Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 22:01
Chủ nhật, 27/02/2022 17:02
TMO - Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho biết, từ đầu năm đến 15/2, cả nước xuất khẩu 647.763 tấn gạo, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch gần 314 triệu USD, tăng 19,6%.
Về thị trường xuất khẩu, tính đến hết tháng 1, Philippines tiếp tục là thị trường dẫn đầu với 234.050 tấn, kim ngạch 110 triệu USD. Các thị trường lớn khác như: Bờ Biển Ngà 59.675 tấn, kim ngạch 23,4 triệu USD; Trung Quốc 37.000 tấn, kim ngạch gần 19 triệu USD; Malaysia 34.925 tấn, kim ngạch 16 triệu USD…
Ảnh minh họa
Gạo xuất khẩu tăng do Trung Quốc mở cửa khẩu trở lại. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường tiêu thụ gạo truyền thống của Việt Nam như Philippines, Malaysia, Mỹ, châu Phi, Hàn Quốc... bắt đầu cao. Xuất khẩu gạo đang có nhiều cơ hội trong năm 2022 khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc có hiệu lực càng mở ra cơ hội cho gạo Việt thâm nhập vào thị trường này.
Ngoài ra, xuất khẩu gạo sang châu Âu dự báo sẽ tăng mạnh trong năm nay nhờ Hiệp định thương mại tự do (EVFTA). Theo EVFTA, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch xuất khẩu 80.000 tấn gạo/năm và tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm. Xuất khẩu gạo hứa hẹn sẽ có một năm tăng trưởng về lượng và chất nếu doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt được thời cơ này.
Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu hơn 6,2 triệu tấn gạo, tổng kim ngạch đạt gần 3,3 tỷ USD. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 vẫn bảo đảm đạt từ 6 - 6,2 triệu tấn, tương đương năm 2020 và 2021. Dù lượng không có sự đột phá, song giá trị xuất khẩu gạo đang ngày một tăng cao và dần khẳng định vị thế trên thị trường thế giới.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu 50.000 ha lúa tại An Giang và Kiên Giang đạt quy chuẩn xuất khẩu được cấp mã số vùng trồng và gắn với doanh nghiệp tiêu thụ.
Thanh Nga
Bình luận