Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 23/02/2025 12:02
Thứ bảy, 19/02/2022 19:02
TMO - Những tháng đầu năm ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các doanh nghiệp xuất khẩu tôm bắt nhịp thị trường trong bối cảnh các đối thủ của Việt Nam trong năm qua cũng có sự tiến bộ vượt bậc.
Vùng ĐBSCL có diện tích nuôi tôm nước lợ rộng lớn. Khu vực này chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, khiến cho thủy sản xuất khẩu đứt gãy khâu vận chuyển, cước phí vận tải biển tăng cao. Hoạt động sản xuất giảm do phải thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch…
Tuy nhiên, với việc triển khai đồng bộ các phương án thích ứng với tình hình dịch bệnh, nhiều vùng nuôi tôm vẫn đảm bảo an toàn, kiểm soát và hạ thấp được tỷ lệ dịch bệnh. Sản lượng tôm nuôi, kim ngạch xuất khẩu thủy sản, nhất là mặt hàng tôm ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Ca Mau…về đích đạt chỉ số tăng trưởng cao.
Hiện nay, một số vùng nuôi tôm ven biển ở ĐBSCL đang chuẩn bị vào vụ nuôi tôm mới 2022. Các doanh nghiệp cho rằng, thị trường năm 2022 nhìn chung vẫn phụ thuộc vào tình hình dịch Covid-19. Nếu dịch giảm, hoạt động du lịch, dịch vụ tăng lên, người tiêu dùng đi nhà hàng, khách sạn nhiều, cùng song hành là mảng bán lẻ vẫn duy trì. Do đó mức tiêu thụ mặt hàng hải sản này sẽ tăng.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, hiện tại các nước đối thủ của tôm Việt Nam đã mạnh lên rất nhiều. Có thể kể đến sự phát triển của đất nước Ecuado, trong suốt năm 2021 hầu như không bị ảnh hưởng bởi Covid-19, còn Ấn Độ lúc đầu và giữa năm 2021 bị ảnh hưởng Covid mạnh nhưng đến cuối năm đã ổn định. Đặc biệt hơn, sản lượng tôm cả năm 2021 của Ấn Độ vẫn không giảm, đạt gần 1 triệu tấn, còn Ecuado tăng và chạm mốc 1 triệu tấn tôm. Tôm Việt Nam năm 2021 cũng đạt khoảng 930.000 tấn.
Theo phân tích từ các chuyên gia kinh tế, tôm Ấn Độ và Ecuado rất rẻ do giá thành nuôi của họ thấp. Ngoài ra, các nước này còn một sách lược để tăng trưởng, như: Ấn Độ năm 2015 đề ra mục tiêu tăng tỷ lệ tôm chế biến so với tôm Block và họ đã mua hơn 1.000 bộ cấp đông IQF của Việt Nam nên họ bắt đầu chiếm lĩnh dẫn phân khúc tôm IQF tươi ở Mỹ, cao điểm có năm lên đến 44% thị phần.
Hiện Ấn Độ đang tiến thêm bước thứ hai để chinh phục thị trường Nhật Bản bằng sản phẩm tôm luộc – tôm hấp chín cấp đông rời (do không cạnh tranh lại với tôm Nobashi, tôm bột của Việt Nam). Ecuado nuôi với mật độ chỉ 10 con/m2, nhưng nhờ diện tích lớn nên sản lượng tôm của họ vẫn đạt 1 triệu tấn vào năm 2021.
Trước nay, Ecuado chỉ bán tôm nguyên con cho Trung Quốc và Mỹ. Nhưng thị trường Mỹ người tiêu dùng ít ưa chuộng mặt hàng tôm nguyên con. Thời gian qua nhờ nhập khẩu lao động từ các nước lân cận nên quốc gia bắt đầu chế biến tôm lặt đầu, cấp đông rời, nên thị phần của họ tại Mỹ cũng bắt đầu tăng lên.
Tuy vậy, các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến lợi thế cạnh tranh của tôm Việt Nam không phải là không có. Theo đó, hiện Việt Nam đang ở trình độ chế biến cao hơn, chẳng hạn như tôm luộc chỉ có Việt Nam và Thái Lan làm được nhưng Thái Lan hiện giảm mạnh do thiếu hụt lao động và họ không còn coi trọng ngành tôm.
Còn ở châu Âu, Thái Lan mất ưu đãi thuế quan nên Việt Nam vẫn chiếm lĩnh phân khúc thị trường cao cấp. Tương tự, ở Nhật cũng vậy nên Việt Nam có điều kiện mua tôm nguyên liệu giá cao, nên dù giá thành nuôi còn cao nhưng người nuôi vẫn còn có lãi.
Tuy nhiên, trước mắt, tôm Việt Nam xuất vào thị trường Anh vẫn thực hiện theo EVFTA. Thị trường Nhật có cạnh tranh nhưng không lớn do Việt Nam đang dẫn đầu thị trường này và ngày càng bỏ xa 2 đối thụ chính là hai nước nuôi tôm trong khu vực. Mặc dù không có cạnh tranh lớn với các nước nhưng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước là không ít.
Mỗi năm thị trường mỗi khác, nên các doanh nghiệp phải chủ động, năng động tìm thế mạnh của mình để giữ vững thị trường. Có thể nói thời cơ của ngành tôm vẫn có, kể cả trong tình hình khó khăn. Vì hơn hết, ngành hàng tôm Việt Nam đã được Chính phủ ưu ái với chương trình quốc gia đến năm 2025, chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Đồng thời, điều kiện biến đổi khí hậu, trong đó ĐBSCL là 4 điểm chịu tác động nặng nhất thế giới, nhưng điều này mở ra cơ hội giúp tăng diện tích nuôi tôm dễ dàng. Bên cạnh đó, tâm lý người lao động sau đợt dịch vừa qua phần nhiều muốn tìm việc làm tại quê nhà nên các nhà máy chế biến tôm cũng thuận lợi hơn trong việc tuyển dụng lao động.
Phạm Loan
Bình luận