Hotline: 0941068156
Thứ tư, 18/12/2024 22:12
Thứ hai, 16/12/2024 06:12
TMO - Những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai các giải pháp, siết chặt việc quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, triển khai đồng bộ các giải pháp, từng bước đưa hoạt động khai thác đi vào nền nếp. Đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm liên quan đến hoạt động khai khoáng.
Vĩnh Phúc nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình hàng năm 24,20C. Hiện nay, tỉnh có diện tích tự nhiên 1.236 km2, phía Bắc giáp tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên, phía Tây giáp tỉnh Phú Thọ, phía Nam giáp Hà Nội, phía Đông giáp 2 huyện Sóc Sơn và Đông Anh – Hà Nội. Vĩnh Phúc có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú và đa dạng, có thể chia thành các nhóm như nhóm khoáng sản cháy bao gồm Than antraxit, than nâu, than bùn, khoáng sản kim loại gồm barit, đồng, vàng, sắt. Trên địa bàn Vĩnh Phúc, khoáng sản không kim loại chủ yếu là cao lanh, có nguồn gốc phong hóa từ đá alumoxilicat như granit, plagio granit có các mạch đá aplit, sionit phân bố ở Tam Dương, Vĩnh Yên và Lập Thạch. Mỏ cao lanh Định Trung (Vĩnh Yên) có diện tích 5,5 km2…
Với lượng khoáng sản phong phú, tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt quản lý, bảo vệ có hiệu quả tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Tỉnh đã sát sao chỉ đạo các cấp, ngành triển khai thực hiện tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi và đất san lấp.
Đồng thời, chủ động phối hợp tỉnh, thành phố giáp ranh để thực hiện hiệu quả phòng chống nạn cát tặc. Từ năm 2019 đến nay, nạn khai thác cát trái phép gây mất an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã dần được dẹp bỏ, sông Hồng trở về bình yên với bãi bồi phù sao bồi đắp cho cây trái xanh tươi. Trước đây, sông Hồng đoạn qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nằm giáp ranh địa bàn tỉnh Phú Thọ và TP. Hà Nội cát tặc thường trà trộn vào đơn vị được cấp phép khai thác ngang nhiên lộng hành. Việc khai thác cát trái phép lẫn lộn các đơn vị được cấp phép đã làm tình hình phức tạp trên địa bàn huyện Yên Lạc, xung đột xảy ra khi người dân bị mất đất đai, bãi bồi do cát tặc. Trước thực trạng trên, năm 2018 tỉnh Vĩnh Phúc đã nhanh chóng vào cuộc xử lý nghiêm những vi phạm.
Hoạt động khai thác khoáng sản tại Vĩnh Phúc được kiểm soát nghiêm ngặt. (Ảnh minh hoạ).
Đồng thời chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức lập, trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện việc: Phối hợp UBND tỉnh Phú Thọ, thành phố Hà Nội ban hành Quy chế phối hợp trong việc quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi ở khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh. Ngày 10/5/2019 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Chỉ thị số 06/CT- UBND về tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi và đất san lấp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh ban hành văn bản số 2042/UBND-NN4 ngày 27/3/2019 về việc tạm dừng hoạt động khai thác cát sỏi trên tuyến sông Lô, sông Hồng thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Để việc thực hiện đạt hiệu quả thiết thực, tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác;
Đôn đốc các huyện, thị, thành phố chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt khai thác khoáng sản trên địa bàn, có biện pháp xử lý, ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép. Ngoài ra, UBND tỉnh Vĩnh Phúc thường xuyên chỉ đạo, điều hành đối với các ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố, thị xã, nhằm kiểm tra, xử lý, ngăn chặn các hoạt động khoáng sản trái phép.
Chỉ đạo các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật khác có liên quan. Tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Chính phủ về hoạt động thăm dò khai thác cát sỏi lòng sông trên địa bàn.
Đơn cử như: Thông báo kết luận số 161/TB - VPCP ngày 24/3/2017 của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ tại Hội nghị về phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi; Thông báo số 325/TB-VPCP ngày 25/7/2017 và Văn bản số 6667/VPCP-CN ngày 27/6/2017 của Văn phòng Chính phủ. Với các giải pháp quyết liệt của tỉnh nên các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng công an và chính quyền địa phương cũng đã tích cực vào cuộc theo chỉ đạo cuả UBND tỉnh nên các vụ việc khai thác khoáng sản trái phép trên địa bản tỉnh đều được xử lý khá kịp thời, hiệu quả.
Hiện tượng khai thác khoáng sản trái phép đã có nhiều chuyển biến tích cực. Thực hiện Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông có hiệu lực thi hành, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản triển khai thực hiện khoanh định vùng cấm hoạt động khai thác, vùng tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ "Điều tra, khoanh định khu vực cấm hoạt động khai thác, khu vực tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc" với đơn vị tư vấn thi công là Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản.
Lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. (Ảnh minh hoạ).
Tỉnh cũng đã xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ và đề xuất UBND tỉnh xin ý kiến tham gia, góp ý kiến của các Bộ ngành, Trung ương. Sau khi nhận được các ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với đơn vị tư vấn tiến hành tiếp thu, bổ sung, chỉnh sửa Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ: "Điều tra, khoanh định khu vực cấm hoạt động khai thác, khu vực tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc". Sở Tài nguyên và Môi trường đã Báo cáo UBND tỉnh Kết quả thực hiện nhiệm vụ có hồ sơ đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định tại khoản 1, Điều 24 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ.
Đồng thời đề nghị UBND tỉnh xem xét, gửi công văn đề nghị Cục Khoáng sản Việt Nam báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt kết quả khoanh định khu vực cấm hoạt động khai thác, khu vực tạm thời cấm hoạt động khai thác cát sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc theo quy định.
Đến nay, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành văn bản số 8509/UBND-NN1 ngày 31/10/2024 về việc gửi hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu vực cấm hoạt động khai thác, khu vực tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tờ trình số 231/TTr-UBND ngày 31/10/2024 Về việc đề nghị phê duyệt khu vực cấm hoạt động khai thác, khu vực tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, công tác quản lý các hoạt động tài nguyên khoáng sản nói chung gắn với việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác nói riêng của tỉnh Vĩnh Phúc cũng vẫn còn nhiều thách thức. Trong thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác khoáng sản, nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp trong công tác quản lý các hoạt động khoáng sản, bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường; bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, thất thoát, từ đó tăng nguồn thu cho ngân sách của tỉnh.
Ngọc Hân
Bình luận