Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 12:11
Thứ năm, 07/12/2023 14:12
TMO - Ngành Nông nghiệp tỉnh Tây Ninh xác định: Trong bối cảnh chăn nuôi tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học được xem là giải pháp để phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, mang lại “lợi ích kép” cho người chăn nuôi bởi vừa tiết kiệm chi phí lại góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh, đến nay, tỉnh có 580 trang trại chăn nuôi gia súc (gồm 128 trang trại chăn nuôi lợn tập trung với tổng đàn trên 238.000 con; 49 trang trại chăn nuôi trâu với 1.359 con; 403 trang trại chăn nuôi bò với trên 18.800 con) và 111 trang trại chăn nuôi gia cầm (79 trang trại gà với 7,2 triệu con; 32 trang trại vịt với 183.300 con). Cơ cấu chăn nuôi của tỉnh tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo phương thức công nghiệp. Đặc biệt, nhiều trang trại đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhất là tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi khép kín có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, chăn nuôi an toàn sinh học là việc thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, vệ sinh thú y nhằm ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm của mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào các cơ sở chăn nuôi và tiêu diệt mầm bệnh tồn tại ở bên trong; không để mầm bệnh lây lan giữa các khu vực chăn nuôi; và đây là giải pháp tối ưu để phát triển chăn nuôi bền vững. Tân Châu và Tân Biên là hai huyện có những kết quả nổi bật trong việc chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang trang trại. Qua thống kê, tại huyện Tân Châu, tổng đàn trang trại heo trên địa bàn gần 46.000 con, chiếm 87,7% tổng đàn lợn của huyện; tổng đàn trang trại gà trên 1,5 triệu con, chiếm 94% tổng đàn gà của huyện. Huyện Tân Biên có tổng đàn trang trại lợn trên 74.300 con, chiếm 95% tổng đàn lợn của huyện; tổng đàn trang trại gà trên 3 triệu con, chiếm 99% tổng đàn gà của huyện.
Nhiều trang trại trên địa bàn tỉnh đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhất là tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi khép kín.
Tại huyện Dương Minh Châu, địa phương có nhiều trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô lớn, cho thấy, nông dân tại đây đã đầu tư chuồng trại rất hiện đại, khép kín, bảo đảm vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Dương Minh Châu là huyện được chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà và 70 cơ sở chăn nuôi gà, lợn, bò được cấp giấy chứng nhận ATDB (50 cơ sở chăn nuôi gà, 18 cơ sở chăn nuôi lợn, 2 cơ sở chăn nuôi bò). Ngoài ra, 6 xã thuộc huyện Gò Dầu được chứng nhận cơ sở ATDB đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà; 9 xã của huyện Bến Cầu được chứng nhận cơ sở ATDB đối với bệnh lở mồm long móng trên bò.
Từ năm 2021, ngành chăn nuôi huyện Gò Dầu bắt đầu triển khai xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh tại các xã Cẩm Giang, Hiệp Thạnh, Phước Trạch. Đến nay, huyện có 6 nơi được công nhận là vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh là các xã Cẩm Giang, Hiệp Thạnh, Phước Trạch, Thạnh Đức, Phước Thạnh, thị trấn Gò Dầu. Trong năm 2023, huyện sẽ hoàn thành tiếp việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh tại các xã Thanh Phước, Phước Đông và Bàu Đồn. Những mô hình chăn nuôi an toàn sinh học luôn được khuyến khích và hỗ trợ vì phù hợp điều kiện sinh trưởng, phát triển của vật nuôi, chủ động kiểm soát vật nuôi, giảm phát sinh dịch bệnh, giảm rủi ro trong chăn nuôi, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, trong thời gian tới, đơn vị triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2030. Đến năm 2025, tỉnh sẽ có 3 vùng cấp huyện (Tân Biên, Tân Châu, Gò Dầu) đạt ATDB theo quy định của Việt Nam; 1 vùng cấp huyện (Dương Minh Châu) đạt ATDB theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (WOAH) đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle; 1 vùng cấp huyện (Bến Cầu) đạt ATDB đối với bệnh lở mồm long móng trên bò theo quy định của Việt Nam.
Đến năm 2030, các vùng đã đạt ATDB tiếp tục được duy trì; có 5 vùng cấp huyện (thành phố Tây Ninh, thị xã Hoà Thành, thị xã Trảng Bàng, huyện Bến Cầu, huyện Châu Thành) đạt ATDB theo quy định của Việt Nam; 2 vùng cấp huyện (Tân Biên, Tân Châu) đạt ATDB theo quy định của WOAH đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle; 1 vùng cấp huyện (Bến Cầu) đạt ATDB đối với lở mồm long móng trên bò theo quy định của WOAH.
Ngành chức năng tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi ATSH. Ảnh: BTN.
Hiện nay, trong bối cảnh dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp, thì chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp hữu hiệu nhất giúp người chăn nuôi chủ động khống chế hiệu quả dịch bệnh, hạn chế rủi ro. Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học không đòi hỏi khắt khe như tiêu chuẩn VietGAP, nhưng người dân phải đảm bảo yêu cầu có tính đồng bộ; nhất là công tác bảo vệ môi trường, chuồng nuôi cách xa khu dân cư, thường xuyên, định kỳ tiêu độc, khử trùng dụng cụ chăn nuôi và khu vực chăn nuôi.
Bên cạnh đó, chất thải chăn nuôi phải được thu gom và xử lý bằng các biện pháp thích hợp; cung cấp đầy đủ thức ăn chất lượng tốt, nước uống sạch cho vật nuôi; chuồng nuôi đảm bảo đúng quy cách, mật độ nuôi hợp lý và vật nuôi được tiêm phòng định kỳ. Khi có gia súc, gia cầm chết, người dân phải báo ngay cho chính quyền địa phương, cán bộ thú y để xử lý kịp thời; không bán chạy gia súc, gia cầm ốm, không vứt xác bừa bãi. Mặt khác, các địa phương cần tăng cường kiểm tra hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ và sản phẩm gia súc, gia cầm; nhất là trong những tháng cuối năm...
Thời gian qua, dịch bệnh động vật cơ bản được kiểm soát, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển. Tuy nhiên, gần đây bệnh dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xuất hiện trở lại ở một số địa phương, nguy cơ dịch lây lan trong các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 là rất cao. Cục Thú y cho biết, tính từ đầu năm đến hết tháng 10/2023, cả nước xuất hiện 481 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 42 tỉnh, thành phố (Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Đắk Lắk, Vĩnh Long...), buộc phải tiêu hủy hơn 18 nghìn con lợn. Dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò xuất hiện 100 ổ dịch ở 15 địa phương...
Bộ NN&PTNT cho biết, thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán hằng năm là thời điểm nhạy cảm của ngành chăn nuôi, vì nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm là rất cao. Để phòng chống hiệu quả các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, giảm thiệt hại về kinh tế, bảo đảm nguồn cung thực phẩm, giảm nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, các địa phương cần chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo đúng quy định. Chủ động giám sát, phát hiện dịch bệnh động vật nguy hiểm để kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm ổ dịch mới phát sinh. Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới.
Chủ động phối hợp với lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh để phục vụ xuất khẩu. Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp từng đối tượng về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm...
Lê Hằng
Bình luận