Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 12:11
Thứ tư, 23/03/2022 21:03
TMO - Nhu cầu thị trường lớn, cùng với tác động tích cực của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA), tạo điều kiện cho xuất khẩu thủy sản của doanh nghiệp Việt qua thị trường Anh có nhiều cơ hội bứt phá.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong hai tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang thị trường Anh đạt gần 44 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó riêng mặt hàng tôm chiếm 76% với 33,5 triệu USD, tăng 55%. Đặc biệt, xuất khẩu tôm sú sang thị trường Anh tăng đột phá, gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Hiện nay, Việt Nam đang là nguồn cung cấp thủy sản lớn thứ 4 cho thị trường Anh, chiếm 7% thị phần, đứng sau Na Uy và Iceland - 2 quốc gia có thế mạnh về cung cấp cá thịt trắng. Năm 2021, thị trường Anh đứng thứ 5 trong số các thị trường đơn lẻ nhập khẩu thủy sản Việt Nam, chiếm 3,6%, với giá trị 316 triệu USD, giảm 8,3%.
Theo các chuyên gia tại Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nguyên nhân xuất khẩu sang Anh giảm là do trong năm 2021 dịch Covid-19 khiến cho cước vận tải biển tăng cao khiến cho việc xuất khẩu của doanh nghiệp chậm lại. Ngoài yếu tố chi phí vận chuyển tăng, tôm Việt Nam cũng bị áp lực cạnh tranh khốc liệt với tôm Ấn Độ tại thị trường Anh vì giá tôm Ấn Độ thấp hơn, nhất là tôm cỡ nhỏ phù hợp bán lẻ trong bối cảnh Covid.
Tuy nhiên, bước sang năm 2022, từ tháng 1, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đã hồi phục mạnh mẽ, tăng 45%, sang tháng 2 tiếp tục tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Hai tháng đầu năm nay, riêng tôm chân trắng chiếm 69% giá trị xuất khẩu thủy sản sang Anh với 30,4 triệu USD, tăng 54%. Tôm sú chỉ chiếm 2,7% nhưng so với cùng kỳ năm trước tăng gấp 6 lần cho thấy tín hiệu rất lạc quan đối với mặt hàng này tại thị trường Anh.
Xuất khẩu thủy sản sang thị trường Anh có nhiều tín hiệu tích cực
Ngoài ra, mặt hàng cá tra chiếm 16,4% xuất khẩu sang Anh với 7,2 triệu USD, tăng nhẹ 4%. Xuất khẩu cá ngừ và các loại cá biển khác sang Anh tiếp tục giảm trong 2 tháng qua, giảm lần lượt 44% và 24% so với cùng kỳ năm trước.
Các chuyên gia VASEP phân tích, do tình hình xung đột Nga - Ukraine căng thẳng và hệ thống bán lẻ tại Anh đã có động thái tẩy chay sản phẩm thủy sản từ Nga. Các siêu thị bán lẻ Asda và Wm Morrison đang loại bỏ một số sản phẩm cá của Nga khỏi kệ bán hàng. Từ đây, Việt Nam có cơ hội tăng thị phần tại thị trường này trong những tháng tới.
Thêm vào đó, Hiệp định UKVFTA có hiệu lực từ cuối năm 2020 với những ưu đãi về thuế quan cũng đang tạo lợi thế cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam so với các đối thủ khác. Những điều kiện trên đã mở ra những cơ hội để gia tăng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tại quốc gia này.
Khánh Nam
Bình luận