thiện.
Đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư được xem là một trong những công cụ quản lý môi trường hiệu quả. Luật Bảo vệ môi trường có nhiều quy định mới đối với đánh giá tác động môi trường và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Các nội dung, yêu cầu về bảo vệ môi trường của dự án kèm theo Quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường rất toàn diện, chi tiết và cụ thể, trong đó có việc phải thể hiện rõ các nguồn phát sinh chất thải, tính chất và lưu lượng của nước thải, khí thải, tính chất và khối lượng của chất thải rắn, chất thải nguy hại và các tác động không liên quan đến chất thải khác. Các công trình và biện pháp bảo vệ môi trường của dự án cũng được yêu cầu thể hiện rõ các hạng mục công trình xử lý, công nghệ xử lý, lưu giữ tương ứng. Để có thể đưa ra được quyết định phê duyệt kết quả thẩm định với yêu cầu nội dung như trên, cần thiết phải dựa trên báo cáo đánh giá tác động môi trường có chất lượng tốt.
NHÓM PHÓNG VIÊN (thực hiện)
Bình luận