Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 26/07/2025 13:07
Thứ sáu, 25/07/2025 13:07
TMO – Phải dùng mọi phương tiện như loa truyền thanh, zalo, gõ kẻng, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người, thông điệp phải thật ngắn gọn, rõ ràng như: ‘Bão sắp vào, yêu cầu phải sơ tán ngay! Chính quyền hỗ trợ, chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho tài sản!’ - nội dung này được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh trong phiên họp Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025 (diễn ra chiều 24/7).
Trong phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có nhiều chỉ đạo chung và chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương trong công tác ứng phó thiên tai với mục tiêu giảm thiểu tối đa thiệt hại, nhất là thiệt hại về người. Trong những nội dung Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, có 3 điểm nhấn quan trọng nhận được nhiều sự quan tâm.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính chủ trì và phát biểu tại phiên họp.
Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai phải đảm bảo 3 nguyên tắc
Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do thiên tai. Năm 2024 và 7 tháng đầu năm 2025 là một giai đoạn hết sức cam go, toàn quốc đã xảy ra hơn 10.200 sự cố, thiên tai, làm 1.389 người chết, 398 người mất tích và thiệt hại vật chất rất lớn. Thực tiễn này đòi hỏi chúng ta đã cố gắng rồi phải cố gắng hơn nữa, đã nỗ lực rồi phải nỗ lực hơn nữa, đã quyết tâm rồi phải quyết tâm hơn nữa. Trong hoạt động phòng thủ dân sự phải tuân thủ 3 nguyên tắc cơ bản. (1) Phòng ngừa phải từ sớm, từ xa, từ khi chưa xảy ra sự cố; (2) Ứng phó phải bình tĩnh, sáng suốt, kịp thời, phù hợp, an toàn, hiệu quả; (3) Khắc phục phải chung tay, cơ bản, toàn dân, toàn diện, toàn phần.
Tính mạng người dân là trên hết
Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, đối mặt với những diễn biến thiên tai ngày càng cực đoan, khốc liệt, dưới sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp, sát sao của Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng đã triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, nhất là các lực lượng tuyến đầu, lực lượng quân đội, công an đã luôn sẵn sàng vào cuộc, hỗ trợ người dân, đồng thời phát huy vai trò trung tâm, chủ thể của người dân, "tình dân tộc, nghĩa đồng bào" được phát huy, qua đó giảm tối đa thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhà nước và người dân.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng cần làm tốt công tác nắm tình hình, dự báo, cảnh báo; ứng phó phải bình tĩnh, sáng suốt, bám sát thực tiễn để phân tích, đánh giá và quyết định phải rất thận trọng, cương quyết, coi trọng sự sống, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, các cơ quan và với người dân.
Nghệ An là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng do bão số 3 (Wipha) và mưa lũ vừa qua gây ra.
Chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa
Thủ tướng Chính phủ cho biết, thời gian tới, dự báo diễn biến thiên tai năm 2025 hết sức phức tạp, đặc biệt là những tháng 8, 9, 10 và thực tiễn những năm qua cho thấy có nhiều diễn biến thiên tai không theo quy luật. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải thay đổi căn bản về tư duy, dứt khoát chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, ứng phó phải hiệu quả, kịp thời, khắc phục phải hiệu quả.
Lấy con người làm trung tâm, chủ thể, xây dựng xã, phường, đặc khu là pháo đài, lấy quản lý rủi ro thiên tai làm trọng tâm trong mọi quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Hoàn thiện về thể chế phù hợp tình hình mới; tạo đột phá về năng lực dự báo, năng lực ứng phó và năng lực khắc phục hậu quả, đặc biệt là đầu tư hạ tầng cần thiết, bảo đảm "bốn tại chỗ".
Dân quân tự vệ - lực lượng đóng vai trò quan trọng trong ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
Tin bão phải nhanh, ngắn gọn, dễ hiểu
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các xã, phường, đặc khu xây dựng lực lượng xung kích tại chỗ phù hợp; lập phương án sơ tán đến từng hộ dân; truyền tin cảnh báo sớm nhất, dễ hiểu nhất. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: ‘Tin bão phải đi nhanh hơn gió bão', phải dùng mọi phương tiện như loa truyền thanh, zalo, gõ kẻng, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người, thông điệp phải thật ngắn gọn, rõ ràng. Thủ tướng Chính phủ lấy thí dụ: 'Bão sắp vào, yêu cầu sơ tán ngay! Chính quyền hỗ trợ, chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho tài sản!'.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải chủ động công tác hậu cần tại chỗ, phải có phương án đảm bảo người dân có đủ lương thực, nước uống trong ít nhất từ 24-48h đầu tiên khi bị chia cắt. Phải kiểm soát chặt chẽ, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá trục lợi trên nỗi đau của người dân. Tổ chức tuần tra, canh gác và cưỡng chế khi cần thiết, phải cương quyết, không nể nang để người dân đi vào vùng nguy hiểm…/.
NGỌC HÂN
Bình luận