Hotline: 0941068156

Thứ bảy, 29/03/2025 20:03

Tin nóng

Nhiều dự án bất động sản ở Hà Nội trong diện kiểm toán

Động đất ở Myanmar: Ghi nhận hơn 1.000 người thiệt mạng, thế giới cam kết sát cánh

Việt Nam và Brazil hướng đến mục tiêu kim ngạch thương mại đạt 15 tỷ USD

Động đất 7,7 độ rung chuyển Myanmar, Hà Nội và TP. HCM bị rung lắc

Việt Nam – Brazil: Thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ trong các lĩnh vực thế mạnh

Tổng thống Brazil thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam

Việt Nam và Singapore: Nhiều thuận lợi mở rộng hợp tác an ninh lương thực

Hà Nội triển khai quyết liệt các giải pháp chặn gia tăng ô nhiễm

Việt Nam – Singapore: Tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực then chốt

Giờ Trái đất 2025: Tiết kiệm hơn 942 triệu đồng sau 1 giờ tắt đèn

Hàng chục ha lúa ở Gia Lai, Kon Tum bị hư hỏng do khô hạn

Thêm 8 cây cổ thụ vùng ngoại thành Hà Nội được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Phú Thọ: 2 cây hoa đại 1.000 năm tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

“Số hóa cây cổ thụ” – Giải pháp tối ưu để quản lý, bảo vệ cây xanh

Chuyên gia: ‘Cây Di sản Việt Nam là thương hiệu của thương hiệu’

Kỷ niệm 15 năm hoạt động bảo tồn Cây Di sản Việt Nam

[15 năm Cây Di sản Việt Nam] Hành trình kết nối cộng đồng chung tay bảo vệ cảnh quan, môi trường

[15 năm Cây Di sản Việt Nam] Những “cột mốc xanh” nơi đảo xa

Phòng chống dịch sởi: Rà soát tiêm chủng đảm bảo không bỏ sót đối tượng

Tiếp tục nghiên cứu làm rõ nội hàm của “mô hình tăng trưởng mới”

Thứ bảy, 29/03/2025

Vận hành, quản lý hiệu quả đập, hồ thuỷ lợi ở Hà Nội

Thứ ba, 25/03/2025 06:03

TMO - Việc quản lý hồ chứa thủy lợi trên địa bàn TP.Hà Nội hiện nay gặp nhiều thách thức do biến đổi khí hậu khiến tần suất và cường độ mưa lũ diễn biến phức tạp; đòi hỏi các ngành chức năng và các cấp chính quyền thành phố cần thường xuyên kiểm tra, cải tạo để vận hành hiệu quả.

Việc vận hành hồ chứa thủy lợi tại TP.Hà Nội phải đảm bảo đa mục tiêu, không chỉ cho tưới tiêu cây trồng, không chỉ làm nhiệm vụ tích nước và xả nước mà còn cho phát triển kinh tế - xã hội. Các hồ chứa tích nước đảm bảo cho sản xuất nhưng cũng phải vận hành an toàn, nhất là các hồ có chức năng cắt lũ. Hệ thống thuỷ lợi tại Hà Nội có nhiều hồ đã tồn tại hàng chục, thậm chí gần 100 năm nhưng vẫn tiếp tục khai thác. Điều này tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn hồ đập, đặc biệt nguy hiểm cho người dân phía hạ du.

Bên cạnh việc quản lý thì quá trình giám sát, vận hành, nâng cấp hồ đập rất quan trọng. Đơn cử tại liên hồ thủy lợi Tuy Lai - Vĩnh An - Quan Sơn được xây dựng, đưa vào khai thác từ năm 1960. Ngoài nhiệm vụ cắt lũ rừng ngang từ tỉnh Hòa Bình đổ về, hệ thống liên hồ này còn được thiết kế trữ khoảng 16,56 triệu mét khối nước để tưới 5.600ha sản xuất nông nghiệp 2 vụ của các xã: Tuy Lai, Hồng Sơn, Xuy Xá, Phù Lưu Tế, Hợp Tiến, Hợp Thanh, An Tiến thuộc huyện Mỹ Đức. Tuy nhiên, kiểm tra, đánh giá công trình này trong ngày 21-3-2025, đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cùng đơn vị quản lý hồ phát hiện nhiều hư hỏng, xuống cấp đáng lo ngại.

