Hotline: 0941068156
Thứ năm, 12/09/2024 12:09
Chủ nhật, 01/09/2024 06:09
TMO - Từ lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, tỉnh Yên Bái sẽ khuyến khích nhân dân trong vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp chuyển đổi diện tích cây trồng không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp sang trồng cây dược liệu; xây dựng đề án thí điểm trồng được liệu dưới tán rừng tại một số diện tích rừng tự nhiên ở các địa phương.
Yên Bái nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, điều kiện khí hậu đa dạng chia thành 5 tiểu vùng khí hậu thích hợp cho phát triển các động, thực vật từ vùng nhiệt đới đến vùng ôn đới. Nhờ vậy, trên địa bàn tỉnh có nhiều loại cây dược liệu quý với số lượng hàng trăm loài, nhiều loài quý hiếm có giá trị y dược rất cao như các loài sâm, thất diệp nhất chi hoa, cây bình vôi, chè dây…
Để phát triển cây dược liệu trở thành hàng hóa có khối lượng lớn, giá trị cao, thời gian qua, tỉnh đã ban hành một số chủ trương, chính sách như: Đề án phát triển cây sơn tra tại hai huyện Trạm Tấu và huyện Mù Cang Chải giai đoạn 2016 - 2020; Đề án phát triển quế tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2020; ưu tiên phát triển 14 chủng loại cây dược liệu quý hiếm, phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng vùng núi cao; phát triển cây dược liệu gắn liền với phát triển và bảo vệ rừng để nâng cao thu nhập cho người dân...
Cùng với đó, tỉnh hỗ trợ đầu tư cho khoa học, công nghệ, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đầu tư, thâm canh tăng năng suất đối với những loài cây dược liệu có giá trị kinh tế cao như: Lá khôi, đinh lăng, ba kích; khuyến khích trồng bổ sung, cải tạo, thay thế diện tích cây dược liệu hàng năm, cây lâu năm đã thu hoạch để duy trì ổn định diện tích, sản lượng.
Ngoài ra, địa phương này chủ động mời gọi các doanh nghiệp chế biến dược phẩm, các đơn vị nghiên cứu chuyên sâu về dược liệu, các nhà khoa học trong, ngoài nước thông qua liên kết kinh tế và các chương trình khuyến nông, các dự án khoa học, công nghệ của các bộ, ngành trung ương để phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Hiện toàn tỉnh có khoảng trên 4.058 ha cây dược liệu, sản lượng đạt 11.000 tấn, trong đó dược liệu khai thác tự nhiên khoảng 98 ha, sản lượng 130 tấn; dược liệu được gieo trồng 3.960 ha, sản lượng ước đạt 10.870 tấn.
Dược liệu trồng đã được hỗ trợ từ các nguồn chính sách, các hộ nông dân và doanh nghiệp đầu tư sản xuất. Các loài cây dược liệu có thế mạnh phát triển trên địa bàn tỉnh như: quế, hoài sơn, khôi nhung, sâm cau, cát sâm, sơn tra... Ngoài ra, quế và sơn tra là cây trồng chủ lực của tỉnh được sử dụng với số lượng lớn làm nguyên liệu dược liệu. Đến nay, toàn tỉnh có 82.700 ha quế, sản lượng khai thác hàng năm trên 20.000 tấn vỏ; sơn tra khoảng 10.000 ha, sản lượng khoảng 5.000 tấn, tập trung tại huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải.
Là địa phương có thể mạnh về phát triển lâm nghiệp đồng thời đất đai và khí hậu của Yên Bình cũng phù hợp với nhiều loài dược liệu. Hiện toàn huyện Yên Bình có trên 100ha cây dược liệu được trồng tập trung tại các xã Xuân Long, Ngọc Chấn, Cảm Nhân, Mỹ Gia, Bạch Hà… với một số loài chủ yếu như trà hoa vàng, cát sâm, khôi nhung, thiên niên kiện, bách bộ… Chính quyền huyện xác định phát triển cây dược liệu dưới tán rừng là hướng đi phù hợp, mang lại đa lợi ích về kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh từng vùng, đảm bảo tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững cho người dân, nhất là ở vùng đồi núi dốc trước đây chủ yếu trồng rừng gỗ nguyên liệu.
Cây dược liệu khôi nhung đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho hộ dân trên địa bàn xã Xuân Long, huyện Yên Bình.
