Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 22:01
Thứ năm, 31/03/2022 22:03
TMO - Bộ Công Thương triển khai hàng loạt hoạt động liên quan đến hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực cho bà con nông dân, nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định uy tín của hàng hóa, đẩy mạnh tiêu thụ.
Việc hình thành bản đồ nông sản Việt Nam sẽ là thông tin chính thức, giới thiệu khách hàng tiềm năng cho sản phẩm nông sản từng địa phương và thông qua môi trường mạng hoàn toàn có thể kết nối trực tiếp từng địa phương, hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất.
Trong thời gian qua, do tác động của đại dịch Covid-19, việc thông quan hàng hóa tại một số cửa khẩu biên giới phía Bắc tiếp tục nóng lên. Để giảm thiểu tình trạng này, cùng với việc đẩy mạnh cung cấp thông tin tới người nông dân Bộ Công Thương đã chỉ đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông và địa phương có sản phẩm nông sản đến mùa vụ để hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, cả phía trong nước và nước ngoài.
Nhiều sản phẩm nông sản được kết nối, tiêu thụ tại siêu thị
Cùng với đó, hàng loạt hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản đã được Bộ Công Thương triển khai, như hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm với các thị trường nước ngoài trên cả môi trường trực tiếp và trực tuyến; hội nghị giao thương nhóm mặt hàng cụ thể với thị trường tiềm năng; tổ chức hội chợ triển lãm cho các sản phẩm nông sản. Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai hàng loạt chương trình hỗ trợ, đưa nông sản vào hệ thống phân phối hiện đại, hệ thống siêu thị.
Bên cạnh những giải pháp trên, thời gian vừa qua Bộ Công thương đã đưa ứng dụng số, thương mại điện tử, bán hàng online để hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân. Việc hỗ trợ được thực hiện thông qua kết nối với nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử “khổng lồ” như: Amazon, Global Selling… mà Bộ Công Thương đã ký hợp tác. Ngoài ra, Cục Xúc tiến thương mại đã làm việc với Alibaba nhằm kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiêu thụ các sản phẩm.
Trong thời gian tới, với việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2020 -2030, Bộ Công Thương sẽ tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai việc đưa các ứng dụng số để hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản cho bà con, giúp bà con chủ động chào bán sản phẩm của mình trên các trang mạng xã hội.
Cục xuất nhập khẩu cho biết, tình hình tiêu thụ nông sản trong 3 tháng đầu năm rất tốt. Đặc biệt là các mặt hàng như gạo, cà phê, thủy sản..., xuất khẩu nông sản đạt 7,2 tỷ USD, tăng trưởng 19% so với cùng kỳ. Tăng trưởng xuất khẩu chung của các mặt hàng là 10%, riêng tăng trưởng xuất khẩu nông sản đạt 19%.
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn ở một số nhóm hàng tại một số thời điểm cụ thể. Gần đây nhất là mặt hàng trái cây xuất khẩu qua các cửa khẩu đường bộ biên giới sang Trung Quốc.
Về vấn đề này, thời gian qua Bộ đã dự thảo và trình Thủ tướng Đề án về chuyển hoạt động thương mại biên giới từ tiểu ngạch sang chính ngạch; thành lập Ban chỉ đạo giải quyết vấn đề ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu biên giới do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng ban.
Cùng với đó, Bộ cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT trong việc đẩy mạnh đàm phán với phía Trung Quốc làm sao để gia tăng số lượng mặt hàng trái cây xuất khẩu chính ngạch trong thời gian tới. Phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn doanh nghiệp thay đổi phương thức giao nhận, bên cạnh đường bộ cũng tận dụng các phương thức khác như đường sắt, đường biển.
Đức Duy
Bình luận