Cụ thể, nhiều vị trí lòng hồ cạn trơ đáy; mái kè thượng lưu cống Đồi Trám hồ Tuy Lai bị sụt sạt; tràn hồ Vĩnh An xuất hiện nhiều vị trí lún, sụt bê tông. Lãnh đạo Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi huyện Mỹ Đức cho biết, từ tháng 10-2024 đến nay, nguồn nước về hồ hầu như không có do lưu vực không xuất hiện mưa lớn. Với lượng nước hiện nay, liên hồ này chỉ đủ khả năng cấp 1 đợt tưới dưỡng lúa vụ Xuân.

Do đó, đơn vị sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc cấp nước hai đợt tưới dưỡng còn lại... Tương tự, hồ Văn Sơn hiện chỉ còn khoảng 45% dung tích trữ, đủ cấp 2/3 đợt nước tưới dưỡng 396ha lúa xuân của các xã: Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ). Ngoài suy kiệt lượng nước trữ gây khó khăn trong việc chủ động cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhiều hạng mục của hồ Văn Sơn đang xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, như: Mặt đập đất xuất hiện nhiều ổ trâu, ổ gà; thân đập bị thẩm thấu; kè chắn sóng thượng lưu bị sụt sạt.

Cán bộ ngành thuỷ lợi Hà Nội kiểm tra hiện trạng hồ Văn Sơn (huyện Chương Mỹ). (Ảnh: LN). 

Đặc biệt trên thân đập chính và đập phụ xuất hiện 23 tổ mối; sân tràn tiếp giáp bể tiêu năng và mái bể tiêu năng bị sụt sạt; tường nhà tháp và cống điều tiết nước số 1 và số 2 bị bong tróc xâm thực, rung lắc khi vận hành... Điều nay, không chỉ gây khó khăn trong việc cấp nước sản xuất nông nghiệp vụ Xuân, những hạng mục công trình nêu trên bị hư hỏng, xuống cấp còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão sắp tới... Bên cạnh đó, Lãnh đạo Xí nghiệp Thủy lợi Ba Vì cho biết, kiểm tra công trình sau mùa mưa lũ năm 2024, đơn vị phát hiện cống điều tiết nước hồ Suối Hai ngày càng hư hỏng, xuống cấp.

Nếu không đầu tư kinh phí sửa chữa kịp thời để dẫn đến sự cố thì hậu quả khó lường đối với hàng chục nghìn hộ dân sinh sống vùng hạ du...Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 9 hồ chứa có quy mô lớn, 20 hồ có quy mô vừa và 88 hồ quy mô nhỏ...

Phần lớn những công trình này được xây dựng từ năm 60, 70 của thế kỷ trước với kỹ thuật thi công thủ công. Sau nhiều năm khai thác, sử dụng, nhiều hạng mục như: Đập, tràn, cống điều tiết nước đã bị xuống cấp ảnh hưởng đến an toàn công trình, hiệu quả phục vụ sản xuất... Để bảo đảm đủ nước các đợt tưới dưỡng lúa Xuân còn lại, các doanh nghiệp thủy lợi thành phố đã xây dựng phương án hỗ trợ nhiệm vụ vùng hồ. Lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy chia sẻ, đơn vị đã  tăng cường vận hành các trạm bơm lấy nước sông Đáy, như: Đức Môn, Áng Thượng, Tân Độ, Đại Nghĩa để bổ sung, thay thế nguồn nước lấy từ hệ thống liên hồ chứa Tuy Lai - Vĩnh An - Quan Sơn.

