Hotline: 0941068156
Thứ hai, 02/12/2024 22:12
Chủ nhật, 24/11/2024 04:11
TMO - Trải qua bao biến thiên của thời gian, nhưng những làng nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi trên vùng đất xứ Thanh vẫn luôn được người dân giữ gìn và phát triển.
Theo các tài liệu để lại, nghề đúc đồng gắn với truyền thuyết về Thánh Sư Không Lộ Nguyễn Minh Không - vị tổ sư của nghề đúc đồng ở nước ta (thời Lý). Sau khi từ phương Bắc trở về, ngài cùng hai đồ đệ họ Vũ chu du khắp cả nước tìm đất tốt làm khuôn đúc đồng. Khi đến vùng đất Trà Sơn Trang (làng Trà Đông ngày nay) thì tìm được đất làm khuôn ưng ý, đem về Lam Trúc Sơn (Hà Nội) để đúc bộ tứ khí. Nhận thấy Trà Đông là vùng đất tốt, hai học trò họ Vũ của Thánh Sư Không Lộ đã quay trở lại đây mở lò đúc đồng, truyền dạy nghề cho người dân.
Là một trong những người tiên phong trong việc khôi phục nghề đúc đồng truyền thống ở Thanh Hóa, nghệ nhân Lê Văn Bảy, làng Trà Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, chia sẻ: Chẳng biết, nghề đúc đồng có từ bao giờ. Nhưng từ khi còn nhỏ, tôi đã thấy ông bà, bố mẹ gắn bó với nghề này rồi. Nghề đúc đồng tưởng dễ mà khó vô cùng.
Nghệ nhân Lê Văn Bảy, làng Trà Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa (tỉnh Thanh Hoá) là một trong những người tiên phong trong việc khôi phục nghề đúc đồng truyền thống ở xứ Thanh.
Bởi, để đúc được sản phẩm theo kiểu dáng mà khách hàng đã đặt, ngoài nguyên liệu gồm các loại đồng (đồng thau, đồng chuông, đồng máy, đồng nát...) người thợ phải tìm loại đất sét có đủ độ rắn nhằm tạo ra khuôn mẫu. Việc tạo ra khuôn mẫu này đòi hỏi người thợ phải cần cù, chịu khó, tỉ mỉ đến từng chi tiết... Và kỹ thuật đúc đồng chính là yếu tố quyết định đến thành công của sản phẩm.
Theo như những người làm nghề ở đây, với bất cứ nghề nào cũng có thể “học mót”, nhưng riêng đúc đồng, nếu không được truyền nghề thì rất khó để làm ra sản phẩm tốt. Vì vậy, ở Thiệu Trung ngày nay dù có nhiều thôn, làng nhưng vẫn chỉ có duy nhất người dân làng Trà Đông làm và sống được với nghề.
Bên cạnh đó, nằm ở bên bờ sông Chu, làng Đắc Châu (hay còn gọi là làng Chòm), xã Thiệu Châu, nay là xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa, từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm bánh đa với lịch sử hàng trăm năm tuổi. Đây là làng nghề có tuổi đời “xưa nay hiếm” bởi những sản phẩm nơi đây đã được người dân làng Chòm tạo ra từ nhiều đời nay. Đến đây, du khách không khỏi choáng ngợp bởi hình ảnh những chiếc bánh đa trắng tròn, trải đều tăm tắp trước hiên nhà, ngoài ngõ hay dọc triền đê...
Đến với làng Chòm, xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa du khách không khỏi choáng ngợp bởi hình ảnh những chiếc bánh đa trắng tròn, trải đều tăm tắp trước hiên nhà, ngoài ngõ hay dọc triền đê...
Chị Phùng Thị Thu, thôn Đắc Châu 1, cho biết: Tôi cũng chẳng biết nghề có từ bao giờ nhưng khi sinh ra tôi đã thấy ông bà, bố mẹ làm bánh rồi. Để có bánh đa ngon cần rất nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất vẫn là bột để tráng bánh. Bánh đa làng Chòm được làm theo phương pháp thủ công truyền thống và có phần cầu kỳ hơn các nơi khác. Nguyên liệu duy nhất để làm bánh là bột gạo với vừng, chỉ làm bằng bột gạo thì bánh đa sau khi quạt mới giữ được độ giòn và thơm lâu, không bị dai dù có để lâu.
Về làng Đắc Châu, không khó để tìm được những hộ gia đình có truyền thống làm bánh từ 3-4 đời. Không chỉ làm nghề kiếm kế sinh nhai, với họ, làm bánh đa còn là cách để giữ gìn mảnh hồn làng, giữ gìn những truyền thống tốt đẹp lâu đời của ông cha để lại.
