Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 13:11
Chủ nhật, 15/10/2023 06:10
TMO - Xác định logistics là một ngành kinh tế quan trọng, vừa trực tiếp tạo ra tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) và việc làm, vừa gián tiếp thúc đẩy kinh tế thông qua nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp, thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp để phát triển thành trung tâm điều hành logistics của miền Bắc.
Vùng Thủ đô ( khu vực liên kết phát triển kinh tế - xã hội gồm thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lân cận bao gồm: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên) được xác định sẽ trở thành vùng kinh tế tổng hợp lớn của Việt Nam. Đây là tiền đề và cũng là điều kiện quan trọng thúc đẩy phát triển logistics của vùng và kết nối trong và ngoài vùng. Trong đó, thành phố Hà Nội ưu tiên phát triển sản xuất công nghiệp công nghệ cao vào các loại dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, du lịch, logistics...
Sở Công Thương Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp logistics Hà Nội đã đáp ứng được 25% nhu cầu trong nước, 18% tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, còn lại do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện. Cụ thể, Hà Nội có khoảng 25.000 doanh nghiệp hoạt động logistics với các quy mô, cấp độ, loại hình, ngành nghề dịch vụ logistics khác nhau; khoảng 400 doanh nghiệp đang sử dụng gần 100ha đất để kinh doanh cho thuê kho, bãi tập kết sản phẩm, hàng hóa, nguyên vật liệu chờ cung ứng, phân phối, tiêu thụ; với các quy mô từ kho, bãi có diện tích nhỏ nhất là 60m2 đến kho, bãi có diện tích lớn nhất là 63.014m2.
Tuy nhiên, các kho, bãi này còn rất nhỏ lẻ, rời rạc, nằm rải rác trên địa bàn quận, huyện, thị xã thiếu sự gắn kết, hình thành một cách tự phát. Do vậy, quy mô đầu tư các kho, bãi này đơn giản; phần lớn là san nền phẳng và nhà kho sử dụng kết cấu lắp ghép khung thép có lợp mái tôn; một số ít kho, bãi có kho lạnh chuyên dụng để lưu trữ hàng thực phẩm đông lạnh.
Nhiều doanh nghiệp tham gia lĩnh vực logistics tại Hà Nội cho biết, dù đã có bước phát triển đáng kể nhưng điều kiện kinh doanh còn nhiều "điểm nghẽn" khiến chi phí tăng cao, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Theo đó, "điểm nghẽn" lớn nhất là ở hạ tầng logistics, hệ thống kho hàng, bến bãi trên địa bàn TP. Hà Nội vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết, thiếu chuyên dụng (như kho lạnh, kho bảo quản hàng hóa đặc biệt…).
Ngoài các kho bãi thường, trên địa bàn Hà Nội đang duy trì hệ thống kho, bãi container phục vụ hàng hóa xuất, nhập khẩu tại 2 cảng thông quan nội địa là Mỹ Đình và Gia Lâm, tuy nhiên phạm vi khai thác còn hạn chế, chủ yếu chỉ cung cấp dịch vụ vận tải đường bộ, cho thuê bãi và một số dịch vụ liên quan. Việc giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án phát triển trung tâm logistics gặp khó khăn.
Hà Nội cần đặt ra mục tiêu phát triển và hỗ trợ các hoạt động logistics nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất và thương mại, hình thành một hệ thống logistics hiện đại (Ảnh minh họa).
Theo các chuyên gia kinh tế, để thúc đẩy phát triển logictics, Hà Nội cần đặt ra mục tiêu phát triển và hỗ trợ các hoạt động logistics nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất và thương mại, hình thành một hệ thống logistics hiện đại và đóng góp ngày càng nhiều vào GRDP của thành phố. Phát triển kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ với kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, kết cấu hạ tầng thương mại-dịch vụ văn minh, hiện đại; đáp ứng nhu cầu luân chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, trung chuyển và nội địa; đưa Hà Nội trở thành một đầu mối logistics quan trọng của vùng, của cả nước và khu vực. Thúc đẩy doanh nghiệp dịch vụ logistics đổi mới, sáng tạo, cung ứng chuỗi dịch vụ logistics ở mức độ 3, mức độ 4, hướng đến mức độ 5, logistics điện tử trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp
Để phát triển lĩnh vực kinh tế quan trọng này, Sở Công thương Hà Nội cho biết, thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm logistics, trung tâm tiếp vận, hệ thống kho hàng hóa, đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn. Tăng cường áp dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong các dịch vụ logistics. Thành phố cũng sẽ tăng cường đào tạo nguồn nhân lực logistics, giúp lao động trong lĩnh vực này thích nghi với sự phát triển của hoạt động logistics toàn cầu. Cùng với đó, doanh nghiệp cần chuyển đổi nhận thức từ việc tự xây dựng hệ thống logistics riêng chuyển sang tăng cường thuê dịch vụ logistics ngoài để giảm chi phí cho doanh nghiệp và cả xã hội. Khi lĩnh vực logistics được tối ưu hóa sẽ tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và nền kinh tế Thủ đô.
Logistics là ngành dịch vụ hiện đại, phục vụ hoạt động vận tải, giao nhận và phân phối hàng hóa, đặc biệt đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu. Để ngành Logistics Hà Nội phát triển mạnh mẽ, tận dụng tối đa các cơ hội của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp logistics cần bắt tay hợp tác, phát huy tính năng động, sáng tạo; xây dựng giải pháp, chiến lược trước mắt và lâu dài. Theo đó, Hà Nội quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng tăng cường kết nối các phương thức vận tải trên địa bàn. Về môi trường đầu tư, Thành phố cần công bố danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực logistics, danh mục các dự án đã cấp chủ trương đầu tư và tiến độ thực hiện các dự án logistics đang triển khai.
Đồng thời, thành phố cần dành không gian phát triển logistics trên địa bàn. Thực tế tại Hà Nội hiện có nhiều khu, cụm công nghiệp vừa và nhỏ đã được xây dựng nhiều năm trước, quá trình đô thị hóa diễn ra đã đưa các khu, cụm công nghiệp này vào trong nội đô. Do đó, cần có chính sách ưu tiên chuyển đổi mục đích sử dụng quỹ đất công nghiệp này sang cho hoạt động logistics thay vì chuyển đổi sang đất ở nhằm đáp ứng nhu cầu của hoạt động logistics đô thị…
Bích Phương
Bình luận