Chuẩn bị phương tiện, vật tư lắp đặt trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa dung tích còn lại của hồ Văn Sơn phục vụ các đợt tưới dưỡng lúa còn lại, yêu cầu các xí nghiệp quản lý chặt chẽ nguồn nước còn lại trong hệ thống; rà soát, điều chỉnh phương án tưới dưỡng lúa sát với nguồn nước thực tế...Để bảo đảm an toàn công trình trong mùa mưa lũ năm 2025, các doanh nghiệp thủy lợi thành phố Hà Nội đề nghị, các cấp, các ngành bố trí kinh phí, đẩy nhanh tiến độ dự án sửa chữa, nâng cấp đập, hồ bị hư hỏng, xuống cấp...

Liên quan vấn đề này, Đại diện Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội thông tin, những năm qua, TP. Hà Nội đã tập trung nguồn lực thực hiện Kết luận số 36-KL/TƯ ngày 23-6-2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

(Ảnh minh hoạ). 

Trong đó, thành phố đã phê duyệt danh mục nghiêm cấm san lấp 3.164 hồ, ao, đầm; phê duyệt chủ trương đầu tư hai trạm bơm: Tân Độ, Áng Thượng và hệ thống kênh dẫn nhằm từng bước thay thế nhiệm vụ tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của liên hồ Tuy Lai - Vĩnh An - Quan Sơn; đầu tư hơn 155 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp hồ Văn Sơn giai đoạn 2026-2028... Trước mắt, các địa phương, doanh nghiệp thủy lợi tập trung kiểm tra, đánh giá công trình, xây dựng phương án bảo đảm an toàn đập, hồ thủy lợi trong mùa mưa lũ 2025; chủ động huy động nguồn lực, ưu tiên sửa chữa công trình hư hỏng có nguy cơ cao mất an toàn. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường, việc bảo đảm an toàn hồ đập không chỉ là nhiệm vụ cấp bách trong mùa mưa bão mà còn là yêu cầu thường xuyên với các cấp, các ngành và người dân địa phương...

Trên cả nước, theo thống kê của Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, hiện cả nước có 7.315 đập, hồ chứa thủy lợi (592 đập dâng, 6723 hồ chứa) với tổng dung tích trữ khoảng 15,2 tỷ m3. Các hồ chứa thủy lợi có nhiều nhiệm vụ trọng yếu như cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt kết hợp cắt, giảm lũ và phục vụ đa mục tiêu như cấp nước phát điện, tạo không gian phát triển điện mặt trời, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch.

Tuy nhiên, hệ thống hồ đập của Việt Nam hiện đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức. Mưa lũ bất thường, lũ quét do biến đổi khí hậu và nhiều công trình đã xuống cấp gây ra nguy cơ lớn về an toàn. Mặc dù được Đảng, nhà nước quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống, sinh hoạt của người dân.

Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước còn bộc lộ nhiều hạn chế. Điều này thể hiện rõ trong sau cơn bão số 3/2024 (cơn bão Yagi). Do đó, đảm bảo vận hành an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết.

Trước những thách thức trên, trong tình hình mới hiện nay, không chỉ TP.Hà Nội, mà đối với tất cả các địa phương trên cả nước, cần có những giải pháp đồng bộ về xây dựng, hoàn thiện chính sách. Rà soát, hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật phục vụ khảo sát, thiết kế, thi công, quản lý vận hành đập, hồ chứa nước phù hợp với tình hình mới.

Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên là nâng cao năng lực thông tin, cảnh báo, dự báo, xây dựng các hệ thống quan trắc ở vùng thượng lưu và các hồ chứa để hỗ trợ phân tích thủy văn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới như hệ thống quan trắc tự động và các công cụ hỗ trợ ra quyết định vận hành, kịch bản cắt lũ, xả lũ phù hợp để đảm bảo an toàn, nhất là trong mùa mưa bão…/.

 

Kiều Nga

 

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

Bình luận

    Bình luận của bạn

    cmt
      Web đang chạy kỹ thuật
      Zalo phone Hotline