Hotline: 0941068156
Thứ năm, 05/12/2024 09:12
Thứ tư, 04/12/2024 22:12
TMO – Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản được xác định là thế mạnh, mũi nhọn trong phát triển kinh tế-xã hội của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Lĩnh vực này có tỷ lệ đóng góp cao vào tăng trưởng và giải quyết hàng triệu việc làm cho người dân trong vùng.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế năng động, nhiều dự án trọng điểm đã được khởi công, giúp khơi thông điểm nghẽn về hạ tầng giao thông. Nhiều khu công nghiệp đã được quy hoạch và xây dựng đón làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, các khu công nghiệp, khu kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hút 65 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư tăng thêm khoảng 10.393 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 183.650 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 107.950 tỷ đồng; nộp ngân sách đạt 10.784 tỷ đồng. Tổng số lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trong vùng tính đến tháng 6/2024 là 501.254 lao động. Việc phát triển công nghiệp theo hướng bền vững (vừa khai thác tối đa tiềm năng lợi thế, vừa đảm bảo nguyên tắc hài hòa giữa phát triển và bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ tài nguyên, môi trường) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
(Ảnh minh họa)
Theo đó, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định rõ phương hướng phát triển công nghiệp vùng. Cụ thể, vùng sẽ phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, thân thiện môi trường trong đó chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; đầu tư chiều sâu, hướng vào xuất khẩu đối với các nhóm ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với vùng nguyên liệu, các sản phẩm hóa chất và cơ khí phục vụ nông nghiệp.
Nâng cao tính tập trung, mật độ của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên cơ sở gắn kết với khu vực đô thị, hệ thống kết cấu hạ tầng liên kết trong vùng, liên vùng, quốc tế để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công nghệ thông tin; khai thác tiềm năng phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ rừng và bờ biển.
Với công nghiệp chế biến: Chế biến thực phẩm (khuyến khích phát triển các nhà máy chế biến thực phẩm về thủy sản, trái cây, lúa gạo áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại tại các trung tâm đầu mối và khu vực thuận lợi về vùng nguyên liệu để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, giá trị kinh tế cho xuất khẩu; đầu tư xây dựng hệ thống kho lạnh bảo quản hỗ trợ việc thu gom, trung chuyển, vận tải hàng hóa nông sản tại các trung tâm đầu mối).
Chế biến thức ăn chăn nuôi và thức ăn nuôi trồng thủy sản (phát triển mạng lưới cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi và thức ăn nuôi trồng thủy sản gắn với các trung tâm đầu mối và vùng sản xuất tập trung; xây dựng một số xưởng chế biến bột cá có công nghệ và thiết bị tiên tiến nhằm giảm lượng nhập khẩu bột cá và hạ giá thành thức ăn, khuyến khích các thành phần kinh tế từng bước xây dựng nhà máy có quy mô lớn và chất lượng sản phẩm cao; đầu tư các kho trữ đông có công suất 10.000 tấn/năm).
Giết mổ và chế biến thịt (sắp xếp lại hệ thống cơ sở giết mổ theo hướng hạn chế và dần tiến tới xóa bỏ các Cơ sở giết mổ thủ công, phân tán ở hộ gia đình và xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung xa khu dân cư có trang bị hệ thống kiểm dịch và xử lý môi trường; khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển cơ sở giết mổ và chế biến cấp đông tại chỗ. Xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm đóng hộp với quy mô vừa, thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, đặt tại khu công nghiệp).
Sản xuất sản phẩm đồ gỗ và hàng thủ công mỹ nghệ (tập trung phát triển các nhà máy sản xuất đồ gỗ gia dụng, nhà máy sản xuất ván nhân tạo, ván ép; Khuyến khích phát triển sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống như đồ gồ mỹ nghệ, mây, tre, lá, chiếu cói... phục vụ nhu cầu du lịch tại các địa phương như Bến Tre, Kiên Giang, Tiền Giang, Hậu Giang).
Công nghiệp điện (đến năm 2030, không phát triển thêm nhiệt điện than ngoài các nhà máy nhiệt điện than đang trong quá trình xây dựng ở Duyên Hải II (Trà Vinh), Long Phú I (Sóc Trăng), Sông Hậu I (Hậu Giang); tập trung phát triển điện gió ở bán đảo Cà Mau và điện mặt trời; xây dựng các nhà máy điện có khả năng điều chỉnh linh hoạt, các nguồn pin tích năng để đảm bảo vận hành ổn định hệ thống điện có tỷ trọng cao nguồn năng lượng tái tạo; xem xét phát triển các dự án điện khí ở Bạc Liêu, Kiên Giang, Long An sau năm 2030).
Công nghiệp cơ khí, thiết bị điện, điện tử (phát triển công nghiệp cơ khí vào các khâu có giá trị gia tăng như thiết kế, chế tạo khuôn mẫu, chế tạo linh kiện phức tạp có độ chính xác cao; triển khai các dự án nhà máy cán tôn, cán thép và cán nhôm định hình, dự án cơ khí phục vụ ngành dầu khí; nhà máy thiết bị điện tử dân dụng và phụ trợ; nhà máy sản xuất máy nông nghiệp, máy và thiết bị chế biến nông, lâm, thủy sản; trung tâm đo kiểm thiết bị cơ điện, điện tử; nhà máy sản xuất thiết bị, dụng cụ y tế; phát triển ngành đóng và sửa chữa tàu, phương tiện thủy nhỏ và vừa tại Tiền Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Cần Thơ. Ưu tiên đầu tư các dự án có công nghệ và trình độ sản xuất cao, sử dụng công nghệ hiện đại để đáp ứng yêu cầu sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng và nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm).
Công nghiệp hóa chất và sản phẩm hóa chất (phát triển công nghiệp hóa chất và sản phẩm từ hóa chất có chọn lọc để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thúc đẩy đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm; đầu tư phát triển các sản phẩm hóa dược đáp ứng nhu cầu thuốc chữa bệnh; đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng và mẫu mã cạnh tranh với thị trường trong và ngoài nước; khuyến khích phát triển nhà máy phân bón tại Cà Mau; đầu tư nâng cao chất lượng, hạ giá thành, đa dạng hóa những loại phân đặc chủng có hàm lượng dinh dưỡng cao, ít ô nhiễm môi trường, ít bị rửa trôi...; nghiên cứu đầu tư sản xuất phân hữu cơ vi sinh được chế biến từ các nguồn rác thải dân dụng và than bùn có sẵn tại địa phương).
Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (phát triển sản xuất vật liệu mới, vật liệu tiết kiệm năng lượng, xanh, sạch, phù hợp với quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng cả nước. Tổ chức sắp xếp lại các cơ sở khai thác cát đảm bảo không làm tăng nguy cơ xói lở bờ sông, bờ biển, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ các công trình giao thông và thủy lợi trên các tuyến sông, ven biển).
MỸ KIM
Bình luận