Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 10:11
Thứ bảy, 04/11/2023 12:11
TMO - Tại diễn đàn Kinh tế Xanh với chủ đề “Nâng cao năng lực bền vững của Việt Nam: Hợp tác châu Âu – Việt Nam thúc đẩy sáng kiến xanh” vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan mời gọi doanh nghiệp EU đầu tư vào nông nghiệp xanh, hữu cơ tại Việt Nam.
Những năm qua, nông nghiệp Việt Nam liên tục tăng trưởng, phát triển toàn diện và đạt được những thành tựu to lớn. Sản lượng lương thực, thực phẩm tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, bảo đảm nguồn cung dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan (thứ ba từ phải qua) mong muốn EU hỗ trợ Việt Nam trong thực hiện chuyển đổi nông nghiệp sinh thái.
Dù vậy, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nêu rõ, hàng loạt thách thức mới đang đặt ra, như diện tích đất sản xuất bị thu hẹp, các yêu cầu, tiêu chuẩn mới về lương thực – thực phẩm chất lượng cao, an toàn, đạt chuẩn, tình trạng lạm dụng phân bón hóa học gây ra các nguy cơ, rủi ro về sức khỏe và môi trường. Do đó, xu thế tăng trưởng xanh, nông nghiệp xanh trở thành lựa chọn tất yếu, là mục tiêu mọi quốc gia đang hướng tới.
"Hành trình nông nghiệp xanh còn rất nhiều khó khăn và thách thức, cần nhiều hướng tiếp cận mới mẻ, phù hợp và kinh nghiệm thực tiễn quốc tế. Như Quy định chống phá rừng châu Âu EUDR được Ủy ban châu Âu phổ biến gần đây, chúng tôi xem quy định này là cơ hội phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam theo định hướng chiến lược: Minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Hiện Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu có quy mô lớn của nông sản Việt Nam. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại nông – lâm – thủy sản. Bộ trưởng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới sẽ có nhiều hợp tác hơn với EU để phát triển ngành thủy sản bền vững, tháo gỡ thẻ vàng IUU. Đề nghị EU hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong việc thực thi Quy định chống phá rừng, bao gồm hướng dẫn kỹ thuật, nâng cao năng lực, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin, bản đồ hiện trạng rừng, truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi sinh kế cho người dân.
Nền nông nghiệp Việt Nam đang ngày càng phát triển và khẳng định vị thế tai các thị tường xuất khẩu trên thế giới.
Bộ trưởng cũng mong muốn EU hỗ trợ Việt Nam trong thực hiện chuyển đổi nông nghiệp sinh thái thông qua nâng cao năng lực cho cộng đồng dân cư nông thôn. Ngoài ra, còn nhiều lĩnh vực tiềm năng có thể mở rộng hợp tác như ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh. Bộ trưởng gợi mở các doanh nghiệp của EU cũng như Hà Lan cần quan tâm hơn nữa vào phát triển nông nghiệp tri thức, nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, hữu cơ; cụm liên kết ngành cấp vùng gắn với các vùng chuyên canh lớn; chế biến nông lâm thủy sản... Doanh nghiệp hai bên cùng tận dụng tốt nhất các ưu thế của nhau, tạo ra những giá trị mới, xanh và bền vững.
Bộ trưởng cho rằng, kinh tế xanh, nông nghiệp xanh, có thể tiếp cận một cách gần gũi, nhẹ nhàng, như lời chia sẻ: "Xã hội trở nên phát triển hơn khi mọi người vun trồng cây xanh, tạo bóng mát, dù biết rằng họ còn chưa chắc có dịp ngồi dưới bóng mát đó".
Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng nông nghiệp xanh
Việt Nam là một quốc gia Đông Nam Á mang tiềm năng lớn về đất đai, hệ thống sông ngòi dày đặc, điều kiện thổ nhưỡng, phu sa trù phú thuận lợi cho việc phát triển các loại cây trồng, vật nuôi. Khí hậu nhiệt đới tạo điều kiện phát triển các loại cây quanh năm, cây lương thực và cây công nghiệp. Cùng với sự đa dạng sinh học vốn có, nguồn nhân lực dồi dào. Việt Nam hội tụ đủ yếu tố để đưa nền nông nghiệp phát triển lên một tầm cao mới.
Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp xanh.
Bộ NN&PTNT cho biết, trên thế giới, tăng trưởng xanh đã dần trở thành xu hướng chủ đạo, với nhiều tiềm năng trong phát triển nông nghiệp xanh Vì vậy, Bộ NN&PTNT đã xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của bộ để cụ thể hóa các nhiệm vụ Chính phủ giao; đồng thời cũng để thực hiện quá trình chuyển đổi nông nghiệp xanh, bền vững đã đề ra tại Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050, đó là: "Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn".
Theo đó, sau khi Thủ tướng ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (1/10/2021) và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 (22/07/2022), Bộ NN&PTNT đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 (12/9/2022).
Kế hoạch hành động bảo đảm phù hợp và triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ định hướng của Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các chiến lược khác của ngành có liên quan. Hài hòa hóa các mục tiêu tăng trưởng bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính; tham gia tích cực thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tiếp tục nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng năng lực cạnh tranh; gắn tăng trưởng xanh với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nông nghiệp và nông thôn.
Với đặc thù chịu tác động lớn từ biến đổi khí hâu, ngành nông nghiệp đã đặt mục tiêu phát triển không chỉ thích ứng với biến đổi khí hậu, mà còn nâng cao chất lượng tăng trưởng theo hướng tăng nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải carbon thấp. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang làm thủ tục tham gia “Tuyên bố Emirates về Nông nghiệp bền vững, hệ thống lương thực thực phẩm có khả năng chống chịu và hành động vì khí hậu”, dự kiến sẽ thông qua tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) vào tháng 12/2023.
Việc chuyển đổi hệ thống lương thực của Việt Nam theo hướng xanh, carbon thấp, bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu, tích hợp đa giá trị với hệ thống quản trị hiện đại, minh bạch gắn với quá trình chuyển đổi số và liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong các chuỗi giá trị là một tất yếu, góp phần vào thực hiện các chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia và các cam kết quốc tế của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Về thực trạng chính sách thu hút đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh của ngành nông nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng cùng với quá trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này, một số chính sách cụ thể như: Hỗ trợ về đất đai theo Điều 132, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật bảo vệ môi trường; các Nghị định: Số 55/2015/NĐ-CP, số 116/2018/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Ngân hàng nhà nước Việt Nam đang nghiên cứu chính sách hỗ trợ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam tiếp nhận nguồn vốn viện trợ, cho vay ưu đãi nước ngoài để tài trợ cho dự án thuộc danh mục phân loại xanh. Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng đã trình dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định tiêu chí môi trường và xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.
Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp gồm: Trồng trọt, chăn nuôi (áp dụng GAP, nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, canh tác bền vững trên vùng đất dốc, đất mặn, đất cát ven biển, đất sa mạc hóa); lâm nghiệp (Trồng rừng, phục hồi rừng, chăm sóc rừng, ươm giống cây lâm nghiệp; ngăn suy thoái rừng và phát triển các dịch vụ rừng đạt tiêu chuẩn quản lý rừng); nuôi trồng thủy sản đáp ứng tiêu chuẩn GAP; xử lý chất thải, phụ phẩm nông nghiệp; chuỗi cung ứng thực phẩm sạch; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; du lịch sinh thái.
Hoàng Uyên
Bình luận