Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 22:11
Thứ hai, 23/09/2024 14:09
TMO - Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 8 năm nay, xuất khẩu tôm ghi nhận tăng trưởng ở hầu hết các thị trường tiêu thụ chính.
Cụ thể, tháng 8/2024 xuất khẩu tôm đạt 404 triệu USD, tăng 20% so với tháng 8/2023. Xuất khẩu tôm tiếp tục ghi nhận giá trị cao nhất kể từ đầu năm và ghi nhận mức tăng trưởng tốt nhất kể từ tháng 2 năm nay. Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt hơn 2,4 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại thị trường Mỹ, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ tăng 21% đạt 91 triệu USD trong tháng 8. Lũy kế 8 tháng, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 482 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu tăng cao nhờ lượng hàng tồn kho giảm và kỳ vọng vào mùa lễ hội cuối năm. Thông tin tích cực về nền kinh tế Mỹ cũng phần nào giúp xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ khả quan hơn.
Tháng 8 năm nay, xuất khẩu tôm ghi nhận tăng trưởng ở hầu hết các thị trường tiêu thụ chính. Ảnh: NT.
Đối với Trung Quốc và Hồng Kông, thị trường này cũng ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 8 tháng, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 477 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc tăng trở lại nhờ nhu cầu nhập khẩu từ thị trường này tăng. Bên cạnh đó, Ecuador (đối thủ cạnh tranh chính của tôm Việt Nam tại thị trường Trung Quốc) phải đối mặt với kiểm tra gắt gao từ Trung Quốc và có một số lô hàng đã bị từ chối trong tháng 6 dư lượng sodium metabisulfite. Điều này ảnh hưởng tới xuất khẩu tôm Ecuador sang Trung Quốc.
Thống kê của VASEP cho thấy, trong tuần thứ 2 của tháng 9/2024, giá tôm chân trắng ướp lạnh nguyên con tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2023. So với đầu tháng 8/ 2024, giá tôm 30 con và 40 con tăng khoảng 40%. Tôm cỡ nhỏ hơn tăng 13% - 19% so với mức đầu tháng 8. Đồng thời, giá xuất khẩu tôm chân trắng sang Mỹ có xu hướng tăng kể từ tháng 2 năm nay. Giá xuất khẩu tôm chân trắng sang thị trường Nhật dự kiến cũng tăng do các sản phẩm giá trị gia tăng, chế biến sẵn của Việt Nam vẫn được ưa chuộng, và đồng yên tăng giá.
Trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động, VASEP khuyến cáo các doanh nghiệp thủy sản cần tiếp tục duy trì chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dụng tối đa các cơ hội từ các chương trình thương mại và đấu thầu quốc tế. Đồng thời, các doanh nghiệp cần nỗ lực cải thiện chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm thị trường mới và thích ứng với biến động của thị trường. Ngoài ra, ngành tôm cần sự chung tay của các cơ quan quản lý và toàn chuỗi để bảo đảm được nguồn nguyên liệu dịp cuối năm phục vụ cho chế biến, xuất khẩu.
Biến động thị trường tiêu dùng, cùng với các diễn biến chính trị thế giới đã tác động đến hoạt động sản xuất và tiêu dùng tôm Việt Nam. Tính đến thời điểm này, con tôm Việt Nam đã thâm nhập vào 103 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong các thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam, đứng đầu là thị trường Trung Quốc, tiếp đó là thị trường Mỹ, kế đến là thị trường Nhật Bản.
Việt Nam đang đối mặt với nhiều cạnh tranh từ các quốc gia khác như Ecuador, Ấn Độ, Indonesia trên thị trường Mỹ, như nguồn cung tôm quốc tế dư thừa từ Ấn Độ, Ecuador đẩy mạnh sản xuất. Để ngành hàng tôm Việt Nam có được lợi thế cạnh tranh, các chuyên gia ngành hàng tôm cũng có nhiều chiến lược phát triển con tôm cùng với những địa phương nuôi tôm nguyên liệu trong nước.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, xuất khẩu thủy sản tháng 8 tiếp tục đà hồi phục với mức tăng trưởng 20%, đạt gần 953 triệu USD. Lũy kế 8 tháng, xuất khẩu thủy sản mang về gần 6,3 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Với việc duy trì tăng trưởng tích cực trong những tháng gần đây, xuất khẩu thủy sản đang kỳ vọng sẽ tăng tốc trong những tháng cuối năm và về đích ở mức 9,5 tỷ USD.
Khánh Ly
Bình luận