Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 14:01
Thứ tư, 23/03/2022 14:03
TMO – Những năm gần đây, hạn mặn trong mùa khô diễn biến rất phức tạp tại các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân cũng như sản xuất, gieo trồng, chăm sóc hoa màu, cây căn trái.
Nếu như trước đây dự đoán về hạn mặn chỉ cần quan sát mùa lũ năm trước thì có thể nhận thấy tình hình hạn mặn của mùa khô năm sau (tức là mùa nước lũ năm trước càng cao thì hạn mặn trong mùa khô năm sau càng thấp) và ngược lại.
Tuy nhiên, những năm gần đây, mọi việc không dễ dàng và đơn giản như vậy vì ngoài ảnh hưởng do tác động từ biến đổi khí hậu, thì đập thủy điện đang làm rối loạn nhịp đập tự nhiên của dòng Mekong.
Tình trạng hạn mặn diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến đời sống người dân vùng ĐBSCL
Nằm ở cuối lưu vực sông Mekong tiếp giáp với biển, lượng nước ngọt của Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc lượng nước từ phía thượng nguồn sông Mekong đổ về. Năm nào mưa nhiều ở các nước phía trên thì nước đổ về nhiều, mùa nước nổi lớn. Năm nào lượng mưa ít, thì mùa nước nổi thấp.
Biến đổi khí hậu làm cho lượng mưa thất thường hơn, do đó tình hình phức tạp hơn. Đã có những năm lượng mưa trong mùa mưa thấp kỷ lục như mùa mưa năm 2015 và 2019 khi có hiện tượng El Nino cực đoan, kéo theo mùa khô năm 2016 và 2020 dòng chảy sông Mekong rất yếu, mặn lấn sâu kỷ lục vào đất liền. Trong tình hình phức tạp của biến đổi khí hậu, sự xuất hiện của các hồ chứa thủy điện khổng lồ trên dòng chính và các dòng nhánh làm cho tình hình càng phức tạp hơn.
Như vậy, muốn biết mức độ hạn mặn mùa khô ở Đồng bằng sông Cửu Long thì phải căn cứ vào mùa nước năm trước cao hay thấp và lượng nước đã bị giữ lại trong các hồ chứa trong mùa mưa để dành lại xả ra phát điện trong mùa khô năm sau và sẽ có hai tình huống xảy ra.
Thứ nhất, với những năm có lượng mưa bình thường ở các quốc gia phía trên, thì các đập thủy điện trữ bớt nước trong mùa mưa để dành sang mùa khô xả ra phát điện. Kết quả là dòng chảy của sông Mekong trong mùa lũ bị giảm thấp hơn so với tự nhiên và đến mùa khô khi các đập xả ra để phát điện thì dòng chảy cao hơn tự nhiên. Theo đó, hạn-mặn đồng bằng trong mùa khô sẽ giảm. Đây có thể xem là mặt "tích cực" của thủy điện.
Thứ hai, trong những năm lượng mưa ít cực đoan trong mùa mưa do hiện tượng thời tiết El Nino cực đoan gây ra thì mực nước sông Mekong rất thấp (như mùa mưa 2015 và mùa mưa 2019). Sang đến mùa khô thì càng thiếu nước hơn (như mùa khô 2016 và 2020). Các đập thủy điện không đủ độ sâu để chạy turbine phát điện nên phải đóng đập để chờ cho đủ độ sâu. Như vậy, khi có thời tiết khô hạn cực đoan thì thủy điện làm cho tình hình tồi tệ thêm.
Hoạt động tích nước mùa lũ, xả ra để phát điện trong mùa khô của các đập thủy điện Mekong có thể giúp giảm hạn mặn ven biển đồng bằng trong những năm bình thường. Xét riêng về hạn mặn thì đây là tác động "tích cực". Nhưng hệ quả lâu dài thì khôn lường. Trước đây, trong điều kiện tự nhiên, lượng nước sông Mekong phân bố 80% trong mùa nước và 20% trong mùa khô. Nhờ vậy Đồng bằng sông Cửu Long có hai mùa rõ rệt, mùa nước nổi và mùa khô. Cũng nhờ đó mà trong mùa nước nổi, dòng chảy đủ mạnh để tải phù sa, bùn cát về bồi đắp cho châu thổ. Nay thủy điện làm thay đổi tỷ lệ phân bố này, thí dụ thành tỷ lệ 60% trong mùa lũ và 40% trong mùa khô. Tuy mùa khô thì ít hạn-mặn, nhưng dòng sông mùa lũ không còn đủ mạnh để tải bùn, cát về nữa. Thiếu bùn cát về mỗi năm, đất đai đồng bằng sẽ bạc màu nhanh chóng, sạt lở bờ sông bờ biển sẽ gia tăng theo thời gian và đây mới là mối lo lâu dài.
Còn nữa
Minh Phụng
Bình luận