Ít ai biết rằng, từ bao đời nay, giữa trung tâm TP.Thanh Hóa, nhưng những người dân ở làng hương Quán Giò, phường Trường Thi vẫn ngày ngày miệt mài giữ lửa làng nghề làm hương truyền thống mà ông cha đã gây dựng.
Hàng trăm năm nay, những người dân ở làng hương Quán Giò, phường Trường Thi, TP. Thanh Hóa vẫn ngày ngày miệt mài giữ lửa làng nghề truyền thống mà ông cha đã gây dựng.
Nghề làm hương nơi đây đã có từ lâu đời, trải qua bao thăng trầm, nhưng hương Quán Giò vẫn giữ được mùi thơm riêng từ chất lượng hương đến hình thức. Người làm hương ở đây trung thành theo phương pháp sản xuất thủ công truyền thống với những nguyên liệu hoàn toàn từ tự nhiên như: nhựa trám, bột cây bài, bột than đốt từ các loại thảo mộc… Chính vì vậy, hương Quán Giò vẫn giữ được mùi thơm mát, đặc trưng và được người tiêu dùng khắp nơi ưa chuộng.
Từ xa xưa, nghề rèn Tiến Lộc, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc đã nổi danh với rất nhiều sản phẩm mà ít nơi nào sánh được, như: dao, kéo, cày, bừa, cuốc, xẻng... Người dân nơi đây không nhớ rõ, nghề có từ khi nào, từ đời này qua đời khác, họ chỉ biết đến nghề thông qua lời kể của ông bà, cha mẹ.
Nghè rèn Tiến Lộc vẫn được lưu giữ tới ngày nay.
Ông Kiều Văn Viễn, làng nghề Tiến Lộc, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, bộc bạch: Kể từ khi còn nhỏ chúng tôi đã thấy dân làng làm nghề rèn. Với những người làm nghề này, họ không chỉ là một người thợ, mà còn là một nghệ nhân. Những sản phẩm được tạo ra bởi những đôi tay tài hoa, sự tỉ mỉ, mồ hôi, công sức của người thợ rèn. Tất cả chứa đựng đầy đủ những tinh hoa, nét đặc trưng của làng rèn truyền thống này. Chính vì thế, qua hàng trăm năm, sản phẩm từ nghề rèn xã Tiến Lộc đã có mặt ở hầu khắp địa phương trên cả nước. Và chúng tôi có nhiệm vụ phải kế thừa và lưu truyền những điều tốt đẹp mà ông cha đã gây dựng.
Hiện toàn tỉnh Thanh Hóa có 31 nghề truyền thống, 31 làng nghề và 61 làng nghề truyền thống đã được công nhận. Đã có 50 sản phẩm OCOP là sản phẩm của làng nghề, làng nghề truyền thống đạt 3 sao, 4 sao.
Hiện toàn tỉnh Thanh Hóa có 31 nghề truyền thống, 31 làng nghề và 61 làng nghề truyền thống đã được công nhận.
Việc công nhận nghề, làng nghề và làng nghề truyền thống đã góp phần khôi phục và phát triển được nhiều nghề truyền thống như: nghề thêu ren, dệt thổ cẩm, ủ rượu cần, mây tre đan… và phát triển nhanh các nghề mới gắn với quá trình công nghiệp hóa như: bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm, gây trồng sinh vật cảnh. Các làng nghề ngoài việc tạo thêm nhiều việc làm, sản phẩm có giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân, còn giữ vai trò quan trọng trong bảo tồn gìn giữ không gian, cảnh quan làng nghề, nét đẹp văn hóa truyền thống và có tiềm năng lớn phát triển du lịch, dịch vụ.
Tính đến hết 30/6/2024, tỉnh Thanh Hóa đã có 16 Nghệ nhân ưu tú, gồm các lĩnh vực: Đúc đồng thủ công truyền thống (09 nghệ nhân); điêu khắc (03 nghệ nhân); dệt, thêu thủ công và mây tre đan (04 nghệ nhân).
Dù có lúc thăng, lúc trầm, nhưng hàng trăm năm qua những làng nghề trên đất xứ Thanh vẫn được bảo tồn và phát triển. Cùng với tinh thần muốn giữ gìn những truyền thống tốt đẹp của ông cha để lại, những người dân nơi đây vẫn ngày ngày nỗ lực hồi sinh những nghề, làng nghề tưởng chừng như mai một.
Bài, ảnh: Hoài Thu
Bình luận