Tại thôn 7, xã Xuân Long (huyện Yên Bình) gia đình anh Vũ Quyết Thắng là hộ tiên phong đưa cây trà hoa vàng và cây khôi nhung về trồng dưới tán rừng. Anh Thắng cho biết: Nếu chăm sóc tốt, cây khôi nhung 1 năm đã cho thu hoạch, còn trà hoa vàng sau 3 năm trồng sẽ bắt đầu cho hoa. Trung bình mỗi vụ, 1 gốc trà cho khoảng 1 kg hoa, nụ tươi và cây càng lâu năm thì hoa càng nhiều. Với 2 ha trồng trà hoa vàng và khôi nhung, mỗi năm gia đình anh Thắng thu 10 kg hoa trà khô và cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng; lá trà thu được từ 50 - 100 triệu đồng; cây khôi nhung cho thu trên 150 triệu đồng/ha.
Thành công của mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng của Thắng là động lực để nhiều hộ dân ở Xuân Long học tập làm theo. Để giúp cho các hộ dân trồng dược liệu ở địa phương có điều kiện được tiếp cận với khoa học kỹ thuật và chủ động đầu ra ổn định cho sản phẩm dược liệu của địa phương. Anh Thắng đã đứng ra thành Hợp tác xã (HTX) Dược liệu Bình An với 7 thành viên. Các thành viên đã liên kết sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế dưới tán rừng và hiện nay, HTX đã phát triển lên 30 thành viên Hiện toàn xã có khoảng hơn 30ha khôi nhung và 10ha trà hoa vàng được trồng trong vườn hoặc dưới tán cây lâm nghiệp.
Tận dụng điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu tại khu vực đèo Lũng Lô, Hợp tác xã (HTX) Lũng Lô, huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) đã trồng 15 ha cây dược liệu như: đương quy, hoài sơn, sâm bố chính và một số loại cây dược liệu khác. Phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu, đất đai nên các loại cây dược liệu này phát triển tốt, ít sâu bệnh. Theo đánh giá của HTX Lũng Lô, các loại cây dược liệu như hoài sơn có thể cho thu hoạch sau một năm, đương quy thì sau hai năm để đảm bảo dược chất, các loại sâm có thể cho thu hoạch sau 5 năm.
Huyện Văn Chấn là địa phương có diện tích cây dược liệu lớn với tổng diện tích trên 790 ha. Thời gian qua, tuỳ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, khả năng thích ứng cũng như yêu cầu sinh thái, các xã trên địa bàn huyện đã tạo nên các vùng cây dược liệu khác nhau. Huyện phấn đấu đến năm 2025 sẽ có trên 1.000 ha cây dược liệu các loại, tập trung vào một số loại chính như: thảo quả, ba kích, hoài sơn, cà gai leo, đương quy...
Tỉnh Yên Bái xây dựng các mô hình cây dược liệu theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ.
Bên cạnh việc khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng cây dược liệu, các hợp tác xã, doanh nghiệp cũng chủ động liên kết với người dân để xây dựng các mô hình cây dược liệu theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ, trong đó phải kể đến mô hình trồng cà gai leo tại huyện Văn Yên và huyện Yên Bình; đương quy, hoài sơn, sâm bố chính tại huyện Văn Chấn; thảo quả, sơn tra tại huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Trên địa bàn tỉnh cũng có 20 cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh các sản phẩm của cây dược liệu. Cùng với đó, bắt nguồn từ các bài thuốc gia truyền với sự đa dạng về nguồn cây thuốc tại địa phương, một số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã sản xuất được sản phẩm đạt chuẩn OCOP góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên và người nông dân.
Thời gian tới, tỉnh sẽ khuyến khích nhân dân có diện tích đất trong vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp chuyển đổi diện tích cây trồng không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp sang trồng cây dược liệu; xây dựng đề án thí điểm trồng được liệu dưới tán rừng tại một số diện tích rừng tự nhiên ở các địa phương có tiềm năng, thế mạnh; quản lý chặt chẽ nguồn cung ứng đầu vào cho sản xuất cây dược liệu để xây dựng các vùng sản xuất cây dược liệu tập trung đạt tiêu chuẩn, chất lượng.
Đồng thời, xây dựng các chuỗi giá trị dược liệu, cơ chế hợp tác, gắn bó giữa nông dân, nhà khoa học, chính quyền và doanh nghiệp trong chuyển giao giống, kỹ thuật trồng trọt, thu hái và thu mua, sản xuất, chế biến dược liệu trong tỉnh; đẩy mạnh triển khai các chính sách của Nhà nước và của tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia liên kết chuỗi giá trị trong ngành dược tại địa phương; hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết và mở rộng thị trường tiêu thụ cây dược liệu trên địa bàn trong và ngoài tỉnh; xây dựng các điểm thu gom, sơ chế và bảo quản sản phẩm cây dược liệu.../.
Vũ Long
Bình luận