Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 12:01
Thứ sáu, 25/10/2024 07:10
TMO - Thời gian qua, tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển cây cà phê; hình thành được một số vùng sản xuất tập trung chuyên canh, ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ cà phê, với sự tham gia của các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp.
Hiện nay, tỉnh Sơn La có trên 21.000 ha cà phê, tập trung chủ yếu tại huyện Mai Sơn, Thuận Châu và TP.Sơn La, sản lượng ước đạt 35.000 - 45.000 tấn cà phê nhân/năm, trị giá 4.500 - 5.000 tỷ đồng. Hướng đến mục tiêu hình thành vùng chuyên canh cà phê đặc sản, chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu, tỉnh Sơn La vận động, khuyến khích nông dân đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Để nâng cao giá trị cây cà phê, những năm vừa qua, tỉnh Sơn La đã chủ trương sản xuất cà phê theo hướng xanh, sạch. Hiện nay, diện tích cà phê được cấp các chứng nhận bền vững (RA, 4C, VietGAP) và tương đương trên 19.100 ha; có trên 1.120 ha cà phê đặc sản; có 2 vùng sản xuất cà phê được UBND tỉnh Sơn La cấp quyết định vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao...
Mở rộng diện tích áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ, đến nay, tỉnh có trên 19.000 ha cà phê được cấp các chứng nhận; UBND tỉnh đã cấp quyết định vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao cho 2 vùng sản xuất cà phê trên địa bàn huyện Mai Sơn, quy mô 1.000 ha cà phê của 1.560 hộ gia đình. Sở Khoa học và Công nghệ đã cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Cà phê Sơn La” cho 7 doanh nghiệp, hợp tác xã và đã xuất khẩu đến 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Các vùng chuyên canh cà phê ngày càng được mở rộng, nâng cao chất lượng đáp ứng nguyên liệu cho chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh. Ảnh: BSL.
Mai Sơn là vùng sản xuất cà phê trọng điểm của tỉnh, với tổng diện tích 8.786 ha; trong đó, 99% là cà phê Arabica. Để duy trì, giữ vững thương hiệu “Cà phê Sơn La”, năm 2022, UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các đơn vị xây dựng thành công 2 vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao tại 18 bản thuộc 3 xã: Chiềng Ban, Chiềng Chung, Chiềng Dong, với tổng diện tích trên 1.000 ha của 1.560 hộ. Việc công nhận vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao là tiền đề quan trọng, tạo điều kiện phát triển kinh tế địa phương. Huyện Mai Sơn đang hướng dẫn các hộ trồng, sản xuất theo hướng hữu cơ, xây dựng cà phê thành đặc sản của địa phương.
Từ nhiều năm qua, cây cà phê đã và đang trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện Thuận Châu. Đến nay, huyện Thuận Châu có trên 6.400 ha cây cà phê; trong đó, hơn 5.200 ha cho thu hoạch, tập trung tại các xã: Bản Lầm, Bon Phặng, Muổi Nọi, Tông Cọ, Chiềng Pha, Chiềng Bôm... Niên vụ 2024-2025, sản lượng cà phê quả tươi toàn huyện ước đạt 30.000 tấn.
Phát triển vùng trồng cà phê đạt tiêu chuẩn, huyện Thuận Châu đang tiếp tục khuyến khích các hộ thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, chuyển giao khoa học công nghệ và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cà phê. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ cấp mã số vùng trồng sản phẩm cà phê cho người dân. Tăng cường tham gia các hoạt động quảng bá giới thiệu sản phẩm cà phê đến với người tiêu dùng.
Phát huy tiềm năng, nắm bắt thời cơ phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng cà phê, ngày 11/5/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 863-KL/TU về sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2030. Mục tiêu, giai đoạn 2023 - 2025, giá trị sản xuất cà phê chiếm 6-8% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt; đến năm 2025, toàn tỉnh tái canh 8.000 ha cà phê; phát triển 3.900 ha cà phê đặc sản; xuất khẩu 25.000 tấn cà phê nhân/năm.
Hiện thực hóa mục tiêu, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, tái canh cà phê già cỗi bằng giống cà phê THA1, TN1, TN2, TN6, TN7.
Đến nay, toàn tỉnh có trên 21.400 ha cà phê, tập trung tại huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Thành phố, sản lượng ước đạt 45.000 tấn cà phê nhân, trị giá 4.500 - 5.000 tỷ đồng. Cùng với đó, tỉnh Sơn La thành lập các HTX, tổ hợp tác; liên kết giữa doanh nghiệp, HTX với nông dân trong sản xuất, chế biến, kiểm soát chất lượng cà phê. Mở rộng diện tích áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ.
Ngành chức năng tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, tái canh cà phê già cỗi bằng giống cà phê THA1, TN1, TN2, TN6, TN7.
Những ngày này, sản phẩm cà phê Sơn La niên vụ năm 2024 đã bắt đầu bước vào vụ thu hoạch. Để chuẩn bị cho việc thu mua, chế biến cà phê niên vụ mới, các nhà máy sản xuất cà phê lớn trên địa bàn tỉnh đã đầu tư một số thiết bị chuyên sâu, gia tăng công suất hiện có. Hiện các cơ sở đảm bảo thu mua, sơ chế, chế biến 50% sản lượng cà phê quả tươi của tỉnh. Lượng còn lại được chế biến nhỏ, phân tán trong các hộ dân thông qua phương pháp chế biến ướt, nửa ướt, lên men, honey (mật ong).
Để nâng cao năng suất, chất lượng cà phê, thích ứng với các quy định sản xuất không gây mất rừng của Liên minh Châu Âu, thời gian tới, các sở, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân áp dụng canh tác bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế.
Đồng thời, đẩy mạnh tái canh, cải tạo cà phê và đưa các bộ giống có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, thu hái, sơ chế, chế biến, bảo quản theo chuỗi liên kết cà phê bền vững, an toàn, gắn với bảo vệ môi trường, góp phần giữ vững thương hiệu cà phê Sơn La và khẳng định vị thế cà phê Sơn La trên bản đồ cà phê thế giới.
Hồng Thắm
Bình luận